Căng thẳng khu vực gia tăng trước khả năng 'can thiệp quân sự' ở Niger

01/08/2023 10:13 GMT+7

Pháp bác bỏ cáo buộc Paris đang lên kế hoạch can thiệp quân sự ở Niger, trong khi Mali và Burkina Faso cảnh báo họ sẽ coi bất cứ động thái nào như vậy là hành động "tuyên chiến" với hai nước này.

Lực lượng quân sự lên nắm quyền sau đảo chínhNiger hôm 31.7 đã cáo buộc Pháp, "mẫu quốc" trước đây của quốc gia Tây Phi, có ý định "can thiệp quân sự" để đưa Tổng thống Mohamed Bazoum trở lại ghế lãnh đạo, giữa lúc căng thẳng gia tăng ở cả trong và ngoài Niger.

Tối cùng ngày, Ngoại trưởng Pháp Catherine Colonna lên tiếng bác bỏ cáo buộc trên, đồng thời cho rằng việc khôi phục quyền lực của ông Bazoum, nhà lãnh đạo dân cử được cho là thân phương Tây, vẫn "khả thi". "Và việc đó là cần thiết vì sự bất ổn này rất nguy hiểm đối với Niger và các nước láng giềng", AFP dẫn lời bà Colonna.

Cuộc đảo chính ở Niger đặt phương Tây vào thế đối đầu Nga

Ông Bazoum đã bị quân đội giam giữ trong phủ tổng thống ở thủ đô Niamey của Niger kể từ ngày 26.7, trong vụ đảo chính mới nhất xảy ra ở khu vực Sahel của châu Phi vài năm trở lại đây. Tướng Abdourahamane Tiani, người đứng đầu lực lượng bảo vệ tổng thống ở Niger, đã tuyên bố mình là nhà lãnh đạo mới của đất nước.

Trong một thông cáo hôm 30.7, Cộng đồng Kinh tế Các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) đã yêu cầu chính quyền quân sự ở Niger đưa ông Bazoum trở lại ghế lãnh đạo trong vòng một tuần. Nếu không, ECOWAS sẽ thực hiện "mọi biện pháp", bao gồm sử dụng vũ lực, để khôi phục trật tự hiến pháp ở Niger.

Căng thẳng khu vực gia tăng trước khả năng 'can thiệp quân sự' ở Niger  - Ảnh 1.

Lực lượng an ninh bên ngoài Đại sứ quán Pháp ở Niamey hôm 30.7

REUTERS

Cùng với Liên minh Kinh tế và Tiền tệ Tây Phi, ECOWAS cũng cho biết các nước sẽ đóng cửa biên giới, đình chỉ các chuyến bay thương mại và chấm dứt giao dịch tài chính với Niger, đóng băng tài sản quốc gia của Niger cũng như cắt viện trợ cho quốc gia này. Giới chức quân sự liên quan vụ đảo chính sẽ bị cấm đi lại và tài sản của họ sẽ bị phong tỏa, thông cáo cho hay.

Song chính quyền quân sự ở Mali và Burkina Faso, hai nước láng giềng của Niger và cũng là thành viên ECOWAS, cuối ngày 31.7 đưa ra tuyên bố chung cảnh báo rằng việc can thiệp quân sự ở Niger sẽ được coi là hành động "tuyên chiến" đối với cả hai nước này. Chính quyền quân sự ở Mali và Burkina Faso cũng là kết quả của các vụ đảo chính quân sự diễn ra gần đây.

Theo tuyên bố chung, "hậu quả thảm khốc của việc can thiệp quân sự vào Niger... có thể gây bất ổn cho toàn bộ khu vực". Mali và Burkina Faso cũng "từ chối áp đặt" các biện pháp trừng phạt "bất hợp pháp, không chính đáng và vô nhân đạo đối với người dân và chính quyền Niger".

Trong một tuyên bố riêng, Guinea - nơi có chính phủ cũng là kết quả của đảo chính - bày tỏ "sự không đồng tình với các biện pháp trừng phạt do ECOWAS đề xuất, bao gồm cả can thiệp quân sự". Guinea "quyết định không áp đặt các biện pháp trừng phạt mà nước này cho là bất hợp pháp và vô nhân đạo", đồng thời kêu gọi ECOWAS "xem xét lại lập trường của mình".

Góp phần làm gia tăng căng thẳng, chính quyền quân sự ở Niger hôm 31.7 đã bắt giữ một số chính trị gia cấp cao trong đảng của ông Bazoum, bao gồm bộ trưởng phụ trách khai khoáng, bộ trưởng phụ trách dầu mỏ và chủ tịch đảng, theo Reuters.

Mỹ đã lên án vụ đảo chính ở Niger, vụ thứ bảy trong vòng chưa đầy ba năm ở Tây và Trung Phi, làm dấy lên lo ngại về an ninh khu vực. Một quan chức cấp cao của Mỹ hôm 31.7 cho biết mục tiêu của Washington là hỗ trợ ECOWAS đảo ngược tình hình ở Niger, một trong những nước nghèo nhất thế giới.

Theo quan chức nói trên, Washington tin rằng vẫn có "cánh cửa hẹp" để đưa ông Bazoum trở lại nắm quyền và vụ đảo chính "không hoàn toàn thành công". Quan chức này cũng cho hay động thái ngoại giao và quân sự của Mỹ ở khu vực sẽ phụ thuộc vào việc liệu chính phủ dân cử của Niger có được khôi phục trong những ngày tới hay không.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.