Căng thẳng âm ỉ từ Biển Đông đến biển Hoa Đông

20/02/2023 06:30 GMT+7

Trung Quốc tiến hành tập trận không quân ở Biển Đông giữa lúc nhiều diễn biến căng thẳng đã xảy ra ở cả vùng biển này lẫn biển Hoa Đông.

Hôm qua, tờ South China Morning Post dẫn thông tin từ Giải phóng quân Trung Quốc (PLA) cho biết vừa tiến hành một cuộc tập trận trên không ở Biển Đông.

Oanh tạc cơ có thể mang vũ khí hạt nhân tập trận

Theo đó, cuộc tập trận có sự tham gia của oanh tạc cơ H-6K phối hợp cùng máy bay tiêm kích, máy bay cảnh báo sớm mô phỏng tấn công ở Biển Đông. H-6K là oanh tạc cơ có thể mang theo vũ khí hạt nhân và được giới quân sự Trung Quốc khẳng định là đủ sức tấn công các cơ sở quân sự của Mỹ ở Thái Bình Dương.

Bản tin của PLA không nói rõ vị trí cuộc tập trận diễn ra, nhưng có dẫn thông tin từ một đại úy - phi đội trưởng thuộc Bộ tư lệnh Chiến khu Nam bộ của PLA - cho biết dưới cánh của H-6K là "quần đảo Nam Sa xinh đẹp". "Nam Sa" là tên gọi phi pháp mà Bắc Kinh đặt cho quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền VN nhưng có một số thực thể bị Trung Quốc chiếm giữ trái phép.

Căng thẳng âm ỉ từ Biển Đông đến biển Hoa Đông - Ảnh 1.

Oanh tạc cơ H-6K trong một lần phối hợp cùng máy bay cảnh báo sớm

Tân Hoa Xã

Cũng tại Biển Đông, Philippines đã lên tiếng tố cáo vụ tàu hải cảnh Trung Quốc dùng tia laser chiếu vào tàu tuần duyên BRP Malapascua ở phía nam Biển Đông vào ngày 6.2. Ngày 14.2, sau khi công du Nhật Bản trở về, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. đã triệu tập Đại sứ Trung Quốc tại Manila Hoàng Khê Liên để phản đối vụ việc. Manila cũng đã gửi phản đối chính thức đến Bắc Kinh, chỉ trích hành động chiếu laser của tàu hải cảnh Trung Quốc là đi ngược lại thỏa thuận đạt được tại hội nghị thượng đỉnh song phương hồi tháng 1 - vốn thỏa thuận những khác biệt trên biển nên được giải quyết thông qua đối thoại thay vì dùng vũ lực, theo Đài NHK. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng lực lượng hải cảnh của nước này đã hành động theo luật.

Còn tại biển Hoa Đông, Cơ quan Thủy sản Nhật Bản ngày 17.2 thông báo một trực thăng hải quân Trung Quốc đã tiếp cận một tàu nghiên cứu Nhật trong vùng đặc quyền kinh tế của Tokyo ở vùng biển này. Trước đó, ngày 12.2, Bộ Quốc phòng Nhật cho biết một tàu khảo sát của hải quân Trung Quốc đã đi vào vùng biển Nhật từ phía tây nam của đảo Yakushima trong tỉnh Kagoshima vào rạng sáng cùng ngày.

Căng thẳng còn tiếp diễn ?

Các diễn biến trên xảy ra khi từ đầu tháng đến nay, Philippines liên tục có các hoạt động tăng cường hợp tác quân sự với Mỹ và Nhật Bản.

Cụ thể, đầu tháng 2, Philippines đón Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và sau đó hai bên thông báo về việc cho phép quân đội Mỹ tiếp cận thêm 4 căn cứ quân sự ở Philippines - nằm trong thỏa thuận Hợp tác quốc phòng tăng cường (EDCA) mở rộng được hai bên công bố. Như thế, Mỹ sẽ có thể sử dụng ít nhất 9 căn cứ quân sự của Philippines.

Tiếp đến, Tổng thống Marcos Jr. công du Nhật Bản từ ngày 8 - 12.2. Trong cuộc hội đàm giữa Tổng thống Marcos Jr. và Thủ tướng chủ nhà Fumio Kishida, Tokyo và Manila đã thỏa thuận cho phép quân đội Nhật Bản tiếp cận nhiều hơn với lãnh thổ Philippines. Không những vậy, Thủ tướng Kishida còn thông tin Tokyo và Manila sẽ tiếp tục đàm phán để tăng cường hơn nữa các cuộc tập trận chung và các hoạt động khác của lực lượng quân sự hai bên, đồng thời tìm cách mở rộng việc chuyển giao thiết bị và công nghệ quốc phòng của Nhật Bản cho Philippines và tăng cường hợp tác ba bên với Mỹ.

Phân tích tình hình khu vực khi trả lời Thanh Niên hôm qua (19.2), PGS Stephen Robert Nagy (Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế - Nhật Bản, học giả Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế của Nhật) đánh giá: "Philippines tiếp tục tăng cường hợp tác song phương và nhiều khả năng là ba bên với Mỹ lẫn Nhật Bản dù bị Trung Quốc phản ứng".

"Philippines dưới thời Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. dường như nhận ra rằng nước này không còn có thể đứng yên khi các mối đe dọa đối với Đài Loan và các nước láng giềng Đông Nam Á tăng lên, trong bối cảnh Trung Quốc phô trương sức mạnh quân sự và tăng cường hoạt động vùng xám ở các vùng biển trong khu vực", PGS Nagy nhận định và phân tích thêm: "Vì thế, Manila hiểu tầm quan trọng của việc làm sâu sắc thêm mối quan hệ với các đối tác uy tín và đáng tin cậy như Tokyo và Washington".

Qua đó, theo ông thì Bắc Kinh nhận ra sự hợp tác trên sẽ khiến nỗ lực kiểm soát Biển Đông của họ trở nên khó khăn hơn nên sẽ tiếp tục viện trợ kinh tế để ngăn chặn mối quan hệ ba bên ngày càng sâu sắc giữa Washington. Nhưng điều đó, theo PGS Nagy, sẽ khó thành công khi Trung Quốc vẫn tăng cường các biện pháp gây sức ép khác. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.