Cần tôn trọng sự khác biệt khi nói về bolero

21/01/2018 07:39 GMT+7

Sức hút của bolero khiến những tranh cãi quanh thể loại nhạc này luôn được công chúng chú tâm.

Buổi tọa đàm Bolero - di sản âm nhạc trong dòng chảy văn hóa của cư dân Nam bộ vào sáng 20.1 tại TP.HCM đã thu hút đông đảo người quan tâm tham dự.
Diễn giả được Trung tâm văn hóa lý luận và ứng dụng, Phòng Quản lý khoa học - Dự án thuộc ĐH KHXH - NV, ĐHQG TP.HCM mời đến tọa đàm là nhà nghiên cứu Trần Thị Vĩnh Tường (hiện sinh sống ở Mỹ). Buổi nói chuyện của nhà nghiên cứu Vĩnh Tường đưa đến những chia sẻ rất mở, thú vị và thực tế quanh những vấn đề: vì sao bolero “sến”, bolero thành công vì đâu và nó xóa nhòa khoảng cách giàu nghèo như thế nào?
Theo bà, nếu nhạc bolero phải mất đến 4 thế kỷ mới được đặt chân tới những thính phòng sang trọng Âu châu thì ở miền Nam VN từ những năm 1960, nhạc bolero có số phận khác thường: thành công vì hội đủ bốn yếu tố: hợp thời, dễ thực hiện, dễ gây chú ý và mang tính xã hội. “Bolero ở Sài Gòn lớn lên nhờ các ban nhạc, đài phát thanh, lò luyện giọng, đại nhạc hội, lớp dạy đàn mandolin, guitar, piano… Tầng lớp trí thức, thượng lưu, công chức, sinh viên cũng ưa chuộng bolero”, diễn giả chia sẻ.
“Không có bolero “sến”, mà vì người hát biến thành sến”, bà Tường nói. Và bà đưa ví dụ rằng, trong khi Bến giang đầu, bài bolero lời rất đẹp của Lê Trọng Nguyễn được ca sĩ Hà Thanh hát ngọt ngào, không hề “sến” thì gần đây, bà nghe một thí sinh miền Nam hát trong cuộc thi trên truyền hình với chất giọng cũng ngọt ngào nhưng rên rỉ rất “sến”.
Chia sẻ của anh Ngô Khánh Xạ - một người sinh ra ở miền Bắc đang sống tại TP.HCM, nhận được sự hưởng ứng của cả hội trường: “Những cuộc tranh cãi bolero của miền nào, vì sao được yêu thích như hiện nay... là không cần thiết. Vì bản thân bolero không xuất phát từ miền Nam và dù nguồn gốc nó từ đâu hay phát triển thế nào thì quan trọng vẫn là cách chúng ta tiếp nhận”.
Ở góc nhìn khác, Tổng lãnh sự danh dự Phần Lan tại TP.HCM Phùng Anh Tuấn đưa ý kiến: “Tôi nghĩ, quan trọng nhất là văn hóa khi tranh luận, đặc biệt với người trẻ hiện nay, cần phải hướng đến và học cách tôn trọng sự khác biệt. Vì càng có nhiều sự khác biệt, càng nghe sự khác biệt của các bên, chúng ta mới học hỏi được cái mới”, ông nhấn mạnh.
Có thể nói bolero và người dân Nam bộ có rất nhiều nét tương đồng, đó là sự mộc mạc, gần gũi kèm theo sự ngọt ngào trong giai điệu. Nhiều người lầm tưởng khi hát bolero phải có tâm trạng buồn và nhiều tâm sự, song trong đời thường của người dân Nam bộ, bolero được hát trong không khí vui vẻ, trong những buổi liên hoan, đám cưới... Họ xem đó là niềm vui giải trí lành mạnh.
NSƯT Vũ Thành Vinh, (tổng đạo diễn chương trình Solo cùng bolero)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.