Cần nghĩ đến việc có luật ĐH quốc gia

Hà Ánh
Hà Ánh
07/09/2023 06:05 GMT+7

Để có cơ sở pháp lý mở đường cho ĐH quốc gia phát huy quyền chủ động cao nhất, cần nghĩ đến việc có luật ĐH quốc gia. Ý kiến này của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn được nêu trong buổi làm việc của Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà với 2 ĐH quốc gia tại TP.HCM sáng qua (6.9).

ĐH QUỐC GIA ĐƯỢC SINH RA ĐỂ LÀM NHỮNG VIỆC LỚN

Chia sẻ tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng 2 đại học (ĐH) quốc gia được sinh ra để làm những việc lớn, trọng trách quốc gia trong lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu khoa học. Cho nên bên cạnh việc huy động nguồn lực xã hội, cơ chế đặt hàng, kết nối doanh nghiệp… thì quốc gia phải đầu tư toàn diện là đương nhiên. "Trong sự kết hợp nhiều nguồn lực thì đầu tư nhà nước phải dẫn dắt cho sự phát triển", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhìn nhận.

Về phương diện đào tạo, Bộ trưởng Kim Sơn cho biết có sự khác biệt giữa ĐH quốc gia với các cơ sở ĐH khác. Đây là trung tâm phát hiện, bồi dưỡng nhân tài; nơi đào tạo các lĩnh vực mới, thí điểm, chưa có, nhưng cần thiết trong tương lai; đào tạo lĩnh vực liên ngành, công nghệ kỹ thuật mũi nhọn, ngành khoa học cơ bản nhà nước cần nhưng xã hội ít nhu cầu. Bộ trưởng nhấn mạnh: "Đây là nơi nhà nước cần đặt hàng đào tạo cho mục tiêu riêng quốc gia. Với đặc sắc về đào tạo như vậy, 2 ĐH hiện đã được thí điểm mở mã ngành và trong số đó có những mã ngành được đưa vào danh mục đào tạo quốc gia".

Cần nghĩ đến việc có luật ĐH quốc gia - Ảnh 1.

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà trao đổi với cán bộ lãnh đạo ĐH Quốc gia TP.HCM trong buổi làm việc ngày 6.9

NHẬT THỊNH

SỚM TRÌNH CHÍNH PHỦ NGHỊ ĐỊNH VỀ ĐH QUỐC GIA

Trong các kiến nghị với Chính phủ, PGS-TS Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, mong muốn Chính phủ sớm ban hành nghị định về ĐH quốc gia và quyết định ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của ĐH quốc gia và các cơ sở giáo dục ĐH thành viên theo hướng tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho ĐH quốc gia. Cụ thể, nghị định mới làm rõ quy định trong khoản 2, Điều 8 luật Giáo dục ĐH sửa đổi 2018: "ĐH quốc gia có quyền tự chủ cao trong các hoạt động về đào tạo, nghiên cứu khoa học, tài chính, quan hệ quốc tế và tổ chức bộ máy".

Chia sẻ về nghị định ĐH quốc gia, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết các nội dung cơ bản đã ổn, sẽ trình các bộ, ngành cho ý kiến lần cuối trước khi trình Chính phủ. Tuy nhiên, Bộ trưởng cho rằng: "Để có cơ sở pháp lý mở đường cho ĐH quốc gia phát huy quyền chủ động cao nhất, cần nghĩ đến việc có luật ĐH quốc gia riêng. Trên cơ sở đó mới giải quyết được tận gốc các vấn đề đang vướng mắc".

KIẾN NGHỊ TĂNG NGUỒN TỪ TÀI SẢN CÔNG

Cũng trong buổi làm việc, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông, bàn về mô hình 1 ĐH bền vững. Ông Hùng cho biết ĐH Harvard (Mỹ) chỉ có 40% nguồn thu từ học phí, 30% từ nghiên cứu và 30% cuối cùng từ tài sản. Từ ví dụ trên, ông kiến nghị Chính phủ cân nhắc xem xét cơ chế nguồn thu từ nghiên cứu, từ tài sản của ĐH tăng lên. Ví dụ, Chính phủ có thể đặt hàng nhiều hơn các nghiên cứu quốc gia của các ĐH, cho phép kinh doanh một số tài sản của ĐH.

Cần nghĩ đến việc có luật ĐH quốc gia - Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi làm biệc

NHẬT THỊNH

Liên quan vấn đề này, PGS-TS Mai Thanh Phong, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cũng cho rằng cần có thêm kinh phí cho giáo dục ĐH ngoài kinh phí đầu tư của nhà nước và đóng góp từ người học. PGS Phong nêu ví dụ từ việc khai thác tài sản công như nhà cửa, đất đai và tài sản trí tuệ. Hiện có nhiều luật liên quan và có nhiều bước phức tạp. "Nên chăng với giáo dục hoặc y tế có những cơ chế đặc thù hơn để cơ sở giáo dục ĐH có thể sử dụng tài sản hợp pháp, hợp lý, đơn giản có thêm kinh phí?", ông Phong kiến nghị.

GS-TS Lê Quân, Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội, cũng cho rằng hiện các chính sách về chuyên môn, tài chính, nguồn lực, tính đặc thù chưa đặc sắc. Vì vậy cần có cơ chế chính sách, nguồn lực tầm cỡ, đặc biệt là cơ chế về tổ chức, cơ chế sử dụng con người, cơ chế tài chính phải có tính đặc thù riêng.

CÓ CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ CHO CÁC NGÀNH HỌC CẦN THIẾT

PGS-TS Mai Thanh Phong cũng nêu lên sự bất cập trong cơ cấu các ngành học, đặc biệt liên quan đến ngành khoa học công nghệ kỹ thuật. PGS Phong cho biết xu thế của người học hiện đang theo phong trào những ngành "hot", trong khi ngành cần thiết cho xã hội và đất nước thì người học không có nhiều nhu cầu. Do đó, đề nghị nhà nước có chính sách hỗ trợ, khuyến khích cho các ngành học cần thiết này.

PGS-TS Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cũng nêu nhiều khó khăn và thách thức của các cơ sở giáo dục ĐH trong bối cảnh tự chủ hôm nay, ví dụ như việc đào tạo các ngành khoa học cơ bản. PGS Lan nói: "Tự chủ thì học phí phải dồn lên các trường ĐH. Để tồn tại được thì các trường ĐH công lập có ngành khoa học cơ bản hiện rất khó khăn". Cũng theo PGS Lan, cơ chế, chính sách hiện chưa theo kịp với nhu cầu chính sách tự chủ. Theo Nghị định 81, các ngành được miễn giảm học phí gồm triết học Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, các ngành nghệ thuật… Trong khi đó, các ngành như lịch sử, địa lý, hải dương học, địa chất… thì không.

"Khoa học cơ bản là nền tảng cho sự phát triển bền vững. Do đó, kiến nghị khi sửa Nghị định 81, nên chăng giảm học phí các ngành khoa học cơ bản khó tuyển", PGS-TS Ngô Thị Phương Lan nêu ý kiến. Bà Lan cho biết hiện ĐH Quốc gia TP.HCM đã có đề án hỗ trợ 35% học phí cho các ngành học này, rất mong sự quan tâm của Chính phủ về học phí của các ngành khoa học cơ bản này theo cơ chế giảm học phí và đặt hàng.

Cần nghĩ đến việc có luật ĐH quốc gia - Ảnh 3.

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà làm việc tại ĐH Quốc gia TP.HCM sáng qua

NHẬT THỊNH


NGHỊ ĐỊNH PHẢI ĐỦ TẦM CHO 2 ĐH QUỐC GIA

Kết luận buổi làm việc, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng nghị định về ĐH quốc gia này phải khắc phục những tồn tại về mô hình ĐH quốc gia, trong đó cần nêu rõ thế nào là ĐH quốc gia với tiêu chí cụ thể.

Về tiêu chí, Phó thủ tướng lưu ý nếu tiêu chí cao thì 2 ĐH quốc gia phải phấn đấu, nhưng tiêu chí thấp nếu không cẩn thận sẽ có rất nhiều ĐH quốc gia. Do vậy nghị định về ĐH quốc gia phải xây dựng thế nào để thực hiện đúng sứ mệnh đã đặt ra với 2 ĐH quốc gia, phải có những nhiệm vụ lớn, đủ tầm cho 2 ĐH này. Nghị định sắp tới phải đặt ra được tầm nhìn và mong muốn về ĐH quốc gia. Từ đó, bằng nguồn lực nhà nước, cơ chế chính sách, mô hình vận hành, xã hội hóa để đạt được mục tiêu.

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cũng yêu cầu sau gần 30 năm thành lập và xây dựng, 2 ĐH quốc gia phải có đề án tổng thể, trên cơ sở pháp lý, nhìn nhận vị trí, tầm quan trọng của mình, từ đó đề xuất với nhà nước những vấn đề nhà nước phải đầu tư, những vấn đề nhà nước phải đặt hàng.

Cũng trong buổi làm việc, Phó thủ tướng cho rằng 2 ĐH quốc gia là mô hình được hình thành từ chủ trương hết sức đúng đắn. Sắp tới, cần tổng kết để biết được những gì đã làm được, cái gì cần có tư duy mới hơn để xây dựng được các ĐH quốc gia phát huy được cao nhất dân chủ, trí tuệ và tiên phong dẫn đầu trong đổi mới sáng tạo. 

2 nhiệm vụ quan trọng

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn đề nghị 2 ĐH quốc gia tập trung cho các lĩnh vực công nghệ mũi nhọn, công nghệ cao. Yêu cầu cụ thể, ông Sơn nêu lên 2 nhiệm vụ quan trọng.

Với ĐH Quốc gia TP.HCM, Bộ trưởng cho biết hiện nay tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ mới ở mức trung bình, với 39,4%. Nhiều trường ĐH khác tỷ lệ này đang cao hơn, ĐH Quốc gia Hà Nội tỷ lệ này cũng ở mức 62%.

"Như vậy, một trong những nhiệm vụ ĐH Quốc gia TP.HCM cần tập trung ưu tiên là xây dựng đội ngũ. Nếu không thì trường mới, mô hình mới, ngành nghề mới… cũng ít phát huy được tác dụng", ông Sơn nói. Còn với ĐH Quốc gia Hà Nội, ông Sơn đề nghị cần tập trung vào nhiệm vụ xây dựng cơ sở hạ tầng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.