Cần Giờ trong tầm nhìn quy hoạch

27/11/2023 04:13 GMT+7

Quy hoạch Cần Giờ đã được bàn cách đây ngót nghét 3 thập niên và đến nay vẫn đang tiếp tục bàn. Mỗi năm vài lần, câu chuyện Cần Giờ lại được đề cập, họp bàn, kỳ vọng nhưng rồi giấc mơ về một khu đô thị lấn biển, siêu cảng trung chuyển, hub du lịch sinh quyển... có thể tạo động lực cho toàn Vùng kinh tế phía nam và TP.HCM nói riêng vẫn còn nguyên đó.

Trong một cuộc họp về Cần Giờ cách đây hơn 6 năm, nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân từng nói "Bảy lần nghe về dự án Khu đô thị du lịch biển Cần Giờ nhưng đến nay huyện ven biển này vẫn như một nàng công chúa đang ngủ". Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM khi đó, thừa nhận hơn 40% người dân trên địa bàn không biết là TP.HCM có biển. Chưa nói đến siêu cảng, siêu dự án lấn biển mà ngay cây cầu nối Cần Giờ với Nhà Bè, phá thế độc đạo của bến phà hiện hữu vốn đã quá tải cũng được quy hoạch cả thập niên nay nhưng rập rình mãi vẫn nằm trên giấy. Gần nhất, hồi tháng 7 vừa rồi, dự án cầu được đưa ra chất vấn tại kỳ họp HĐND TP, lãnh đạo Sở GTVT khẳng định cầu sẽ được khởi công vào năm 2025 nên chúng ta lại tiếp tục chờ thêm 2 năm nữa.

Cũng vì bàn bạc quá lâu, Cần Giờ hiện vẫn là "công chúa đang ngủ". Đáng nói là dù chưa được đánh thức nhưng giấc ngủ lại xáo trộn liên tục. Việc cứ lâu lâu lại bàn xây cầu, xây cảng, quy hoạch lên thành phố... thổi bùng lên những cơn sốt đất ở huyện đảo bình yên này. Giới đầu cơ tung tin, tạo sóng khiến giá đất Cần Giờ bị đẩy cao chót vót, bất chấp giao dịch ảm đạm. Không ít khu vực nuôi trồng thủy sản, trồng lúa, trồng rau bị bỏ hoang bởi chủ nhân thật sự đang ở đâu đó chờ thời. Không ít người tâm huyết với vùng đất này lo ngại đến khi TP có thể bắt tay vào thực hiện thì việc đền bù, giải tỏa sẽ ngày càng mệt mỏi và tốn kém.

Hiện nay, chúng ta đều thấy sau đại dịch Covid-19 và suy thoái kinh tế toàn cầu, VN nói chung và TP.HCM nói riêng đang rất cần những động lực để phục hồi và tăng trưởng. Có lẽ vì thế, câu chuyện Cần Giờ được quan tâm hơn bao giờ hết. Với vị trí gần các tuyến hàng hải quốc tế đi qua Biển Đông, dự án siêu cảng trung chuyển Cần Giờ được đánh giá là có nhiều lợi thế cạnh tranh, thu hút nguồn hàng quốc tế tới từ các quốc gia trong khu vực như Campuchia, Thái Lan, Brunei, Philippines, khu vực phía nam Trung Quốc… và nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế VN Trần Đình Thiên khẳng định "đây là cơ hội lịch sử, là thời cơ không cho phép chậm trễ". Hồi tháng 8 vừa rồi, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sau chuyến khảo sát địa điểm dự kiến đầu tư cảng trung chuyển quốc tế tại khu vực H.Cần Giờ cũng đã có văn bản yêu cầu TP.HCM đẩy nhanh 2 siêu dự án ở đây... Cuối tuần qua, tại TP.HCM cũng có liên tiếp 2 hội nghị lớn về điều chỉnh quy hoạch cũng như định hướng phát triển bền vững cho Cần Giờ. Có thể nói, về quan điểm, chủ trương, sự đồng lòng để phát triển Cần Giờ đã chín muồi.

Vậy Cần Giờ cần gì? Có lẽ là một quyết tâm chính trị để bắt tay vào thực hiện các quy hoạch, các dự án đã được phê duyệt chứ không chỉ mãi bàn như hiện nay. Chúng ta đã có hàng trăm, hàng ngàn phân tích về lợi thế của Cần Giờ; chúng ta đã có vài thập niên để chuẩn bị; chúng ta cũng có các quy hoạch tổng thể và chi tiết về phần nào bảo tồn, phần nào phát triển, Cần Giờ nhận được sự ủng hộ của trung ương, của người dân huyện đảo, của cả TP.HCM và của cộng đồng doanh nghiệp trong lẫn nước ngoài sẵn sàng rót vốn.

Cần Giờ cần được đánh thức thực sự chứ không nên mãi là công chúa ngủ trong rừng nữa.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.