Cần chính sách thuế hợp lý cho báo chí

24/08/2023 04:14 GMT+7

Viễn cảnh thuế "đè" thu nhập của người làm báo sẽ xảy ra nếu chi phí tiền lương tăng thêm (thu nhập theo năng suất) được chi trả sau khi nộp thuế thu nhập doanh nghiệp vì báo chí không còn được vận dụng Thông tư 150 của Bộ Tài chính như trước đây.

Trước đó, Thông tư 150 cho phép tiền lương được tính vào chi phí hợp lý khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) của báo là số tiền lương thực trả cho người lao động, có chứng từ hợp lệ, hợp pháp. 

Đến nay, thông tư này đã hết hiệu lực nhưng chưa có hướng dẫn mới khiến hàng vạn nhà báo như ngồi trên đống lửa. Bởi thực tế, doanh thu của các báo, thu nhập của nhà báo nói chung đã giảm mạnh từ nhiều năm nay. Bên cạnh các khó khăn chung như do Covid-19, do kinh tế trong nước và thế giới suy thoái khiến các doanh nghiệp cắt giảm chi phí quảng bá, marketing, kéo theo doanh số giảm thì báo chí còn đối mặt với cạnh tranh từ mạng xã hội, đối mặt xu hướng đi xuống tất yếu của báo giấy. Nhiều tờ báo phải cắt giảm nhân sự, cắt giảm lương, nhuận bút, thu hẹp hoạt động, tiết giảm tối đa chi phí để tồn tại. Có thể nói, báo chí chưa bao giờ khó khăn như lúc này. Trong cái khó trăm bề đó, thu nhập của người làm báo tiếp tục có nguy cơ bị teo tóp nếu không được hạch toán chi phí lương thực tế trước khi tính thuế TNDN như vận dụng trước đây theo Thông tư 150. Thậm chí, việc này còn khiến báo chí đóng thuế nhiều hơn doanh nghiệp, bởi doanh nghiệp vẫn được khấu trừ hết toàn bộ tiền lương thực trả vào chi phí hằng năm trước khi nộp thuế.

Trở lại với sự ra đời của Thông tư 150, đó là thời điểm các cơ quan báo chí quá khó khăn khi thực hiện hai luật thuế GTGT và TNDN. Báo chí phải nộp thuế trước, dù lỗ hay lãi, sau đó mới được cấp lại một khoản. Trước thực trạng này, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 150, lần đầu tiên hướng dẫn cụ thể về thực hiện thuế với các cơ quan báo chí. Cũng nhờ vận dụng thông tư này, thu nhập của người làm báo, doanh thu của báo chí đã hợp lý hơn. Giờ bãi bỏ Thông tư 150 thì khó khăn, vướng mắc của báo chí quay trở lại y như trước, với những bất hợp lý và thiệt thòi. Nhưng thời điểm này như nói trên, hoạt động của các báo còn khó khăn hơn, thu nhập của người làm báo sụt giảm mạnh. Báo chí rất cần được hỗ trợ, chia sẻ, thấu hiểu, giống như Chính phủ đã có nhiều chính sách giúp doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn.

Đó là chưa kể tại thời điểm này, những quy định, chính sách có thể gây ảnh hưởng đến thu nhập của người dân nói chung, người làm báo nói riêng, cần hết sức thận trọng. Chúng ta đều biết đây là giai đoạn nền kinh tế ngấm đòn khó khăn liên tiếp 4 năm từ Covid-19 đến chiến sự ở châu Âu gây đứt gãy chuỗi cung ứng, lạm phát, chi phí, thiếu nguyên liệu... Công việc, chất lượng cuộc sống của người dân bị tác động khiến họ thắt chặt chi tiêu, dẫn đến sức mua trên thị trường sụt giảm. Tiêu thụ kém, tồn kho cao lại dội ngược về sản xuất, các doanh nghiệp buộc phải cắt giảm công suất, sa thải lao động... 

Cũng vì vậy, ngay từ đầu năm, Chính phủ chỉ đạo quyết liệt các giải pháp tăng sức mua, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, thúc đẩy vốn chảy vào nền kinh tế, tăng cường các giải pháp ưu đãi, hỗ trợ... người dân, doanh nghiệp.

Không nằm ngoài tình hình chung, người làm báo cũng cần được khoan sức với một chính sách thuế hợp lý và chia sẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.