Cán bộ tiếp dân chịu sức ép lớn, Hà Nội đề xuất chế độ đặc thù

07/05/2023 16:42 GMT+7

Theo Văn phòng UBND TP.Hà Nội, người làm công tác tiếp dân chịu sức ép rất lớn do phải thường xuyên tiếp xúc với người có trình độ, nhận thức khác nhau nên cần chính sách hỗ trợ để động viên, khuyến khích.

Văn phòng UBND TP.Hà Nội đang lấy ý kiến công dân về Dự thảo Tờ trình đề nghị xây dựng nghị quyết của HĐND thành phố quy định chế độ hỗ trợ đặc thù của thành phố đối với người làm nhiệm vụ tiếp dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh chuyên trách trên địa bàn.

Cán bộ tiếp dân chịu sức ép lớn, đề xuất chế độ đặc thù để động viên - Ảnh 1.

Trụ sở tiếp công dân TP.Hà Nội

NGUYỄN TRƯỜNG

Nội dung tờ trình thể hiện, tình hình khiếu nại, tố cáo công dân trên địa bàn Hà Nội ngày càng phức tạp, khối lượng đơn thư phát sinh nhiều. Hàng năm, Ban Tiếp công dân TP.Hà Nội tiếp nhận và xử lý 16.000 - 18.000 đơn.

Nguyên nhân là do Hà Nội có địa giới hành chính rộng, tốc độ đô thị hóa nhanh, việc thu hồi đất để triển khai các dự án phát triển kinh tế - xã hội cũng tăng nhanh dẫn đến đơn thư liên quan chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất… phát sinh nhiều.

Trong khi đó, người làm nhiệm vụ tiếp dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo… phải chịu sức ép rất lớn từ công việc do phải thường xuyên tiếp xúc với công dân có trình độ, nhận thức khác nhau; có thể bị phơi nhiễm dịch bệnh nguy hiểm. Nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp gây mất trật tự công cộng cũng gây sức ép rất lớn cho cán bộ, công chức.

Văn phòng UBND TP.Hà Nội đánh giá, công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, khiếu nại, tố cáo… là công việc mang tính đặc thù, đòi hỏi người được giao nhiệm vụ phải hiểu biết về nhiều lĩnh vực chuyên môn, nắm chắc kiến thức pháp luật. Bên cạnh đó, còn phải có kỹ năng xử lý tình huống, thái độ giao tiếp đúng mực… Do vậy, chính sách hỗ trợ bằng vật chất sẽ tạo điều kiện cho người làm nhiệm vụ tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo nâng cao trình độ chuyên môn, an tâm làm việc lâu dài với công tác này; đồng thời giúp động viên, khuyến khích các cán bộ, công chức ở lĩnh vực khác chuyển sang làm công tác tiếp dân.

Dự kiến tổng kinh phí chi tối đa cho 192 người (cấp thành phố 72 người; cấp quận, huyện, thị xã là 120 người) là hơn 8,1 tỉ đồng/năm. Đối tượng áp dụng là cán bộ, công chức thuộc cơ quan, tổ chức, đơn vị được cấp có thẩm quyền giao, phân công làm nhiệm vụ tiếp dân, xử lý đơn thư chuyên trách tại trụ sở tiếp công dân hoặc địa điểm tiếp công dân.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.