Cán bộ sợ trách nhiệm là 'thực trạng đáng xấu hổ'

01/11/2023 15:22 GMT+7

Đại biểu Quốc hội nhìn nhận tình trạng cán bộ né tránh, đùn đẩy công việc, sợ trách nhiệm... là điều đáng buồn, đáng xấu hổ, khiến doanh nghiệp và người dân giảm lòng tin.

Ngày 1.11, thảo luận về các vấn đề kinh tế - xã hội tại kỳ họp 6, Quốc hội khóa XV, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (đoàn Bình Định) đề cập tới một số nguyên nhân dẫn tới sự chậm trễ trong cung ứng thuốc, trong đó có vấn đề cán bộ.

Cán bộ sợ sai, đùn đẩy công việc là 'thực trạng đáng buồn, đáng xấu hổ' - Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, đoàn Bình Định

QUỐC HỘI

Ngoài những lý do khách quan về pháp luật, cấp phép, chuyển giao công nghệ…, ông Hiếu cho rằng “trách nhiệm” cũng là yếu tố then chốt.

Theo ông Hiếu, việc mua sắm phụ thuộc vào các sở y tế, sở tài chính, UBND. Tuy nhiên, một số đơn vị sợ trách nhiệm nên nảy sinh tâm lý trì hoãn, hồ sơ để trên bàn không đọc, gần hết hạn thì tìm ra một vài lỗi nhỏ để trả về cơ sở, cơ sở sửa xong nộp lên lại tìm thấy một lỗi khác. “Cứ như vậy, hết thời gian quy định thẩm định, mọi việc lại trở về vạch số 0”, ông nói.

Từ thực tiễn đã nêu, ông Hiếu đề xuất giao trách nhiệm chính cho những người sử dụng sản phẩm đấu thầu, giao cho bệnh viện quyền và chịu trách nhiệm về các quyết định của mình trước bệnh nhân và pháp luật.

"Thực trạng đáng buồn, đáng xấu hổ"

Cũng đề cập vấn đề công vụ, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) dẫn báo cáo của Chính phủ về một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức có biểu hiện né tránh, đùn đẩy công việc, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám tham mưu, đề xuất xử lý công việc.

Tình trạng trên dẫn đến công việc chậm tiến độ, giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước và làm giảm niềm tin của doanh nghiệp, người dân.

“Có thể nói, đây là một thực trạng đáng buồn, đáng xấu hổ và đã được đề cập rất nhiều trong thời gian qua”, bà Nga nêu quan điểm.

Cán bộ sợ sai, đùn đẩy công việc là 'thực trạng đáng buồn, đáng xấu hổ' - Ảnh 2.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, đoàn Hải Dương

QUỐC HỘI

Vẫn theo bà Nga, cả nước đang nỗ lực thực hiện cải cách hành chính, quyết liệt việc sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong của các cơ quan, đơn vị. Tinh thần, thái độ công vụ của một bộ phận cán bộ, công chức nêu trên, dù chỉ là số ít nhưng đã gây trở ngại cho quá trình phát triển.

Nữ đại biểu đề nghị đẩy mạnh công tác chấn chỉnh thái độ né tránh, đùn đẩy trách nhiệm trong thực thi công vụ; đồng thời phải bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Phải có giới hạn về tần suất thanh tra, kiểm tra 

Góp ý thêm về công tác cán bộ, đại biểu Vũ Tiến Lộc (đoàn Hà Nội) nhận định yếu tố then chốt để phục hồi và phát triển kinh tế là phải đẩy mạnh cải cách thể chế, đơn giản hóa các thủ tục hành chính “đang trở nên nặng nề hơn” trong thời gian qua.

Ông Lộc nhấn mạnh cần khắc phục cho được những quy định pháp lý chồng chéo, bất cập và nhất là thiếu minh bạch, đang gây rủi ro cho người thực hiện. Cùng với đó phải gỡ bỏ được tâm lý sợ oan, sai, e ngại thanh tra, kiểm tra của các cán bộ, công chức và doanh nghiệp.

Vị đại biểu đề nghị nghiên cứu và đặt ra các giới hạn về tần suất, phạm vi các cuộc thanh tra, kiểm tra để các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp có thể yên tâm tập trung nỗ lực để giải ngân các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế.

“Chúng ta cũng cần bổ sung ngay các chế tài kinh tế phù hợp để xử lý các vi phạm và không hình sự hóa các quan hệ kinh tế; phải triển khai thiết thực, tận tâm các biện pháp bảo vệ cán bộ và cả các doanh nhân dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung; phải luật hóa các quy định về vấn đề này”, ông Lộc nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.