Cán bộ có phiếu tín nhiệm thấp trên 2/3 sẽ bị miễn nhiệm

Lê Hiệp
Lê Hiệp
06/02/2023 08:14 GMT+7

Bộ Chính trị vừa ban hành Quy định 96 về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị, thay Quy định 262 ban hành năm 2014 cùng nội dung.

Một trong những điểm mới của Quy định 96 là sự thay đổi trong quy định về sử dụng kết quả phiếu tín nhiệm. Theo đó, thay vì quy định sử dụng kết quả phiếu tín nhiệm để "tham khảo", Quy định 96 quy định kết quả phiếu tín nhiệm được sử dụng để đánh giá cán bộ, làm cơ sở cho công tác quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, miễn nhiệm và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ.

Cán bộ có phiếu tín nhiệm thấp trên 2/3 sẽ bị miễn nhiệm - Ảnh 1.

Đại biểu Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm bằng bỏ phiếu kín tại kỳ họp 6, Quốc hội XIV, tháng 10.2018

Gia Hân

Đối với những trường hợp có trên 50% nhưng dưới 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp, thì ngoài việc "đưa ra khỏi quy hoạch các chức vụ cao hơn", Quy định 96 quy định rõ: xem xét cho thôi giữ chức vụ đang đảm nhiệm, bố trí công tác khác hoặc cho từ chức, hoặc tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm theo quy định.

Đối với trường hợp có từ 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp trở lên thì cấp có thẩm quyền thực hiện miễn nhiệm chức vụ đang đảm nhiệm và bố trí công tác khác thấp hơn mà không chờ đến hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm.

Theo Quy định 262 trước đó, người có trên 50% số phiếu tín nhiệm thấp chỉ bị "xem xét đưa ra khỏi danh sách quy hoạch các chức vụ cao hơn khi rà soát, bổ sung quy hoạch và xem xét bố trí, sắp xếp công tác phù hợp". Người có từ 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp trở lên chỉ "cần kịp thời xem xét, nếu xét thấy không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thì cho từ chức hoặc cho thôi giữ chức vụ để bố trí công tác khác, không chờ hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác".

Về "tiêu chí" lấy phiếu tín nhiệm, Quy định 96 quy định 2 "tiêu chí", gồm: phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật; kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; thay vì "nội dung" lấy phiếu tín nhiệm như Quy định 262 trước đó. Tuy vậy, về cơ bản, các nội dung quy định tại 2 quy định là tương tự nhau.

Cụ thể, về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật, Quy định 96 nhấn mạnh tiêu chí về lập trường, quan điểm, bản lĩnh chính trị; giữ gìn phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống… Bên cạnh đó là kết quả lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chủ trương của Đảng về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương; sự gương mẫu của bản thân và vợ, chồng, con trong việc chấp hành chính sách, pháp luật của nhà nước.

Về tiêu chí kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, Quy định 96 nhấn mạnh yếu tố tính năng động, đổi mới, sáng tạo, quyết đoán, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ được giao; kết quả lãnh đạo công tác tổ chức, cán bộ; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực...

Tương tự quy định trước đây, Quy định 96 quy định việc lấy phiếu tín nhiệm được tiến hành định kỳ vào năm thứ 3 (năm giữa nhiệm kỳ đại hội đảng bộ các cấp). Các mức tín nhiệm gồm 3 mức: tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp…

Việc công khai kết quả phiếu tín nhiệm cũng được quy định rõ hơn. Theo đó, kết quả phiếu tín nhiệm sẽ được công khai tại hội nghị lấy phiếu tín nhiệm. Đối với Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư thì công khai trong Ban Chấp hành T.Ư. Đối với chức danh do Quốc hội, HĐND bầu, phê chuẩn thì được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đối với các chức danh, chức vụ còn lại trong hệ thống chính trị thì công khai tại hội nghị lấy phiếu tín nhiệm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.