Cấm tuyệt đối nồng độ cồn: 'Phong tục, tập quán không phù hợp thì nên loại bỏ'

24/11/2023 08:01 GMT+7

Ủng hộ quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn, luật sư cho rằng "phong tục, tập quán nào không mang tính xây dựng, không còn phù hợp với sự phát triển của xã hội thì nên loại bỏ".

Chiều nay 24.11, Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường về dự án luật Trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ. Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, sẽ phát biểu giải trình, làm rõ các vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Trước khi phiên thảo luận diễn ra, Thanh Niên có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Thị Huyền Trang (Đoàn Luật sư TP.HCM) về một số nội dung trong dự thảo luật.

Cấm tuyệt đối nồng độ cồn: 'Phong tục, tập quán không phù hợp thì nên loại bỏ' - Ảnh 1.

Luật TTATGT đường bộ được tách một phần từ luật Giao thông đường bộ năm 2008 đang có hiệu lực

TUYẾN PHAN

Tách 2 luật là cần thiết

* Tại phiên thảo luận tổ hôm 10.11, một số đại biểu Quốc hội vẫn còn băn khoăn về việc tách luật Giao thông đường bộ năm 2008 thành luật Đường bộ (do Bộ GTVT chủ trì soạn thảo) và luật TTATGT đường bộ (do Bộ Công an chủ trì soạn thảo). Theo luật sư, việc tách 2 luật như vậy có cần thiết? Lợi ích mang lại là gì?

Luật sư Nguyễn Thị Huyền Trang: Với tư cách là một chuyên gia pháp luật, tôi cho rằng việc xây dựng, ban hành luật TTATGT đường bộ tách khỏi luật Giao thông đường bộ năm 2008 là xuất phát từ yêu cầu thực tiễn khách quan.

Đề nghị nêu rõ bằng chứng khoa học để quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn

Hơn thế, Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 25.5 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm TTATGT trong tình hình mới đã xác định rõ: tập trung rà soát, hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật về giao thông theo hướng quy định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước đối với công tác bảo đảm TTATGT gắn với bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông và phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng, ban hành luật TTATGT đường bộ và luật Đường bộ để cụ thể hóa một bước định hướng trên.

Các quy định như đề xuất tại dự thảo luật TTATGT đường bộ sẽ xác định được trách nhiệm chính của từng cơ quan nhà nước trong việc bảo đảm về TTATGT đường bộ; qua đó nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước; đảm bảo sự điều chỉnh sát thực tế về mặt pháp lý.

Việc tách 2 luật cũng khắc phục những hạn chế, bất cập của luật Giao thông đường bộ hiện hành; phù hợp với xu thế phát triển pháp luật của Việt Nam và thông lệ quốc tế; đặt lợi ích về tính mạng, sức khỏe, tài sản của người dân khi tham gia giao thông lên hàng đầu.

Như vậy, xét về cả thực tiễn và lý luận, việc tách thành 2 luật là rất cần thiết và cần thực hiện sớm.

Cấm tuyệt đối nồng độ cồn: 'Phong tục, tập quán không phù hợp thì nên loại bỏ' - Ảnh 2.

Luật sư Nguyễn Thị Huyền Trang ủng hộ quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn, vì như vậy sẽ góp phần giảm thiểu các vụ tai nạn giao thông

NVCC

Có nên cấm tuyệt đối nồng độ cồn?

* Dự thảo luật TTATGT đường bộ quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn. Tuy nhiên, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng như vậy là không hợp lý, không phù hợp với phong tục, tập quán của Việt Nam. Luật sư đánh giá sao về vấn đề này?

Tôi hoàn toàn nhất trí với quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn.

Trước tiên, cần khẳng định đây không phải là nội dung mới. Bởi lẽ, khoản 6 điều 5 luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia (có hiệu lực thi hành từ năm 2020) đã quy định rõ việc này. Theo đó, một trong những hành vi bị nghiêm cấm là điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.

Chuyện "nồng độ cồn bằng 0" làm nóng nghị trường quốc hội

Thực tế cho thấy, người điều khiển phương tiện sau khi uống rượu, bia thường bị ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm thần và thể chất, đến khả năng phán đoán, xử lý tình huống khi tham gia giao thông; đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng, làm chết và bị thương nhiều người mà nguyên nhân là do người điều khiển phương tiện vi phạm về nồng độ cồn.

Sau khi quy định tại luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia được triển khai, thực tiễn chứng minh tính hiệu quả rất cao; thể hiện qua số lượng trường hợp vi phạm bị xử lý, ý thức của người tham gia giao thông được nâng cao rõ rệt, các vụ tai nạn giao thông liên quan đến sử dụng rượu, bia cũng giảm đáng kể.

Với những căn cứ đã nêu, đề xuất cấm tuyệt đối nồng độ cồn như trong dự thảo luật TTATGT đường bộ là hợp lý.

Tôi cho rằng, trong đời sống xã hội, có những phong tục, tập quán không mang tính xây dựng hoặc không còn phù hợp với sự phát triển của xã hội thì nên loại bỏ để không ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước.

Cấm tuyệt đối nồng độ cồn: 'Phong tục, tập quán không phù hợp thì nên loại bỏ' - Ảnh 3.

Cấm tuyệt đối nồng độ cồn hay cần có ngưỡng nhất định, vấn đề này hiện vẫn còn nhiều đại biểu Quốc hội có ý kiến khác nhau

TUYẾN PHAN

Bộ Công an nói về việc có nên cấm tuyệt đối nồng độ cồn

Ứng dụng công nghệ để giảm "tiếng ong ve"

* Một số đại biểu Quốc hội còn đề nghị nghiên cứu áp dụng quy định về trừ điểm giấy phép lái xe (GPLX), vì như vậy sẽ giúp nâng cao ý thức của người tham gia giao thông. Theo luật sư, đề xuất này có khả thi?

Tôi thấy rằng chúng ta chưa đủ điều kiện để triển khai quy định về điểm và trừ điểm GPLX. Lý do, hiện tại GPLX không quy định thang điểm, vì thế tính điểm trừ hay điểm cộng không có ý nghĩa gì trong việc nâng cao ý thức của người tham gia giao thông.

Đề xuất về điểm trừ, điểm cộng GPLX sẽ hợp lý và thực tế hơn khi Việt Nam có thể đồng thời xây dựng luật Chấm điểm công dân như một số nước trên thế giới đã và đang thực hiện.

* Cũng tại phiên thảo luận tổ tuần trước, đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, cho biết sẽ tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác đảm bảo TTATGT, nhằm giảm tiếng "ong ve" đối với lực lượng CSGT. Theo luật sư, cần tăng cường ứng dụng như thế nào để đạt được kỳ vọng như bộ trưởng nêu?

Bộ trưởng Tô Lâm có nói, nếu ứng dụng công nghệ vào công tác đảm bảo TTATGT sẽ giảm đi "tiếng ong ve" về CSGT, "vì chả ai giao dịch với ai thì tiêu cực thế nào được". Tôi hoàn toàn đồng tình với quan điểm này.

Dự thảo luật TTATGT đường bộ quy định rõ, ứng dụng KH-CN sẽ được ưu tiên cho 2 lĩnh vực là "phát hiện vi phạm pháp luật về TTATGT đường bộ" và "chỉ huy, điều khiển giao thông".

Công nghệ sẽ góp phần điều hành giao thông thông minh, giảm được tiếp xúc giữa CSGT với người dân thông qua giám sát, xử lý vi phạm bằng dữ liệu, hình ảnh và thực hiện các dịch vụ công trực tuyến.

Ví dụ, người vi phạm sẽ thực hiện thủ tục nộp phạt qua các dịch vụ công trực tuyến, không phải tiếp xúc trực tiếp với CSGT, từ đó hạn chế tối đa tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, phiền hà.

Nếu luật được thông qua, với khung pháp lý chặt chẽ để triển khai, ứng dụng công nghệ phù hợp, tôi tin rằng lực lượng CSGT sẽ ngày càng trong sạch, vững mạnh.

* Xin cảm ơn luật sư!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.