Cái tình người Cai Lậy

12/10/2022 15:00 GMT+7

Quê tôi ở vùng Cai Lậy ( Tiền Giang ). Cũng như bao vùng quê khác ở Tây Nam bộ, quê tôi cũng có những cánh đồng lúa bát ngát, vườn cây trĩu quả, con kênh, con rạch chằng chịt không chỉ thuận lợi giao thông, trị thuỷ mà còn là mạch máu của đồng bằng châu thổ, kết nối tình đất, tình người với nhau.

Quê tôi vốn nghèo nhưng tình làng nghĩa xóm nếu tính ra tiền thì không sao kể xiết.

1. Chỉ vài năm sau ngày 30.4.1975 lịch sử, ba tôi lâm trọng bệnh. Bao nhiêu vàng, tiền đã tích cóp bấy lâu đều ra đi. Cả gia đình lo lắng mỗi khi vào mùa xuống giống hay thu hoạch lúa vì đâu đủ tiền để mướn công, trong khi anh em chúng tôi chỉ mới học tiểu học. Không ai bảo ai “mỗi người giúp một tay”, người cắt, người đập, người vác lúa và kể cả phơi lúa luân phiên nhau qua nhà giúp đỡ. Hồi đó, tôi còn nhỏ nhưng vẫn nhớ rõ mọi người cắt lúa bằng lưỡi liềm nên ai cũng tranh thủ đi thật sớm kẻo trưa thì trời nắng. Đến khi cấy lúa, tờ mờ sáng là mọi người í ới gọi nhau qua ruộng tôi cấy sớm. Những hôm lọt vào ngày chủ nhật, anh em tôi cũng ra ruộng bỏ mạ cho mấy cô bác cấy. Thương hoàn cảnh gia đình nên không ai la rầy, nặng nhẹ khi chúng tôi có lúc lơ đễnh bỏ mạ quá thưa hay quá dày, ngược lại còn chỉ dạy tỉ mỉ. Má tôi ở nhà nấu nồi cơm, canh lớn mang ra tận ruộng để mọi người cùng xúm nhau ăn cơm ngay trên cánh đồng gió lộng.

Rạch Ba Rài (Cai Lậy)

tgcc

Khi bước vào cái tuổi “bẻ gãy sừng trâu”, tôi bắt đầu biết đi vác lúa, làm đất dần công suốt ba tháng hè. Dù không ai bắt buộc nhưng gia đình cảm thấy ấy náy với tình cảm của bà con nên tôi cũng cố gắng theo. Ban đầu mọi người ái ngại vì thấy cái dáng vẻ “thư sinh” cũng như lâu nay quen chuyện học hành nên không dám giao việc nặng. Lâu ngày khi quen việc, tôi bắt đầu làm thuần thục công việc không khác gì những chàng thanh niên nông thôn thứ thiệt. Ai nấy thấy thương tình, trái chuối, củ khoai, gói xôi… ăn giữa buổi (mà bà con quen gọi là ăn 10 giờ) cũng dành riêng phần ngon cho tôi. Tiếng cười, tiếng nói rộn rã xua tan hết những mệt nhọc, vất vả của những ngày làm lụng trên đồng.

Nhà nghèo, mấy hôm vác lúa xong, tôi tranh thủ nán lại đi mót lúa. Tôi cùng đám trẻ nghèo túa ra cánh đồng đã gặt xong cắm mặt xuống đất tìm những hạt lúa còn sót lại bỏ vào thúng nhỏ để nhặt đem về. Chủ ruộng hoặc người cắt lúa không biết vô tình hay cố ý để lại một ít lúa vàng cho chúng tôi nhặt về. Thật không thể tả được cảm xúc khi ấy khi mỗi lần nhặt được hơn nửa thúng lúa. Những hạt lúa ấy cũng đủ để nuôi gà, nuôi vịt khi chúng lớn bán lấy tiền nuôi chúng tôi ăn học. Đâu riêng nhà tôi, bất cứ gia đình nào trong xóm có hữu sự hay cần giúp đỡ gì bà con đều sẵn lòng xem như người nhà.

Khi điện nông thôn chưa kéo về, trong xóm chỉ nhà ông Bảy có tivi 12 inch sử dụng được bằng máy phát điện. Mỗi tuần, cả xóm trông đợi tới ngày thứ bảy để tụ tập đến xem cải lương, và ông cũng chỉ mở ngày thứ bảy. Đông nghịt người già đến trẻ con ngồi xếp hàng kéo dài từ trong nhà đến ngoài sân say sưa theo dõi các tuồng cải lương quen thuộc (cho dù phát đi phát lại nhiều lần) như: Tiếng trống Mê Linh, Bên cầu dệt lụa, Tiếng hò sông Hậu, Khách sạn hào hoa… mà vẫn không chán. Có người vừa bơm nước ruộng về, dư chút xăng, cũng để lại phụ cho ông Bảy mấy lần sau chạy máy. Cuộc sống thời bao cấp tuy nghèo nhưng tình làng nghĩa xóm lúc nào cũng tràn đầy.

2. Rời quân ngũ trở về cuộc sống đời thường, nhiều cựu chiến binh xưa kia ở vùng Đồng Tháp Mười thuộc xã Mỹ Phước Tây ngày nay gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Cái nghèo ở xứ đất phèn cứ đeo đẳng biết bao gia đình của những người lính năm xưa. Có người kéo cả nhà sang nơi khác thuê ruộng trồng lúa, không dám vay tiền ngân hàng, vì sợ không trả được vốn lẫn lãi. Có người cho con cái nghỉ học sớm đi chăn vịt, mót lúa còn cha mẹ đi làm thuê. Họ chân chất, thật thà chấp nhận số phận, không than vãn cứ lầm lũi làm việc bởi cha anh bao đời nay vẫn thế.

Thấy những người đồng đội mình khó khăn, những anh bộ đội cụ Hồ có điều kiện kinh tế thuận lợi hơn liền dang tay ra giúp đỡ. Với uy tín của mình, họ đứng ra vận động các mạnh thường quân, những doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, những người con của quê hương thành đạt đang sinh sống ở khắp mọi nơi về giúp đỡ bà con mình, quê hương mình. Ban đầu chỉ là bao gạo, nước mắm, nước tương và nhu yếu phẩm cần thiết. Dần dà họ xây dựng các loại Quỹ “Nghĩa tình”, Quỹ “Đồng đội”, góp công, góp của xây dựng những ngôi nhà “3 cứng” và trang bị thêm những vật dụng trong nhà hay giới thiệu cho con em làm việc trong các công ty... Đứng trước ngôi nhà kiên cố mà ông Lê Văn Hạnh ở ấp Long Phước cứ tưởng như đang mơ. “Gia đình tôi không có đất sản xuất, thuộc diện hộ nghèo, nhà cửa cửa xiêu vẹo. Anh em đã hỗ trợ cho tôi nguồn vốn để nuôi gà, vịt với số lượng lớn. Rồi khi xây nhà mới, anh Lập cùng xóm đã tặng bộ cửa trị giá trên 10 triệu đồng. Ở trong căn nhà mới chắc chắn, rộng rãi, gia đình tôi biết ơn nhiều lắm". Ngồi trong căn nhà mới, anh em cựu chiến binh lại bàn tới chuyện xây dựng tiếp ngôi nhà người khác, tạo điều kiện cho ai đó làm ăn, thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi… Tình quê giản đơn như vậy mà vui.

Anh Châu Văn Hồng trong bể nuôi lươn

tgcc

Rồi cũng có những anh em từ nghèo khó, được sự giúp đỡ của đồng đội, giờ vượt lên khá giả vẫn không quên tình làng nghĩa xóm, tiếp tục giúp đỡ bà con vượt khó khăn. Anh Châu Văn Hồng ở ấp Cầu Dừa là một điển hình như thế. Từ hai bàn tay trắng, không đất sản xuất, phải bốc vác thuê ở nhà máy xay xát, được anh em cựu chiến binh động viên, giúp đỡ, anh thực hiện mô hình nuôi lươn không bùn mang lại lợi nhuận hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Thị trường tiêu thụ nguồn lươn của anh không chỉ dừng lại ở các xã lân cận và lan sang các tỉnh Bình Định, Bình Phước, Bến Tre, Long An… Anh luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm nuôi lươn trong bể nước với mọi người dân, nhằm góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

3. Nhiều người giờ hay nhắc lại tình làng nghĩa xóm ngày xưa cũng như những ký ức đẹp về tập tục của làng quê mình trong quá khứ. Điều đó rất quan trọng vì giúp cho giới trẻ ngày nay hiểu thêm tính cách của người miền Tây vốn sống hòa thuận với nhau, cùng chung sức khai hoang lập ấp, từ đó càng thêm tự hào và yêu quý mảnh đất này hơn. Qua thời gian, có nơi bị mai một vì nhiều lý do khác nhau, nhưng người dân Cai Lậy quê tôi vẫn trân trọng tính cách của người miền Tây “coi bốn bể là nhà, tứ hải giai huynh đệ”, không thay đổi qua thời gian. Sống lúc nào cũng tình cảm và cởi mở. “Bán bà con xa mua láng giềng gần” đây là câu nói cửa miệng của người dân quê tôi để nói lên rằng họ luôn sống cho nhau, cho bạn bè, cho những người đang sống quanh họ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.