‘Cải lão hoàn đồng’ cho sách xưa

21/03/2024 09:00 GMT+7

'Hơn cả một công việc kiếm sống, tôi coi nghề phục chế sách cũ như một cách biết ơn sách, vì đối với tôi, sách giấy chính là công cụ quan trọng bậc nhất mà con người sử dụng để nghiên cứu, mở mang và lưu trữ kiến thức, cũng như lưu giữ các giá trị văn hóa, lịch sử kể cả bây giờ và mai sau", anh Nguyễn Đức Khuynh bộc bạch.

Hơn 17 năm qua, anh Nguyễn Đức Khuynh (sinh năm 1982, hiện ngụ tại xã Vĩnh Ngọc, TP.Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) luôn tâm huyết với nghề phục chế sách cũ.

‘Cải lão hoàn đồng’ cho sách xưa- Ảnh 1.

Anh Nguyễn Đức Khuynh đã gắn bó với nghề phục chế sách xưa hơn 17 năm

Nguyên Phúc

Bén duyên với nghề nhờ tình yêu sách

Anh Khuynh vốn là cử nhân nghệ thuật và là nghệ sĩ trình diễn nhạc cụ truyền thống. Tuy nhiên, từ năm 2009, anh đã chuyển sang công việc phục chế sách. Hơn 17 năm qua, anh đã "chữa lành" không dưới 2.000 cuốn sách và đa số là sách quý được xuất bản từ giữa thế kỷ 19 đến cuối thế kỷ 20.

‘Cải lão hoàn đồng’ cho sách xưa- Ảnh 2.
‘Cải lão hoàn đồng’ cho sách xưa- Ảnh 3.

Những cuốn sách xưa không mấy nguyên vẹn được anh Khuynh nhận về để “chữa lành”

Nguyên Phúc

Trong những chiếc tủ kính tại phòng khách, anh Khuynh trưng bày hàng trăm cuốn sách do chính tay mình phục chế. Anh vui vẻ giới thiệu nhiều đầu sách quý có tuổi đời trăm năm đã được anh "chữa lành" và bảo quản.

Điển hình như bộ tập san quý hiếm bằng tiếng Pháp với nhan đề: Bulletin des Amis du Vieux Hué (viết tắt là BAVH, dịch sang tiếng Việt là Tập san của những người bạn cố đô Huế). Trước đây tập san này có tên gọi là Đô thành hiếu cổ được sáng lập bởi Linh mục Léopold Michel Cadière, xuất bản và lưu hành tại Việt Nam và Pháp từ năm 1914 đến năm 1944. Toàn bộ tập san BAVH ấn hành được 121 tập và 01 tập danh mục thì anh Khuynh đã sưu tầm được 70 tập.

Anh cho biết, hiện tại, ở Việt Nam chỉ có khoảng 1 - 2 bộ đầy đủ 121 tập. Vì vậy, để sở hữu 70 tập, anh đã tốn nhiều thời gian tìm kiếm và tất cả những cuốn sách khi mới đem về đều bị hư hại ít nhiều. Do đó, anh phải phục hồi và thay bìa đến gần 1 năm mới hoàn thành.

‘Cải lão hoàn đồng’ cho sách xưa- Ảnh 4.

Những tập sách BAVH (ngăn trên) được anh Khuynh phục hồi, đóng bìa da và trưng bày trong tủ sách

Nguyên Phúc

Ngoài ra, bộ sách Nhà văn hiện đại gồm 5 cuốn của tác giả Vũ Ngọc Phan được NXB Tao Đàn ấn hành năm 1943; Kinh dịch (Ngô Tất Tố dịch), bộ truyện Tây Du Ký (Ngô Thừa Ân)… được xuất bản vào những thập niên cuối thế kỷ 20 cũng được anh phục chế và lưu giữ như những báu vật trong tủ sách nhà mình.

Về cơ duyên đến với nghề phục chế sách xưa, anh Khuynh kể, thời sinh viên anh vốn mê đọc sách, nhưng khi ấy sách hiếm hoi, vả lại để sở hữu một cuốn sách mới thì tốn khá nhiều tiền. Vì vậy, để tiết kiệm chi phí và hơn cả là để mua được nhiều sách hơn, anh chọn cách tìm mua sách cũ tại các sạp ngoài vỉa hè.

‘Cải lão hoàn đồng’ cho sách xưa- Ảnh 5.

Cuốn sách quý có tuổi đời hơn trăm năm được anh Khuynh lưu giữ

Nguyên Phúc

Sách tại đây đa dạng thể loại nhưng hầu như mỗi cuốn chỉ có một bản. Vì vậy, đôi khi tìm được quyển mình cần, anh Khuynh lại tiếc nuối do đa số bị bong gáy, rách bìa hoặc mờ mực in… Mua xong anh phải tìm đến những tiệm photocopy để đóng nhằm cải thiện và bảo quản sách. Nhưng cách đóng bìa của những cửa tiệm này lại khiến việc lật sách khó khăn hơn do can thiệp cắt xén hoặc dán keo dính vào phần chữ. Quý sách và mong muốn có những cuốn sách cũ nguyên vẹn, anh lần mò tìm hiểu và may mắn được người thợ đóng sách nổi tiếng nhất Nha Trang nhận dạy nghề.

Trong vòng 2 năm (năm 2005 và 2006), anh chăm chỉ theo thầy học nghề và tìm hiểu thêm nhiều bí quyết phục chế sách từ tài liệu và những cao nhân khác trong nghề. Thấy anh say mê và tâm huyết, người thầy đóng sách đã không ngần ngại truyền hết "bí kip" cho anh cùng toàn bộ các dụng cụ hành nghề gồm: bộ chữ, máy ép, máy đóng, bộ xén đem từ Pháp sang Việt Nam từ cuối thế kỷ 19.

Những ngày đầu làm sách, anh thực hành trên những cuốn sách của mình, sách phục chế đạt được chất lượng như mong đợi, anh vui sướng đăng lên các diễn đàn mạng xã hội để chia sẻ niềm vui cùng hội những người có sở thích sưu tầm sách. Tuy nhiên, lại có nhiều nhà sưu tầm sách trên khắp cả nước lại ngỏ ý nhờ anh sửa sách cho.

Nhận phục chế vài cuốn đầu tiên, được khách hàng khen khéo và giới thiệu cho nhiều nhà sưu tầm khác. Cùng với đó, các nhà xuất bản cũng tìm tới anh để đặt làm những ấn phẩm đặc biệt. Nhận thấy nhiều người có nhu cầu phục hồi sách, anh thôi hoạt động nghệ thuật, tập trung toàn thời gian làm sách. Từ năm 2009, phục chế sách cũ trở thành nghề chính thức của anh.

Lưu giữ giá trị từ sách

Những cuốn sách anh phục chế đa số có tuổi đời lên tới vài chục đến hàng trăm năm nên thường có trạng thái cũ đến nát bươm, mất bìa và nhiều trang sách không còn nguyên vẹn. Để sửa chữa những cuốn sách như thế, anh đòi hỏi bản thân phải tập trung cao độ, tỉ mỉ và cẩn trọng để nâng niu từng trang sách.

Cuốn sách nhìn có đẹp và giá trị hay không phụ thuộc rất nhiều vào cách đóng bìa. Sách tiếng Pháp, Nga tôi chuộng bìa da; sách nhà Phật thì chọn bìa bằng gấm; sách văn học thì sẽ chọn hoa văn nhẹ nhàng, uyển chuyển; sách lịch sử, triết học tôi chọn hoa văn gai góc, mạnh mẽ hơn. 

Chuyên gia phục chế sách cũ Nguyễn Đức Khuynh

Mỗi cuốn sách mỗi "bệnh" khác nhau, nhưng thường đều phải trải qua các công đoạn gồm tháo rời từng tờ để phơi, sấy, ép dán rồi khâu từng tép cẩn thận. Tất cả những công đoạn đó đều phải được làm thủ công và mất nhiều thời gian. Cuốn ít hư hại thì tháo, khâu mất hết một ngày, còn cuốn rách tươm, khó nhằn thì phải thêm công đoạn tìm giấy dó xưa để thay, phục dựng lại nội dung… mất vài tháng đến cả năm mới anh mới có thể hoàn thành.

Đó là chưa kể đến việc phải tìm loại vật liệu và họa tiết phù hợp với từng thể loại sách khác nhau. Anh Khuynh cho biết cuốn sách nhìn có đẹp và giá trị hay không phụ thuộc rất nhiều vào cách đóng bìa. Tùy nội dung sách mà anh chọn các loại vật liệu và cách trang trí bìa khác nhau. "Sách tiếng Pháp, Nga tôi chuộng bìa da; sách nhà Phật thì chọn bìa bằng gấm; sách văn học thì sẽ chọn hoa văn nhẹ nhàng, uyển chuyển; sách lịch sử, triết học tôi chọn hoa văn gai góc, mạnh mẽ hơn", anh Khuynh cho biết.

‘Cải lão hoàn đồng’ cho sách xưa- Ảnh 6.

Những họa tiết, hình ảnh trên bìa sách được chính tay anh Khuynh phác thảo và in ấn

Nguyên Phúc

Có nhiều tác phẩm còn được anh tự tay vẽ thư họa, tranh hiện đại lẫn cổ xưa để chế tác làm nội dung bìa sách. Thêm nữa, chị Phan Thị Kim Thâm - vợ anh - vốn là nghệ nhân làm tranh thêu XQ còn giúp anh làm những bìa sách thêu trên gấm, lụa. Sự kết hợp của hai vợ chồng đã cho ra đời những bìa sách độc đáo, sắc sảo, có ý đồ nghệ thuật mà bất kỳ ai xem qua cũng tấm tắc ngợi khen.

Gắn bó nhiều năm với công việc, anh nhìn sách là có thể "đoán bệnh" và chữa được ngay. Và dù "bệnh tình nặng nhẹ" ra sao, anh chưa bao giờ hời hợt, sửa sách qua loa vì anh biết rằng những cuốn sách được mang đến đây đa phần là sách kỷ niệm và có nhiều ý nghĩa đối với khách hàng. Anh chia sẻ, mình cảm thấy may mắn khi được tin tưởng và vì vậy, càng có trách nhiệm hơn khi làm mới từng cuốn sách.

Theo anh Khuynh, ngày nay, chỉ cần một cú nhấp chuột có người đọc có thể tìm mua hoặc đọc trực tuyến trên các trang điện tử, tuy nhiên, những thông tin này có độ chuẩn xác không cao, vả lại để nghiên cứu chuyên sâu thì khó mà đáp ứng được. Đến thời điểm hiện tại, với độc giả chính chuyên, sách giấy vẫn là thứ không gì thay thế được.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.