Các huyện ngoại thành 'đua nhau' lên thành phố: Đột phá hay gánh nặng bộ máy?

21/09/2023 06:35 GMT+7

Trong khi hiệu quả của mô hình TP trong TP còn gây nhiều tranh luận thì các chuyên gia lo ngại việc công bố quy hoạch lên TP của các huyện ngoại thành có thể lập tức kéo theo nhiều hệ lụy.

Đơn vị hành chính càng ít, càng đơn giản, càng tốt

Trả lời Thanh Niên từ Singapore, PGS-TS Vũ Minh Khương, Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (ĐH Quốc gia Singapore), cho rằng ý tưởng TP mới trong TP của TP.HCM là đáng xem xét và có thể trở thành một sáng tạo đột phá. Ý tưởng này mở ra một số cơ hội lớn như: TP có thể thu hồi đất ngay từ trước khi phát triển hạ tầng nên có quỹ đất lớn, từ đó tạo nguồn thu rất lớn cho phát triển. Bên cạnh đó, các TP mới sẽ được phát triển theo mô hình tổ cụm ngành, nhất là các ngành thuộc về kinh tế số, đồng thời sẽ có nhiều dư địa để dành quỹ đất cho cư dân nội đô chuyển ra, giải quyết bài toán đông dân, kẹt xe khu vực nội đô.

Các huyện ngoại thành 'đua nhau' lên thành phố: Đột phá hay gánh nặng bộ máy? - Ảnh 1.

Việc lên TP.Thủ Đức 3 năm qua khiến giá bất động sản tăng chóng mặt

ĐÌNH SƠN

Ngoài ra, đây là cơ hội để TP.HCM cũng như Hà Nội thực hiện các dự án theo phương thức PPP trên quy mô lớn, thu hút nhiều doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước, không chỉ là những nhà phát triển dự án mà còn khai thác cả nguồn lực xã hội trong chính cư dân của TP tương lai. Điều này cũng mở ra cơ hội xây dựng đường sắt và tàu điện ngầm liên thông giữa các địa phương lớn, rút ngắn thời gian đi lại (như từ tỉnh Chiba tới trung tâm Tokyo của Nhật Bản). "Yếu tố quyết định cơ bản là có chiến lược tốt và hệ điều hành hiệu quả. Đây sẽ là cơ sở để kết luận đề xuất này có khả thi không trong giai đoạn 5 - 10 năm tới", chuyên gia Vũ Minh Khương nêu quan điểm.

Có quan điểm ngược lại, TS Huỳnh Thế Du, giảng viên Trường ĐH Fulbright VN, lập luận: Nghiên cứu của các chuyên gia kinh tế hàng đầu thế giới về kinh tế khu vực châu Á từ cách đây 20 năm đã chỉ ra rằng các nước, vùng lãnh thổ thành công trong khu vực châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc có số đơn vị hành chính rất ít và quy mô của các đơn vị hành chính, đặc biệt là đơn vị cấp tỉnh ở dưới rất đơn giản. Đó là yếu tố giúp bộ máy vận hành hiệu quả, dễ phát triển. 

Ngược lại, các nước ở khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Philippines, Indonesia, kể cả VN, thì số đơn vị hành chính nhiều, phân chia manh mún. Đó là một trong những nguyên nhân làm cho bộ máy kém hiệu quả, không vận hành tốt. Đi sâu vào nghiên cứu 5 TP khu vực châu Á gồm Thượng Hải, Seoul, Manila, Jakarta và TP.HCM, TS Huỳnh Thế Du cũng nhận thấy mô hình chính quyền Seoul và Thượng Hải không có TP trong TP, chỉ có chính quyền đô thị là các quận. 

Thượng Hải là trường hợp đặc biệt, từ cách đây 30 năm đã thành lập ra Phố Đông như một dạng mô hình TP trong TP nhưng đó là đặc khu. Còn lại các quận, huyện về cơ bản giống như TP.HCM trước đây. Trong khi đó, Jakarta có 5 TP trong TP thì các TP nhỏ cạnh tranh, không hợp tác, kém hiệu quả. Manila còn "trầm trọng" hơn khi có tới 17 TP nhỏ trong TP lớn nhưng cũng đều cạnh tranh, không hợp tác và kết quả rất tệ.

"Đó là những điển hình minh chứng cho xu hướng thành lập TP trong TP như cách TP.HCM và Hà Nội đang làm là không phù hợp. Mô hình xây dựng TP trong TP đi ngược lại với nguyên lý này, làm trầm trọng thêm vấn đề phân mảnh, chia cắt, nhỏ lẻ. Đồng thời, sự tập trung bị giảm đi. Giảm bớt đơn vị hành chính kể cả cấp tỉnh và cấp thấp hơn mới là xu hướng VN phải tiến tới", ông Du nhận định.

Thực tế, TS Huỳnh Thế Du là một trong những chuyên gia kinh tế từng ủng hộ mạnh mẽ chủ trương hình thành TP.Thủ Đức. "Cũng như Phố Đông của Thượng Hải, tôi kỳ vọng TP.Thủ Đức là một mô hình dạng đặc khu, được tập trung thúc đẩy để có thể trở thành thử nghiệm đặc biệt, từ đó phát triển mạnh mẽ. Song, cách tiếp cận hiện nay đang được hiểu theo nghĩa TP.Thủ Đức là thử nghiệm để thành lập nhiều TP khác. Làm được một cái thì làm thêm được những cái khác. Địa phương này làm được thì địa phương kia cũng làm được… Đó là cách tiếp cận đơn vị hành chính không tốt cho sự phát triển", ông nói.

CHƯA THẤY LỢI, CHỈ THẤY SỐT ĐẤT

Lợi ích cho kinh tế, cho người dân khi lên TP chưa thấy đâu nhưng trước mắt, các thông tin quy hoạch đã khiến giá đất của các địa phương tăng phi mã. Dư luận vẫn còn chưa quên vào thời điểm trước, trong và sau khi thành lập TP.Thủ Đức (tháng 12.2020), giá đất tại đây "sốt xình xịch". Điều này cũng xảy ra khi thông tin các huyện của TP.HCM tiến thẳng lên TP thay vì lên quận. 

"Cơn sốt đất ảo" đang có chiều hướng lan từ khu Đông với tâm điểm TP.Thủ Đức sang khu vực Tây Bắc với tâm điểm H.Củ Chi. Tại khu vực phía nam giá đất ở H.Cần Giờ cũng đã trải qua nhiều đợt nhảy múa khi có thông tin lên TP và chủ trương cho thực hiện dự án lấn biển Cần Giờ. Tại khu vực phía tây, giá đất tại H.Bình Chánh cũng theo thông tin lên TP mà tăng ảo.

Chuyên gia bất động sản Phan Công Chánh cho rằng việc TP cho cơ chế tốt hơn để các quận huyện lên quận hoặc TP là nhu cầu chính đáng. Bởi khi lên TP các địa phương sẽ có thể tăng quyền hạn, cơ chế, từ đó giúp phát triển kinh tế. Tuy nhiên, thực tế chỉ là "bình mới rượu cũ", quyền hạn của chính quyền đô thị không phục vụ được cho người dân, cho sự phát triển, trái lại đã gây ra nhiều hệ lụy. Khi có thông tin lên quận hay lên TP, người dân đã sở hữu đất đai ở những nơi này ai cũng thấy mình giàu có, hét giá đất sẽ tăng. Không chỉ vậy, giới đầu cơ cũng nhân cơ hội gom đất, làm giá, "thổi" giá. 

Điều này đã gây xáo trộn về xã hội, giá đất tăng lên sẽ làm nảy sinh rào cản cho việc thu hút đầu tư. Đặc biệt là đền bù giải tỏa, giải phóng mặt bằng để làm các dự án về hạ tầng đô thị, hạ tầng xã hội sẽ vô cùng khó khăn. Do đó, cần phải có một cơ chế phân quyền cho chính quyền đô thị mới, quyền lợi của người dân, của DN khi tiếp cận các dịch vụ công như: học hành, khám chữa bệnh, đi lại, làm hồ sơ pháp lý… phải dễ dàng hơn, tốt hơn. 

"Khi lên TP phải tạo ra được không gian phát triển mới và quyền lực nhà nước phải được thực thi hiệu quả, quyền lực của chính quyền mới phải được tăng lên để có thể đưa ra các quyết sách có lợi cho người dân, có lợi cho thu hút đầu tư chứ không phải chỉ là thay đổi tên gọi như hiện nay", ông Phan Công Chánh nói.

Theo TS Võ Kim Cương, nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TP.HCM, mỗi khi biết tin có dự án làm đường, giới đầu cơ hay người nhạy thông tin về quy hoạch đã đổ xô đi mua đất... Đây là một trong những nguyên nhân làm thị trường nhà đất bị nhiễu loạn, việc giải phóng mặt bằng cho các dự án hiện nay gặp quá nhiều khó khăn. Vì thế ngoài rà soát quỹ đất vùng phụ cận, đối với những khu vực mặt tiền có tiềm năng, nhà nước có thể mở rộng giải tỏa để phát triển đô thị hoặc đấu giá tăng thêm nguồn thu, qua đó hạn chế được tình trạng đổ xô đầu cơ, làm rối loạn thị trường nhà đất.

Các huyện muốn lên TP vì không đủ điều kiện lên quận. Điều này cho thấy việc sắp xếp, định danh, các quy định về đơn vị hành chính của VN có vấn đề. Đơn cử, H.Bình Chánh là huyện nhỏ, vẫn là nông thôn nhưng về dân số, quy mô, các chỉ tiêu khác đều nằm trong top 3 - 5 các TP của VN, trừ 4 TP trực thuộc T.Ư. Có nghĩa là dân số của H.Bình Chánh chỉ nhỏ hơn một vài TP trên cả nước nhưng đến nay vẫn gọi là huyện, vẫn là vùng nông thôn. Quy định hành chính về đô thị nông thôn đang có vấn đề. Việc đó là cần sửa từ các quy định, nghị định thay vì như hiện nay là đi "gọt chân cho vừa giày".

TS Huỳnh Thế Du, Trường ĐH Fulbright VN

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.