Các giải bóng đá trên thế giới kiểm soát ma túy thế nào, VFF nên ‘ngó’ tham khảo

11/05/2024 11:29 GMT+7

Từ việc các cầu thủ đội Hà Tĩnh bị bắt vì sử dụng ma túy, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) nên áp dụng những gì, học tập những kinh nghiệm nào từ các giải vô địch bóng đá hàng đầu thế giới.

Kiểm tra... bất thình lình, sử dụng hộ chiếu sinh học

Hằng năm các giải bóng đá vô địch quốc gia trên thế giới luôn thực hiện nhiều cuộc kiểm tra chất cấm dành cho các cầu thủ trong một mùa giải với quy trình rất khắt khe theo quy định của Cơ quan phòng chống doping thế giới (WADA).

Các giải bóng đá trên thế giới kiểm soát ma túy thế nào, VFF nên ‘ngó’ tham khảo- Ảnh 1.

Các chất cấm được WADA quy định rất nghiêm ngặt

WADA

Các cầu thủ đang thi đấu ở các cấp độ giải đấu phải tuân thủ việc kiểm tra chất cấm ở bất kỳ thời điểm và địa điểm được yêu cầu mà không cần báo trước. Các lấy mẫu thử có thể được lấy lúc trước hoặc sau thời điểm của trận đấu và không giới hạn số lần thử cũng như tần suất lấy mẫu. Đối với các chất cấm như ma túy, thời gian tồn tại trong máu và nước tiểu có thời gian lên đến 48 giờ hoặc hơn tùy vào tần suất và hàm lượng sử dụng. Vì vậy, việc các cầu thủ có liên quan đến "cái chết trắng" dễ phát hiện hơn so với các loại chất cấm khác do thời gian tồn tại trong cơ thể lâu hơn. Do đó, có rất ít cầu thủ ở các giải đấu lớn trên thế giới bị phát hiện sử dụng ma túy sau khi có kết quả kiểm tra. 

Ngoài ra, địa điểm chỉ định cũng sẽ do ban tổ chức giải đấu thông báo một cách bất ngờ như: nơi thi đấu, nhà riêng, bản doanh của đội bóng của cầu thủ đó hay thậm chí là ở bệnh viện.

Hiện nay, nhiều giải bóng đá vô địch quốc gia đã áp dụng hộ chiếu sinh học VĐV (ABP) nhằm giúp các đội bóng siết chặt lối sống của các cầu thủ khỏi các tác động của chất cấm từ bên ngoài sân cỏ. WADA tin rằng việc sử dụng hộ chiếu sinh học VĐV sẽ loại bỏ được những vấn đề đau đầu về sức khỏe của cầu thủ cho các đội bóng trong việc quản lý thành viên trong chiến lược phát triển lâu dài.

Nếu cầu thủ cố tình dùng mánh khóe, nên đối phó thế nào?

Mặc dù quy trình kiểm tra rất nghiêm ngặt, có rất nhiều trường hợp các cầu thủ từ chối hay cố tình cản trở các cuộc lấy mẫu thử chất cấm bằng nhiều hình thức khác nhau. Việc từ chối các cuộc kiểm tra doping có thể khiến cho họ bị cấm thi đấu từ 2 đến 4 năm. Thế nên để tránh phát hiện, nhiều cầu thủ có thể có một số mánh khóe để làm loãng mẫu thử nhằm thay đổi kết quả kiểm tra. Tuy nhiên, nếu phát hiện, họ sẽ phải đối mặt với các lệnh trừng phạt nặng hơn.

Các giải bóng đá trên thế giới kiểm soát ma túy thế nào, VFF nên ‘ngó’ tham khảo- Ảnh 2.

Ngôi sao lừng danh bóng đá Pháp Paul Pogba đã bị cấm thi đấu đến 4 năm vì sử dụng chất cấm

AFP

Dạy cầu thủ từ khi còn rất trẻ

Đối với các giải đấu lớn, họ luôn chú trọng đến việc giáo dục các tài năng tương lai về những đạo đức trong và ngoài sân cỏ của một cầu thủ chuyên nghiệp. Hằng tháng, ngoài việc học phổ thông và tập luyện, các đội bóng luôn tổ chức các cuộc họp mặt giữa các phụ huynh, học viên và các huấn luyện viên để phổ cập các vấn đề này cả trong lẫn ngoài sân cỏ. Việc quan tâm thường xuyên sẽ giúp cho các cầu thủ trẻ nhận thức được hành động sử dụng chất cấm của họ có thể khiến cho hình ảnh của bản thân và đội bóng chủ quản bị ảnh hưởng như thế nào.

Vào mùa giải 2011 - 2012, Liên đoàn Bóng đá Anh từng công bố tài liệu về cách phòng chống doping ở cầu thủ lứa tuổi 9 đến 12 cho các bậc phụ huynh có con em đang theo học tại các lò đào tạo bóng đá trong nước. Thông qua đó, nhiều cầu thủ trẻ và phụ huynh sẽ nhận được rất nhiều kiến thức về chất cấm cũng như tác hại của nó đến sự nghiệp và cuộc sống của bản thân.

Các giải bóng đá trên thế giới kiểm soát ma túy thế nào, VFF nên ‘ngó’ tham khảo- Ảnh 3.

Các cầu thủ trẻ ở Anh thường xuyên được trau dồi kiến thức về chất cấm

FA

Bài học cho VFF và VPF

Sau khi sự việc 5 cầu thủ đội Hà Tĩnh sử dụng ma túy bị phanh phui, các cơ quan quản lý bóng đá tại Việt Nam buộc phải siết chặt lại các quy trình kiểm tra chất cấm ở các đội bóng trong mùa giải tiếp theo sau quãng thời gian tạm dừng. 

Ngoài ra việc phổ cập liên tục các quy tắc đạo đức và nhận thức cho các cầu thủ trẻ về tác hại của các tệ nạn ngoài sân cỏ cần có sự chung tay mạnh mẽ từ Liên đoàn Bóng đá Việt Nam ( VFF), Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF), các lò đào tạo trẻ và cả phụ huynh để giúp cho những mầm non tương lai tránh được những hậu quả đáng tiếc sẽ xảy ra khi các con bước vào con đường chuyên nghiệp.

Các giải bóng đá trên thế giới kiểm soát ma túy thế nào, VFF nên ‘ngó’ tham khảo- Ảnh 4.

Vụ việc vừa xảy ra với 5 cầu thủ CLB Hà Tĩnh là hồi chuông cho bóng đá Việt Nam

CHÍ TÌNH

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.