Ca bệnh ho gà tăng gần 7 lần, nguy cơ xuất hiện thêm các ổ dịch

Liên Châu
Liên Châu
13/04/2024 11:55 GMT+7

Các ca mắc ho gà đã tăng 6,8 lần so với cùng kỳ 2023, nguy cơ sẽ xuất hiện thêm các ổ dịch ho gà ở nhóm trẻ em chưa đến độ tuổi tiêm chủng.

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), hơn 3 tháng đầu năm nay, số ca mắc ho gà là các trẻ nhỏ đã tăng 6,8 lần so với cùng kỳ 2023, với 118 trường hợp được ghi nhận.

Đây là số ca mắc tăng cao đột biến so với trung bình các năm gần đây. Cụ thể, các năm 2021 - 2023, trung bình ghi nhận 45 ca/năm. Cả năm 2020 có 201 ca (2 ca tử vong). Riêng năm 2019 có khoảng 1.200 ca (1 ca tử vong), là thời điểm tiêm chủng giảm sút.

Về tuổi mắc ho gà, Cục Y tế dự phòng lưu ý, hiện ghi nhận nhiều trẻ nhiễm bệnh trước tuổi tiêm chủng.

Điển hình là các ca bệnh ho gà tại Hà Nội. Trong năm nay, các trẻ mắc bệnh chủ yếu dưới 3 tháng tuổi (ghi nhận 38/48 trường hợp, chiếm 79%). 

Có 47/48 trường hợp chưa tiêm hoặc chưa đến lịch tiêm vắc xin có thành phần ho gà, trong đó 27 trường hợp là các trẻ dưới 2 tháng tuổi, chưa đến lịch tiêm chủng. Chỉ có 1/48 trường hợp được tiêm 2 mũi vắc xin có thành phần ho gà.

Mẹ bầu tiêm vắc xin để con có miễn dịch sớm

Theo TS Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, khó khăn phòng, chống dịch bệnh ho gà trước hết là do tỷ lệ tiêm vắc xin trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng (Bộ Y tế) giảm trong giai đoạn dịch Covid-19, khiến các trẻ không có miễn dịch phòng bệnh.

Trong khi đó, ho gà là bệnh truyền nhiễm có tính lây truyền cao, chỉ có thể cắt đứt được sự lây truyền của bệnh trong cộng đồng khi đạt được tỷ lệ miễn dịch bảo vệ đặc hiệu rất cao trong cộng đồng.

Ông Đức lo ngại, thời gian tới có thể tiếp tục ghi nhận một số ca mắc mới, các ổ dịch nhất là tại những nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp trong nhiều năm qua và cả ở nhóm trẻ em chưa đến độ tuổi tiêm chủng.

"Riêng đối với ho gà, việc tiêm vắc xin dịch vụ ở phụ nữ có thai được khuyến khích trên cơ sở sau khi có hướng dẫn của Bộ Y tế về việc tiêm vắc xin phòng bệnh ho gà đối với phụ nữ có thai nhằm tăng miễn dịch cho trẻ ngay sau sinh", Cục Y tế dự phòng khuyến cáo.

Để phòng, chống bệnh dịch đã có vắc xin như ho gà, sởi, Bộ Y tế cũng đề nghị các tỉnh, thành tăng cường triển khai tiêm chủng, bao gồm vắc xin thuộc Chương trình Tiêm chủng mở rộng. Công tác tiêm chủng cần đảm bảo an toàn, hiệu quả, đặc biệt quan tâm các bệnh có vắc xin nhưng vẫn có tỷ lệ mắc hàng năm như sởi, ho gà, bạch hầu.

Đồng thời, các địa phương cần xác định điểm có ổ dịch nhỏ hoặc khu vực có nhiều ca mắc rải rác, trên cơ sở đó có đánh giá tỷ lệ tiêm chủng qua phần mềm báo cáo tiêm chủng và điều tra dịch tễ tiêm chủng nhằm tập trung đẩy mạnh tiêm bù, tiêm vét, tiêm đầy đủ.

Ho gà là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính đường hô hấp, thường xảy ra ở trẻ nhỏ. Khởi đầu, bệnh có thể không sốt hoặc sốt nhẹ, có viêm long đường hô hấp trên, mệt mỏi, chán ăn và ho.

Cơn ho ngày càng nặng và trở thành cơn ho kịch phát trong 1 - 2 tuần, kéo dài 1 - 2 tháng hoặc lâu hơn. Cơn ho gà rất đặc trưng, thể hiện trẻ ho rũ rượi không thể kìm hãm được, sau đó là giai đoạn thở rít như tiếng gà gáy. Cuối cơn ho thường chảy nhiều đờm dãi trong suốt và sau đó là nôn.

Trẻ ho rũ rượi từng cơn liên tục, kéo dài, sau cơn ho có lúc ngừng thở, tím tái, có thở rít, bị nôn sau cơn ho (thoạt đầu nôn thức ăn, rồi đến nước dãi trong suốt). Sau mỗi cơn ho trẻ mệt bơ phờ, mình đẫm mồ hôi và thở gấp. Bệnh nhân nặng cần được điều trị chứng thần kinh, chống co giật, chống phù và suy hô hấp.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.