Bún Song Thằn

29/02/2008 22:01 GMT+7

Nhắc đến An Thái (xã Nhơn Phúc, huyện An Nhơn) nhiều người không những biết đây là cái nôi của võ Bình Định mà còn là nơi sản sinh ra một món ăn truyền thống nổi tiếng, đó là bún Song Thằn.

Cách đây hàng trăm năm, người Hoa (gốc Minh Hương) đến định cư tại An Thái và biến vùng đất này trở nên trù phú như một đô thị nhỏ ở nông thôn, mà ngày nay người ta thường gọi là thị tứ. Đồng thời, với sản xuất tiểu thủ công nghiệp, người Hoa đã tổ chức sản xuất nhiều sản phẩm đa dạng, trong đó có một loại bún sợi khô được chế biến từ hạt đậu xanh nguyên chất mà nay được gọi là bún Song Thằn (còn có tên gọi là Song Thần).

Ông Tưởng Phước Hổ, một người nối nghiệp nghề làm bún Song Thằn từ tổ tiên, cho biết: "Theo ông cha kể lại thì bún Song Thằn xuất hiện vào thế kỷ 18. Dưới thời phong kiến, các quan lại địa phương lai kinh đều mang theo bún Song Thằn tiến lên vua. Vì thuở xưa bún sản xuất có hạn nên chỉ có những gia đình quyền quý, cao sang mới dám mua về ăn. Dưới thời Pháp thuộc, làng bún An Thái bắt đầu phát triển mạnh, có đến hàng trăm hộ dân chuyên sống bằng nghề bún".

Theo những người làm bún lâu năm ở An Thái, duy nhất ở đây mới sản xuất được bún Song Thằn bằng nguyên liệu đậu xanh. Bởi đây là nghề cha truyền con nối của người Hoa. Ngoài ra, nguyên liệu đậu xanh được người làm nghề chọn mua từ vùng đất An Khê hoặc Vĩnh Thạnh, vì vùng đất này mới trồng được những hạt đậu xanh tốt nhất. Mặt khác, nước dùng để làm bún Song Thằn được lấy từ mạch nước của dòng sông Kôn. Chính vì thế mà bún Song Thằn chính hiệu do người làm bún ở An Thái tạo ra là sợi bún màu trắng trong, óng ánh, khi cho bún vào nước sôi không tạo hồ, đun nước sôi bao lâu sợi bún vẫn dai, không bị rã.

Nguyễn Phúc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.