Bức tranh trái chiều của ngành dệt may: Nơi doanh số tăng vọt, nơi không có hàng

Mai Phương
Mai Phương
29/02/2024 16:09 GMT+7

Nhiều doanh nghiệp dệt may đã tăng trưởng trở lại trong tháng đầu năm nay nhưng không ít công ty vẫn trong tình trạng đói đơn hàng.

Doanh thu tăng vọt tháng đầu năm

Công ty CP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công vừa công bố kết quả kinh doanh tháng 1 năm nay với doanh thu hơn 14,3 triệu USD (hơn 353 tỉ đồng) và lãi sau thuế 977.000 USD (khoảng 24 tỉ đồng). Kết quả này tăng lần lượt 43% và 62% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là mức lợi nhuận cao nhất của dệt may Thành Công kể từ tháng 5.2023 đến nay.

Trong tháng đầu năm, doanh thu dệt may của công ty đến từ 3 mảng chính, trong đó sản phẩm may chiếm 75% tổng doanh thu, vải chiếm 14% và sợi chiếm 8%. Dệt may Thành Công cũng cho biết đến nay đã nhận vượt kế hoạch doanh thu cho đơn hàng quý 1/2024 và đã nhận khoảng 80% kế hoạch doanh thu cho đơn hàng quý 2/2024. Theo dự báo tình hình xuất khẩu dệt may Việt Nam năm 2024 và theo tình hình tiếp nhận đơn hàng hiện tại, công ty hy vọng năm 2024 tình hình đơn hàng xuất khẩu sẽ khả quan hơn trong năm vừa qua.

Bức tranh trái chiều của ngành dệt may: Nơi doanh số tăng vọt, nơi không có hàng- Ảnh 1.

Công ty dệt may Thành Công tăng mạnh về doanh thu và lợi nhuận tháng 1.2024

TCM

Tương tự, một doanh nghiệp dệt may khác là Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG công bố đạt doanh thu tháng đầu năm 523 tỉ đồng, tăng 126 tỉ đồng, tương ứng tăng 31,7% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận trước thuế tháng 1 hơn 18,3 tỉ đồng, gần gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước. Trước đó, công ty thông báo đã vượt kế hoạch doanh thu năm 2023 với hơn 7.000 tỉ đồng, tăng 4% so với năm 2022 và nằm trong số ít doanh nghiệp dệt may hoàn thành kế hoạch năm. Đây cũng là doanh thu cao kỷ lục từ trước đến nay của doanh nghiệp. Ngoài ra, công ty đang duy trì việc làm và thu nhập ổn định 9,4 triệu đồng/người/tháng cho 18.000 lao động mặc dù 2023 là năm đặc biệt khó khăn của ngành dệt may Việt Nam. Hiện doanh nghiệp đã ký được những đơn hàng mới cho 6 tháng đầu năm nay và lên kế hoạch doanh thu năm 2024 tăng từ 5 - 10%...

Doanh nghiệp không có đơn hàng, bán tài sản

Trái ngược với bức tranh đang dần sáng màu trong tháng đầu năm của ngành dệt may và một số doanh nghiệp, có những công ty vốn đã từng thuộc top đầu của ngành này đã rơi vào cảnh khó khăn, không có đơn hàng, cho nghỉ gần hết công nhân. Cụ thể, Công ty CP May Sài Gòn (Garmex Sài Gòn) vừa thông báo chốt danh sách cổ đông để lấy ý kiến về việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất (đất thuê) và toàn bộ tài sản gắn liền với đất của Garmex Sài Gòn và Công ty TNHH Garmex Quảng Nam.

Khép lại năm tài chính 2023, Garmex Sài Gòn có doanh thu gần 8,3 tỉ đồng, giảm 97% so với năm 2022 và lỗ sau thuế gần 52 tỉ đồng (năm 2022 công ty bị lỗ gần 85 tỉ đồng). Doanh nghiệp này cũng đã lỗ trong 6 quý liên tiếp. Nguyên nhân chính khiến tình hình kinh doanh của doanh nghiệp giảm sút trầm trọng do hụt thu từ đối tác là Công ty CP Sản xuất Kinh doanh Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (Gilimex). Garmex Sài Gòn cho biết công ty hiện không có đơn hàng, với tình hình kinh doanh không thuận lợi, nếu giữ sản xuất tại các nhà máy đối với ngành may thì công ty sẽ lỗ rất nhiều. Vì vậy, doanh nghiệp này đã tổ chức lại bộ máy, cắt giảm lao động, tạm ngưng sản xuất để giảm thiểu thiệt hại, tiếp tục thực hiện tiết kiệm chi phí tối đa. Đến cuối năm 2023, công ty chỉ còn có 35 nhân viên từ số lượng gần 4.000 người của những năm trước.

Hay Công ty CP Sản xuất Kinh doanh và Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (Gilimex) trong 3 quý đầu năm 2023 cũng liên tục thua lỗ. Nhưng đến quý 4/2023 công ty đã có lãi trở lại và tổng cộng cả năm vừa qua có lợi nhuận sau thuế hơn 28 tỉ đồng, giảm hơn 92% so với năm 2022. Trước đó, sau khi thực hiện khởi kiện Amazon để đòi bồi thường 280 triệu USD do cáo buộc Amazon đột ngột thu hẹp các đơn đặt hàng sau khi tăng trưởng chi tiêu trực tuyến hạ nhiệt trong năm 2022, Gilimex phải gánh chịu tình trạng dư thừa năng lực sản xuất và nguyên liệu thô...

Theo ông Phạm Xuân Hồng - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Thêu đan TP.HCM - từ cuối năm 2023 đến nay, nhìn chung hợp đồng xuất khẩu dệt may đã nhiều hơn trước. Khá nhiều doanh nghiệp đã có đủ đơn hàng cho quý 1 và cả quý 2 năm nay. Tuy nhiên, thị trường vẫn chưa hồi phục mạnh như kỳ vọng nên vẫn có các doanh nghiệp gặp khó khăn. Đặc biệt những công ty đã thiếu đơn hàng, giảm công nhân thì thời gian hồi phục sẽ lâu hơn.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.