Bóng đá Việt Nam cần chiến lược dài hơi để vươn mình ra châu lục

17/06/2022 07:23 GMT+7

Năm 2022 chứng kiến cột mốc nhỏ nhưng đáng chú ý khi VFF cử đội U.21 tham dự và vô địch giải U.23 Đông Nam Á. Đó là bước tiến chúng ta cần đẩy mạnh hơn trong việc đưa tầm nhìn vươn ra châu lục.

Đã đến lúc hướng tầm nhìn ra khỏi Đông Nam Á

Năm 2022 đánh dấu nhiều cột mốc cho bóng đá Việt Nam, khi chúng ta lần đầu tiên và cũng là đội Đông Nam Á duy nhất lọt vào top 12 đội mạnh nhất châu Á ở vòng loại cuối cùng World Cup 2022. Sự vượt trội của Việt Nam ở khu vực cũng thể hiện qua việc đoạt HCV SEA Games 31 mà không để thua bàn nào, hay là đội ASEAN duy nhất lọt vào tứ kết giải U.23 châu Á 2022. Trước đó, đội U.21 Việt Nam của HLV Đinh Thế Nam vô địch giải U.23 Đông Nam Á mà không thua bàn nào. Rõ ràng, nguồn lực cầu thủ trẻ của chúng ta đã dồi dào và chất lượng hơn nhiều để VFF mạnh dạn thoát khỏi cuộc đua thành tích ở Đông Nam Á, hướng tầm nhìn rộng ra châu lục.

Ở tuổi 19, Khuất Văn Khang 2 lần được AFC chấm xuất sắc nhất trận đấu tại giải U.23 châu Á 2022

Phúc Thắng

Mỗi lứa trẻ với chu kỳ 4 năm

Mới đây, thủ quân tuyển Thái Lan, hậu vệ Theerathon Bunmathan gây sốc khi tuyên bố “thi đấu với các đội ở Đông Nam Á chẳng ích lợi gì”. Gạt qua yếu tố ngạo mạn, hậu vệ từng nhiều năm chơi bóng ở Nhật Bản cũng có cơ sở của mình. Chuyên gia Đoàn Minh Xương cho rằng: “Thành công của các đội U.21, U.23 Việt Nam hay những chàng trai mới 18 - 19 tuổi như Khuất Văn Khang, Nguyễn Văn Trường tỏa sáng ở giải U.23 châu Á là minh chứng. Việc U.23 Việt Nam đá nửa sân và kiểm soát bóng gần 70% trước U.23 Malaysia cho thấy các đội trẻ Việt Nam cần được cọ xát nhiều hơn với các “quân xanh” tầm châu lục. Điều đó cũng như việc tuyển Việt Nam đã ở một tâm thế hoàn toàn khác sau 10 trận đỉnh cao liên tiếp ở vòng loại cuối cùng World Cup 2022, giúp chúng ta lần đầu thắng Trung Quốc và hòa Nhật Bản vậy”.

Nhìn xa hơn, ông Xương hiến kế cho VFF: “Gần đây rõ ràng VFF đầu tư tốt và chuyên nghiệp cho các tuyến trẻ quốc gia nhưng vẫn ngắn hạn, mang tính giải quyết nhiệm vụ trước mắt chứ chưa có chiến lược lâu dài. Sắp tới, V-League sẽ thay đổi thể thức theo xu hướng chung của châu Âu và AFC, thì công tác đào tạo trẻ cũng phải thay đổi để các đội tuyển U.17, U.19, U.23 tận dụng quỹ thời gian FIFA Day.

Năm 2014, khi tôi sang Đức, được biết mỗi tuyến trẻ của họ được đầu tư theo chu kỳ 4 năm dựa theo cột mốc World Cup, giải châu lục hay Olympic... Điều này giúp mỗi lứa trẻ được đầu tư đồng bộ, có kế hoạch dài hơi với chất lượng và số lượng “quân xanh” được tính toán khoa học, cụ thể. Trong khi chúng ta hầu như không thể khẳng định tương lai 1 - 2 năm tới về lứa U.17 của HLV Hoàng Anh Tuấn hay U.19 Việt Nam của HLV Đinh Thế Nam. VFF vừa qua phối hợp với Next Media đưa U.17 Việt Nam sang Đức hay cho U.23 Việt Nam dự giải U.23 Dubai là tín hiệu tốt.

Chúng ta cần mở rộng nguồn lực xã hội hóa để đủ lực lên kế hoạch, thực hiện chiến lược dài hơi 4 năm cho mỗi lứa. Ngoài các giải khu vực, VFF có thể phối hợp tổ chức hoặc cử các đội trẻ tham dự nhiều giải có các đội hàng đầu châu lục, thậm chí tập huấn châu Âu, châu Mỹ dài hạn. Khi những đội tuyển U.15, U.17 quen đối đầu những nền bóng đá hàng đầu, thường xuyên dự các giải trẻ châu Á và thậm chí World Cup trẻ, Olympic... thì đội tuyển quốc gia sẽ tự tin thi đấu các giải châu lục và hiện thực hóa được giấc mơ World Cup”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.