Bộ Y tế thúc đẩy xuất khẩu dược, mỹ phẩm

Liên Châu
Liên Châu
03/04/2023 17:47 GMT+7

Bộ Y tế ưu tiên các dự án dược chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc phát minh, thuốc generic dạng bào chế công nghệ cao, vắc xin, sinh phẩm y tế, thuốc sinh học... phục vụ trong nước và xuất khẩu dược, mỹ phẩm.

Sáng nay 3.4, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) và liên danh Quỹ đầu tư Makara Capital và Sakae Corporate Advisory, Công ty cổ phần Newtechco Group đã ký kết bản ghi nhớ "Hỗ trợ và hợp tác phát triển ngành công nghiệp dược và công nghệ sinh học Việt Nam". 

Bộ Y tế thúc đẩy xuất khẩu dược, mỹ phẩm - Ảnh 1.

Cục trưởng Cục Quản lý dược ký kết với các đối tác về hợp tác phát triển công nghiệp dược tại Việt Nam

LIÊN CHÂU

Tại lễ ký kết, các bên cam kết sẽ khẩn trương lập kế hoạch cụ thể và xác định thời hạn hoàn thành các nội dung quan trọng về "sách trắng" với các vấn đề thuộc lĩnh vực dược, chuyển đổi số trong lĩnh vực dược và phát triển các sản phẩm dược với ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, phân phối...

Trao đổi với các đối tác tại lễ ký kết, ông Vũ Tuấn Cường, Cục trưởng Cục Quản lý dược, cho hay ngay sau ký kết, các bên cùng khẩn trương triển khai các công việc, dự án cụ thể trong khuôn khổ hợp tác; cùng tháo gỡ các rào cản kỹ thuật trên cơ sở tuân thủ quy định pháp luật, các nguyên tắc chung và các quy định về sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực dược để các nội dung cam kết được thực hiện đúng tiến độ, vì sự phát triển công nghiệp dược Việt Nam.

"Không chỉ thu hút đầu tư sản xuất, phát triển thị trường dược phẩm trong nước, Bộ Y tế cũng phối hợp các bộ, ngành đẩy mạnh xuất khẩu thuốc, mỹ phẩm. Việt Nam đang hướng đến mục tiêu xuất khẩu dược, mỹ phẩm đạt 2 tỉ USD, hiện đã đạt 300 triệu USD", ông Cường cho biết.

Bộ Y tế và các địa phương đang ưu tiên các dự án dược thực hiện chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc phát minh, thuốc generic có dạng bào chế công nghệ cao, vắc xin, sinh phẩm y tế, thuốc sinh học giá trị kinh tế cao tại miền Bắc, miền Nam và miền Trung.

Trong thời gian qua, ngành công nghiệp dược Việt Nam đã có những bước phát triển đáng ghi nhận: thuốc sản xuất trong nước chiếm khoảng 46,7% tổng giá trị tiền thuốc sử dụng; ngành dược trong nước đã sản xuất được nhiều thuốc chuyên khoa đặc trị như thuốc tim mạch, thuốc ung thư, thuốc điều trị gan... Thuốc sản xuất trong nước phủ được 27/27 nhóm tác dụng dược lý.

Việc đẩy mạnh phát triển công nghiệp dược trong nước, trong đó hướng đến sản xuất thuốc biệt dược gốc, thuốc có dạng bào chế mới, hiện đại, thuốc chuyên khoa đặc trị, vắc xin, sinh phẩm là một chiến lược quan trọng trong phát triển ngành dược Việt Nam trong thời gian tới.

Tham dự, chứng kiến sự cam kết hợp tác của Cục Quản lý dược với các đối tác, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên bày tỏ sự tin cậy các thỏa thuận sẽ được thực hiệu quả trong thời gian tới, đem lại lợi ích cho người dân cũng như các doanh nghiệp dược. Ông Tuyên đề nghị nội dung hợp tác cần tăng cường triển khai hiệu quả chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, phát triển công nghiệp dược nội.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.