Bộ trưởng Tài chính lý giải chậm chi hơn 70.000 tỉ đồng 'cất kho'

Lê Hiệp
Lê Hiệp
17/10/2023 13:09 GMT+7

Hơn 70.000 tỉ đồng của ngân sách được Quốc hội yêu cầu phân bổ trong năm 2023, nhưng tới tháng 10, Bộ trưởng Tài chính mới trình Quốc hội phân bổ 2.500 tỉ đồng, đạt 3,5%.

Quá muộn, gây lãng phí ngân sách nhà nước 

Ngày 17.10, tiếp tục chương trình phiên họp 27, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc bổ sung dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2023 cho các bộ, cơ quan ở T.Ư, địa phương. Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2023 cho các bộ, cơ quan ở T.Ư, địa phương hơn 2.500 tỉ đồng.

Trong đó dành hơn 2.495 tỉ đồng chi thường xuyên cho 35 bộ, cơ quan T.Ư và gần 13 tỉ đồng cho 14 địa phương.

Bộ trưởng Tài chính lý giải chậm chi hơn 70.000 tỉ đồng 'cất kho' - Ảnh 1.

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc báo cáo tại phiên họp

GIA HÂN

Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Lê Quang Mạnh cho hay, đa số ý kiến trong thường trực ủy ban này cho rằng, theo luật Ngân sách nhà nước và Nghị quyết số 70 về phân bổ ngân sách 2023, Quốc hội không phân bổ chi tiết cho từng nhiệm vụ chi cụ thể của từng bộ, cơ quan T.Ư và địa phương.

Đồng thời, để bảo đảm đủ căn cứ xem xét, quyết định việc phân bổ, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ bổ sung thuyết minh chi tiết từng khoản chi trình Quốc hội.

Ông Mạnh nói, dự kiến ngày 23.10, Quốc hội sẽ khai mạc kỳ họp thứ 6, để bảo đảm chặt chẽ theo quy định, đề nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định.

Theo Ủy ban Tài chính - Ngân sách, trên cơ sở tổng mức chi được Quốc hội quyết định, đề nghị giao Chính phủ rà soát, phân bổ chi tiết từng nhiệm vụ chi cụ thể cho từng bộ, cơ quan T.Ư và địa phương.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng lưu ý, Nghị quyết 70 của Quốc hội giao Chính phủ khẩn trương hoàn thiện thủ tục, điều kiện để phân bổ số tiền hơn 70.735 tỉ đồng chưa được phân bổ chi tiết. 

Tuy nhiên, đến nay gần kết thúc năm ngân sách 2023, Chính phủ mới trình bổ sung dự toán chi thường xuyên ngân sách Nhà nước năm 2023 cho các bộ, cơ quan ở T.Ư, các địa phương với tổng số tiền hơn 2.500 tỉ đồng (bằng khoảng 3,5% tổng số tiền chưa phân bổ).

Nhận xét việc này “là quá muộn so với quy định, gây lãng phí nguồn lực ngân sách nhà nước", Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị Chính phủ chỉ đạo rút kinh nghiệm, không để tồn tại các khoản chi chưa xác định được nhiệm vụ, nội dung chi trong dự toán ngân sách hằng năm để chờ phân bổ.

Cơ quan thẩm tra của Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ báo cáo rõ về số kinh phí còn lại chưa trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội, làm rõ về khả năng sử dụng khoản kinh phí này trong niên độ ngân sách năm 2023.

“Đa số ý kiến đề nghị, trường hợp không sử dụng đề nghị Chính phủ sớm nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền điều chuyển cho các nhiệm vụ khác, tránh gây lãng phí nguồn lực”, ông Lê Quang Mạnh nêu ý kiến của Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách.

"VTC cả năm không có lương nhưng bộ mãi mới phê duyệt"

Nêu ý kiến tại phiên họp, Phó tổng Kiểm toán Nhà nước Đặng Thế Vinh đề nghị làm rõ việc bổ sung dự toán chi thường xuyên này do nhiệm vụ mới phát sinh hay là nhiệm vụ xác định từ trước mà chưa có đủ hồ sơ phân bổ. Ông cũng đề nghị làm rõ trách nhiệm cơ quan tham mưu, bộ ngành, địa phương để rút kinh nghiệm cho những năm tiếp theo.

“Số tiền này sau được phân bổ đề nghị tập trung triển khai ngay để giải ngân thực hiện hết, hạn chế chuyển nguồn cho năm sau. Số còn lại chưa phân bổ rất lớn, đề nghị có giải pháp với số này vì còn có 2 tháng nữa là hết năm thì liệu có phân bổ và giải ngân được hết hay không”, ông Vinh băn khoăn.

Lý giải nguyên nhân của việc phân bổ chậm, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết do các bộ, ngành chậm trình ban hành các cơ chế, chính sách. Ví dụ như việc  hỗ trợ sinh viên sư phạm chưa tổng hợp được, hay khoản chi đặt hàng các cơ quan báo chí cần có định mức kinh tế kỹ thuật, đơn giá mới được bố trí nhưng Bộ TT-TT ban hành chậm, quá niên độ.

"Như Đài truyền hình VTC thuộc VOV, cán bộ, nhân viên cả năm không có lương. Nhưng Bộ TT-TT mãi mới phê duyệt định mức kinh tế kỹ thuật, đơn giá. Lúc phê duyệt thì quá niên độ nên chúng tôi không dám đưa vào", Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc phân trần.

Chốt lại phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị, Chính phủ, Bộ Tài chính cần nghiêm túc rút kinh nghiệm trong xây dựng dự toán, điều hành ngân sách.

"Gần hết năm nhưng số ngân sách, kinh phí chưa có nhu cầu sử dụng, chưa đủ điều kiện phân bổ còn rất lớn, cần có giải pháp kịp thời tháo gỡ để đảm bảo sử dụng hợp lý các nguồn bố trí", ông Hải cho biết.

Phó chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ rà soát, trình Quốc hội và chịu trách nhiệm đối với từng khoản đề nghị bổ sung dự toán chi thường xuyên năm 2023 của các bộ, ngành, địa phương, về tính chính xác của số liệu, sự cần thiết, tính đầy đủ, hợp lệ theo quy định của luật Ngân sách nhà nước và pháp luật có liên quan.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.