Bộ trưởng Pháp gây tranh cãi vì viết tiểu thuyết 'ướt át' khi kinh tế khó khăn

02/05/2023 10:37 GMT+7

Cuốn tiểu thuyết mới của Bộ trưởng Tài chính và Kinh tế Pháp Bruno Le Maire đã buộc chính phủ phải giải thích ông làm sao có được thời gian để sáng tác trong thời kỳ kinh tế khó khăn đối với rất nhiều người.

Bộ trưởng Pháp gây tranh cãi vì viết tiểu thuyết giữa lúc kinh tế khó khăn - Ảnh 1.

Bộ trưởng Tài chính và Kinh tế Pháp Bruno Le Maire

AFP

"Fugue américaine" (tạm dịch: Tẩu pháp Mỹ) là cuốn sách thứ 13 của ông Bruno Le Maire, 54 tuổi, người đã giữ chức vụ Bộ trưởng Tài chính và Kinh tế kể từ khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron lên nắm quyền vào năm 2017, theo đài France 24.

Ông Le Maire đã đi đầu trong việc bảo vệ nỗ lực cải cách chế độ hưu trí gây tranh cãi của chính quyền Macron, nguyên nhân dẫn đến nhiều tháng biểu tình sôi sục đôi khi biến thành bạo lực. Ông cũng phải đối mặt với áp lực giúp người dân Pháp ứng phó với việc chi phí sinh hoạt ngày càng tăng trong bối cảnh lạm phát.

Song "Fugue américaine" là một thế giới hoàn toàn khác. Đây là tác phẩm dành tặng đặc biệt cho nghệ sĩ dương cầm huyền thoại Vladimir Horowitz, được kể thông qua câu chuyện của hai anh em Franz và Oskar Wertheimer. Họ tới Cuba để tham dự một trong những buổi biểu diễn của nghệ sĩ Horowitz và cuộc sống của họ sau đó đã bị đảo lộn.

Người dân Pháp đổ xuống đường biểu tình ngày Quốc tế Lao động

Song chỉ một trang của cuốn tiểu thuyết, được chia sẻ rộng rãi và là mục tiêu chế giễu trên mạng xã hội, đã thu hút mọi sự chú ý. Trang này bao gồm một đoạn văn mô tả việc Oskar quan hệ tình dục với một người phụ nữ tên Julia bằng ngôn từ mang tính gợi dục mạnh mẽ.

Một nghị sĩ của đảng cực tả France Unbowed (LFI), François Ruffin, cho rằng ông Le Maire lẽ ra đã không có "một phút, một giờ, một tuần để viết sách" trong khi người dân Pháp đang trải qua "những nỗi lo lớn về lạm phát".

Một điều trùng hợp không may đối với vị bộ trưởng là cuốn tiểu thuyết được phát hành hôm 27.4, chỉ vài giờ trước khi hãng xếp hạng tín dụng Fitch hạ bậc xếp hạng tín nhiệm nợ của Pháp từ mức AA xuống mức AA-.

Sự việc cũng diễn ra sau khi một quốc vụ khanh của thủ tướng Pháp, Marlène Schiappa, gây tranh cãi vì xuất hiện trên bìa tạp chí khiêu dâm hạng nhẹ Playboy, tuy bà vẫn y phục chỉnh tề. Thủ tướng Élisabeth Borne đã rất tức giận, gọi điện cho bà Schiappa và nói rằng việc này "không phù hợp chút nào, đặc biệt là trong giai đoạn hiện tại".

Đồng nghiệp của ông Le Maire, Olivier Dussopt, thừa nhận ông chưa đọc cuốn tiểu thuyết mới nhưng bảo vệ quyền sáng tác của vị bộ trưởng. "Điều này cho thấy rằng có những cảm xúc... đằng sau hình ảnh áo quần chỉn chu của các bộ trưởng", ông nói với BFMTV, đồng thời cho biết ông đã xem qua đoạn văn "ướt át" nói trên và nó "khiến ông mỉm cười".

Ông Le Maire, người đã viết đến 5 cuốn sách chỉ trong vòng 4 năm qua, cho biết ông không gặp khó khăn gì khi theo đuổi sự nghiệp văn chương và chính trị cùng lúc. "Nếu chỉ có chính trị mà không có sự tự do đến từ sáng tác văn chương và lãng mạn, thì chính trị sẽ không đủ", ông nói trong một cuộc phỏng vấn với AFP gần đây.

Ông Le Maire không phải là chính trị gia tên tuổi đầu tiên của Pháp được biết đến với tham vọng văn chương. Trước đó, cố Tổng thống Valéry Giscard d'Estaing và cựu thủ tướng Édouard Philippe đã xuất bản các tác phẩm của mình.

Trong một bài đăng trên Twitter, ông Le Maire thừa nhận rằng nhiều người theo dõi tò mò về việc "làm thế nào tôi có thời gian để viết khi tôi là bộ trưởng". Ông cho biết, trong khi vẫn cống hiến cho công việc, ông cũng tìm cách "cân bằng đời sống cá nhân".

"Một số người đến bảo tàng, đi xem phim, đi nghe hòa nhạc hay đi xem bóng đá. Những người khác làm vườn hoặc đi bộ đường dài. Còn tôi thì viết lách", ông nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.