Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Khoa học nông nghiệp chịu chung 'lời nguyền' nhỏ lẻ, manh mún

25/04/2023 19:02 GMT+7

Nền nông nghiệp đã chịu "lời nguyền" nhỏ lẻ, manh mún và các tổ chức khoa học, nhà khoa học cũng đang chịu chung "lời nguyền" này. Khi nhỏ lẻ thì không tạo ra sức mạnh, manh mún thì không thể liên thông các nguồn lực để phát triển.

Đó là chia sẻ của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan khi nói về thực trạng nghiên cứu khoa học - công nghệ trong nông nghiệp, tại Hội nghị triển khai Chiến lược phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo ngành NN-PTNT đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với chủ đề: "Khơi nguồn tri thức Việt vì khát vọng nông nghiệp Việt", do Bộ NN-PTNT và Bộ KH-CN tổ chức ngày 25.4, tại Hà Nội.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Khoa học nông nghiệp chịu chung lời nguyền 'nhỏ lẻ, manh mún' - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan (phải) chia sẻ tại hội nghị

HOÀNG PHAN

Nhà khoa học đi làm thanh quyết toán dễ có rủi ro

Chiến lược do Bộ NN-PTNT xây dựng xác định phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo là nhiệm vụ quan trọng, tạo nền tảng, động lực cho phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh.

Bộ NN-PTNT đặt mục tiêu đến năm 2030, các sản phẩm nghiên cứu khoa học đóng góp vào tăng trưởng ngành nông nghiệp ở mức hơn 50%. Tỷ lệ kết quả nhiệm vụ khoa học, quy trình công nghệ, thiết bị… ứng dụng vào thực tế hơn 90% vào năm 2025 và đạt hơn 95% năm 2030. Có ít nhất 60% kết quả nghiên cứu được công nhận tiến bộ kỹ thuật, áp dụng vào sản xuất; trong đó khoảng 15% kết quả nghiên cứu được đăng ký bản quyền sáng tạo, sở hữu trí tuệ...

Bày tỏ sự đồng thuận với chiến lược nhưng ông Cao Đức Phát, nguyên Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, cho rằng còn 2 vấn đề sửa đổi chậm, cần tiếp tục đề xuất để sớm có điều chỉnh.

Vấn đề thứ nhất, dù đã có cơ chế khoán kinh phí nhưng thủ tục thanh quyết toán cho các đề tài, công trình, sản phẩm nghiên cứu khoa học rất chi li, phức tạp. Hồ sơ thanh quyết toán có khi còn dày hơn cả báo cáo kết quả nghiên cứu.

"Các nhà khoa học nói chung đều có tâm lý rất ngại làm chủ nghiệm đề tài, vì mất rất nhiều thời gian làm thanh quyết toán. Công việc này không chỉ tổn hao tâm lực, thậm chí còn có những rủi ro không đáng có", ông Phát nói.

Cũng theo ông Phát, vấn đề thứ hai là cơ chế khoán. Theo quy định của điều 56 luật Đất đai năm 2013, các đơn vị khi đã chuyển sang tự chủ tài chính thì phải thực hiện thuê đất.

Các đơn vị nghiên cứu về nông nghiệp thì phải có đất để thí nghiệm. Nếu theo quy định này thì khoảng 14.700 ha các viện, trường đang quản lý sẽ phải được làm thủ tục để thuê đất. Đây chính là khó khăn, gánh nặng tài chính và cơ chế này không phát huy được nguồn lực đất đai phục vụ nghiên cứu khoa học - công nghệ trong nông nghiệp.

Sẽ thí điểm tổ hợp các viện nghiên cứu

Chia sẻ tại hội nghị, ông Lê Minh Hoan cho biết, hiện nay, nông sản Việt Nam đã xuất khẩu đến hơn 200 quốc gia, vùng lãnh thổ. Khoa học - công nghệ chính là động lực thúc đẩy nông nghiệp phát triển và tiếp tục hướng đến nền nông nghiệp bền vững, giảm phát thải, thích ứng biến đổi khí hậu.

Trong đó, sự sáng tạo, nhiệt huyết, đam mê và trách nhiệm trong nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của cộng đồng các nhà khoa học có ý nghĩa quyết định đến thành công chiến lược của Bộ NN-PTNT.

Tuy nhiên, nền nông nghiệp bị "lời nguyền" nhỏ lẻ, manh mún, tự phát; các tổ chức nghiên cứu khoa học cũng đang chịu chung "lời nguyền" manh mún, nhỏ lẻ. Khi đã nhỏ lẻ thì không tạo ra sức mạnh và manh mún thì không liên thông được nguồn lực nhân lực, thiết bị.

Theo đó, Bộ NN-PTNT sẽ nghiên cứu, thí điểm tổ chức lại thành tổ hợp các viện nghiên cứu, mở rộng năng lực, tạo ra đa tầng giá trị cho sản phẩm nghiên cứu và hướng đến thị trường.

"Đã đến lúc chúng ta phải tổ chức bộ máy khác đi, nếu cứ cát cứ, phân ngành thì không tạo ra không gian tư duy, không gian nghiên cứu rộng hơn để có đủ tiềm lực trở thành đối tác bình đẳng với đối tác nước ngoài trong các chương trình hợp tác", ông Hoan nói.

Cũng theo ông Hoan, thực hiện chiến lược này, Bộ NN-PTNT tiếp tục đổi mới nâng cao hiệu quả khuyến nông. "Khi nông dân có sáng tạo, chúng ta vẫn hay gọi là "nhà khoa học chân đất", "nhà khoa học hai lúa" thì nhà khoa học ở các viện, trường phải giúp đỡ nông dân để sáng tạo đó tạo ra hiệu quả cao hơn chứ không coi đó là chuyện nhỏ, không đáng quan tâm, bởi mọi giá trị đều có sức lan tỏa của nó", ông Hoan nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.