Bộ trưởng Bộ NN-PTNT yêu cầu tăng cường xử lý công trình trái phép trên bãi sông

12/04/2024 20:13 GMT+7

Đây là nội dung nằm trong chỉ thị về việc tăng cường công tác bảo đảm bảo an toàn công trình, thủy lợi đê điều trong mùa mưa lũ năm 2024 do Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đã ban hành ngày 12.4.

Theo số liệu từ Cục Quản lý đê điều và phòng chống thiên tai, năm 2023, cơ quan này đã ban hành 15 văn bản đôn đốc các địa phương quản lý, xử lý vi phạm pháp luật về đê điều theo Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 7.10.2019 của Thủ tướng Chính phủ. Tổng số vụ vi phạm đê điều là 202 vụ, đã xử lý 95 vụ còn lại đang tiếp tục xử lý.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT yêu cầu tăng cường xử lý công trình trái phép trên bãi sông- Ảnh 1.

Nhà xưởng, bãi vật liệu xây dựng chiếm không gian thoát lũ sông Hồng tại xã Hồng Vân, H.Thường Tín, Hà Nội

ĐÌNH HUY

Trước mùa mưa lũ năm 2024, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư tập trung chỉ đạo, thực hiện tăng cường xử lý vi phạm pháp luật về đê điều; nhất là tình trạng vi phạm tập kết vật liệu quy mô lớn, xây dựng công trình trái phép trên bãi sông, đổ phế thải lấn chiếm bãi sông, lòng sông gây cản trở thoát lũ.

Xử lý dứt điểm hành vi lấn chiếm mặt, mái đê, hành lang bảo vệ đê gây ảnh hưởng đến an toàn đê và khả năng thoát lũ, lấn chiếm, sử dụng đất trái phép trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều; tăng cường đầu tư, nâng cấp hệ thống quan trắc khí tượng thủy văn nhằm đảm bảo sự chủ động, linh hoạt trong chỉ đạo vận hành công trình.

Về các công trình đê điều, Bộ trưởng Lê Minh Hoan yêu cầu UBND các tỉnh, thành tổ chức tổng kết, đánh giá công tác bảo đảm an toàn công trình thủy lợi, đê điều trên địa bàn. Rà soát, kiện toàn, phân công cụ thể trách nhiệm của các cơ quan quản lý chuyên ngành và chính quyền địa phương các cấp.

Bổ sung phương tiện kỹ thuật, trang thiết bị làm việc nhằm nâng cao năng lực chỉ đạo, điều hành, ứng phó trong thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an toàn công trình thủy lợi, đê điều. Kiểm tra, đánh giá hiện trạng hệ thống công trình thủy lợi, đê điều nhằm phát hiện những hư hỏng, các yếu tố bất lợi có nguy cơ đe dọa an toàn công trình.

Chủ động xây dựng, phê duyệt và triển khai phương án đảm bảo an toàn công trình, nhất là các vị trí, khu vực trọng điểm xung yếu theo phương châm "4 tại chỗ"; phối hợp chặt chẽ với lực lượng quân đội đóng trên địa bàn để chuẩn bị hộ đê, bảo vệ công trình theo phương án được duyệt. Trong đó, căn cứ phương án được duyệt, chuẩn bị đủ số lượng, chủng loại vật tư dự trữ cho từng tuyến đê, công trình thủy lợi.

Đê Âu Cơ (Q.Tây Hồ, Hà Nội) nứt toác khi đang thi công

Đê Âu Cơ (Q.Tây Hồ, Hà Nội) nứt toác khi đang thi công

KHẮC HIẾU

Triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn công trình thủy lợi, đê điều, đặc biệt là các trọng điểm xung yếu đê điều trên các tuyến đê từ cấp 3 đến cấp đặc biệt. Chuẩn bị, sẵn sàng triển khai phương án đảm bảo an toàn công trình và vùng hạ du, các khu vực được đê bảo vệ trong điều kiện xảy ra bão, lũ lớn, kể cả trường hợp mưa, lũ cực đoan vượt tần suất thiết kế.

Những cống dưới đê đã xảy ra sự cố những năm trước, cống mới xây dựng nhưng chưa được vận hành trong điều kiện có lũ cao hoặc cống đang thi công, phải xây dựng phương án bảo vệ cụ thể để chủ động xử lý khi có sự cố xảy ra.

Trong đó, cần đặc biệt quan tâm đến các cống đã xảy ra sự cố như: cống Cẩm Đình và cống Liên Mạc (Hà Nội), cống Tắc Giang (Hà Nam), cống Long Phương (Bắc Ninh), cống Đa Mai (Bắc Giang), cống Liên Nghĩa (Hưng Yên), cống Ngọc Quang (Thanh Hóa).

Tổ chức diễn tập phương án hộ đê, phương án ứng phó khẩn cấp của các hồ chứa; kiểm tra việc chuẩn bị vật tư, lực lượng, phương tiện, kỹ thuật, chỉ huy và thông tin hai chiều để bổ khuyết kịp thời những thiếu sót, tồn tại; tập huấn nghiệp vụ cho các lực lượng tham gia hộ đê, ứng phó khẩn cấp sự cố công trình, đặc biệt là lực lượng quân đội đóng trên địa bàn.

Đối với các hệ thống công trình thủy lợi, bộ trưởng yêu cầu tiếp tục rà soát, đánh giá nhiệm vụ, quy trình vận hành của các hồ chứa; báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp nhằm bảo đảm vận hành an toàn công trình, nhất là các hồ chứa có tác động lớn đến dòng chảy, dân sinh vùng hạ du.

Hoàn thiện và tổ chức thực hiện việc đánh giá an toàn đập, hồ chứa nước của hội đồng tư vấn đánh giá an toàn đập, nhất là các hồ chứa thủy lợi mà việc khai thác, bảo vệ liên quan đến 2 tỉnh trở lên; quyết định việc tích nước đối với các đập, hồ chứa nước thuộc trách nhiệm quản lý của địa phương. Bố trí lực lượng đủ năng lực chuyên môn để quản lý, vận hành công trình theo quy định; xây dựng quy chế, phân công trách nhiệm cụ thể để thực hiện.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.