Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công thương 'bỏ nhận định chủ quan và chưa chính xác' về nguyên nhân gây bất ổn xăng dầu

Nguyên Nga
Nguyên Nga
04/02/2023 19:33 GMT+7

Đó là đề nghị của Bộ Tài chính trong công văn 973 đề xuất nội dung sửa đổi, bổ sung các quy định về kinh doanh xăng dầu gửi Bộ Công thương.

Cụ thể, trong dự thảo nghị định kinh doanh xăng dầu, Bộ Công thương đã đưa ra phương án sửa đổi công thức giá và phương pháp công bố giá cơ sở mặt hàng xăng dầu theo hướng Nhà nước chỉ công bố các yếu tố cấu thành giá gồm giá Platts, các loại thuế, trích lập, chi sử dụng quỹ bình ổn giá, lợi nhuận định mức. Còn lại, các chi phí khác do các doanh nghiệp tự xác định và chịu trách nhiệm trước các cơ quan kiểm toán.

Về vấn đề này, Bộ Tài chính tỏ ra khá thận trọng vì cho rằng, xăng dầu là mặt hàng quan trọng, thiết yếu đối với kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, việc thay đổi ngay và căn bản cơ chế cần phải có đánh giá cụ thể để xác định thời điểm, lộ trình phù hợp. Đặc biệt, "khi giá xăng dầu tăng cao ảnh hưởng đến lạm phát và ổn định kinh tế xã hội, công cụ quản lý của Nhà nước là gì?", Bộ Tài chính đặt vấn đề và cho rằng, chưa có chính sách hỗ trợ cụ thể đối tượng dễ bị tổn thương như người nghèo, người dân tại vùng sâu vùng xa nơi ít cây xăng, thị trường cạnh tranh thấp, chi phí kinh doanh tăng.

Bộ Tài chính đề nghị nghiên cứu mức thù lao tối thiểu cho bán lẻ xăng dầu - Ảnh 1.

Hai Bộ Công thương và Tài chính liên tục đưa ra các quan điểm phản bác về vai trò trách nhiệm quản lý thị trường xăng dầu trong thời gian qua

HOÀNG HY

Thế nên, trong bối cảnh quy mô của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu không đồng đều, lại được giao quyền chủ động trong quyết định giá bán lẻ của doanh nghiệp, theo Bộ Tài chính, cần có các phương án cụ thể về kiểm soát và chế tài để hạn chế tình trạng tăng giá bất hợp lý.

Đặc biệt, Bộ Tài chính "đề nghị Bộ Công thương rà soát, đánh giá, giảm bớt số lượng khâu trung gian phân phối xăng dầu; nghiên cứu quy định mức thù lao tối thiểu đại lý bán lẻ xăng để đảm bảo hoạt động cho các đơn vị bán lẻ ổn định nguồn cung trong kinh doanh xăng dầu, tránh tình trạng kho có hàng mà không bán cho người dân vì cửa hàng lỗ".

Ngoài ra, trong công văn gửi Bộ Công thương, Bộ Tài chính nhắc đến những lập luận của Bộ Công thương về nguyên nhân đẩy nguồn cung xăng dầu bất ổn trong thời gian qua và "đề nghị Bộ Công thương bỏ nhận định chủ quan và chưa chính xác nêu trong dự thảo tờ trình Thủ tướng Chính phủ", công văn của Bộ Tài chính nêu.

Trước đó, tại dự thảo tờ trình Thủ tướng, Bộ Công thương có nhận định: "Thời gian vừa qua, thị trường xăng dầu có nhiều biến động, nguồn cung xăng dầu cho thị trường có một số bất ổn, một trong những nguyên nhân là do các chi phí kinh doanh xăng dầu chưa được tính đúng, tính đủ trong cơ cấu giá cơ sở xăng dầu do nhà nước điều hành dẫn đến doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu bị thua lỗ, không có động lực duy trì hoạt động kinh doanh".

Cũng theo Bộ Tài chính, xăng dầu trong nước phụ thuộc vào giá xăng dầu thế giới (hiện chiếm tỷ trọng từ 60 - 80% tùy từng chủng loại trong công thức tính giá cơ sở). Vì vậy, với những biến động đột biến của giá thế giới sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là tại kỳ điều hành giá lại giảm sâu so với giá nhập mua. Mặt khác, các chi phí định mức trong giá cơ sở, Bộ Tài chính khẳng định "đã được thực hiện theo đúng quy định tại Nghị định 95 Thông tư số 104". Chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam đã được rà soát điều chỉnh 3 lần theo kết quả tổng hợp rà soát báo cáo chi phí thực tế phát sinh tại thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu.

"Như vậy, vấn đề này không ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp", Bộ Tài chính phản bác lại nhận định của Bộ Công thương.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.