Bộ NN-PTNT phát công điện khẩn phòng chống cúm gia cầm

26/02/2023 14:53 GMT+7

Bộ NN-PTNT đã có công điện khẩn gửi các UBND cấp tỉnh đề nghị triển khai các biện pháp phòng chống cúm gia cầm A/H5N1, sau khi Campuchia công bố 1 người tử vong do virus cúm A/H5N1.

Ngày 26.2, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến đã ký công điện khẩn của Bộ NN-PTNT gửi UBND các tỉnh thành trên cả nước đề nghị triển khai các biện pháp phòng chống cúm gia cầm A/H5N1.

Bộ NN-PTNT phát công điện khẩn phòng chống cúm gia cầm - Ảnh 1.

Bộ NN-PTNT đề nghị UBND các tỉnh, thành khẩn trương tổ chức các biện pháp phòng ngừa cúm gia cầm

HOÀNG PHAN

Công điện của Bộ NN-PTNT nhấn mạnh, thời gian gần đây tại Campuchia ghi nhận 1 ca tử vong trên người do virus cúm A/H5N1. Nhằm ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm dịch bệnh do vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu từ nước ngoài vào Việt Nam, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển chăn nuôi, an toàn thực phẩm và sức khỏe cộng đồng, Bộ NN-PTNT đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư chỉ đạo các sở, ban ngành và chính quyền các cấp tổ chức triển khai đồng bộ các giải pháp theo quy định của luật Thú y; Quyết định số 172/QĐ-TTg ngày 13.2.2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh cúm gia cầm giai đoạn 2019 - 2025.

Xem nhanh 20h: Nhìn lại xung đột Nguyễn Phương Hằng-Đặng Thị Hàn Ni | Nguy cơ từ cúm H5N1

Theo đó, các địa phương khẩn trương tổ chức các biện pháp phòng chống dịch cúm gia cầm, gồm: tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát, đặc biệt tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới, cảng biển, đường sông… kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, giết mổ, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm trái phép vào Việt Nam, đặc biệt là khu vực các tỉnh biên giới phía nam.

Khi bắt được các lô hàng động vật, sản phẩm động vật vận chuyển bất hợp pháp thì phải tiêu hủy ngay nhưng trước khi tiêu hủy, cần lấy mẫu gửi các cơ quan thú y để xét nghiệm bệnh.

Chủ tịch UBND cấp tỉnh chỉ đạo lực lượng công an, bộ đội biên phòng lập chuyên án đấu tranh với các đối tượng vận chuyển, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu qua biên giới; phối hợp với chính quyền địa phương bắt giữ và xử lý nghiêm các vụ nhập khẩu trái phép gia cầm và sản phẩm gia cầm.

Các địa phương chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tăng cường kiểm soát lưu thông, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán động vật, sản phẩm động vật trái phép vào Việt Nam, gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc trên thị trường.

Bộ NN-PTNT chỉ đạo khẩn về cúm gia cầm A/H5N1

Xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch

Trong công điện, Bộ NN-PTNT cũng đề nghị các địa phương tăng cường công tác truyền thông nguy cơ về các dịch bệnh nguy hiểm xâm nhiễm từ nước ngoài thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật trái phép; vận động nhân dân khu vực biên giới không tham gia, không tiếp tay cho việc vận chuyển, kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm trái phép vào Việt Nam.

Các địa phương phải báo cáo kịp thời, đầy đủ, chính xác tình hình dịch bệnh qua hệ thống thông tin dịch bệnh động vật trực tuyến (VAHIS) theo quy định hiện hành; tổ chức kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp không báo cáo, giấu dịch, làm lây lan dịch bệnh.

Bộ NN-PTNT giao Cục Thú y và các đơn vị liên quan tổ chức các đoàn công tác đến các địa phương để kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc công tác phòng, chống dịch bệnh; chủ động phối hợp với các tổ chức quốc tế và các nước để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và giải pháp phòng, chống dịch bệnh.

Theo Cục Thú y, cả nước có 2 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 ở Cao Bằng và Nghệ An chưa qua 21 ngày. Trước đó, 5.000 gia cầm liên quan đến 2 ổ dịch này đã được cơ quan thú y và chính quyền địa phương phối hợp với chủ hộ chăn nuôi xử lý tiêu hủy và triển khai các biện pháp bao vây, dập dịch, đến nay chưa ghi nhận sự lây lan.

Xem nhanh 12h: Lộ diện đồng phạm bà Đặng Thị Hàn Ni | Siêu xe không giấy tờ “lạc” vào cao tốc


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.