Bộ Công thương lý giải đề xuất cho giá điện mới 'gánh' khoản lỗ cũ của EVN

Nguyên Nga
Nguyên Nga
05/09/2023 11:10 GMT+7

Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương) vừa có giải thích về đề xuất cho thu hồi khoản lỗ sản xuất kinh doanh điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tại dự thảo quyết định mới về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân.

Liên quan việc cho hạch toán khoản lỗ chênh lệch tỷ giá, lỗ kinh doanh… của EVN vào giá bán lẻ điện bình quân tại dự thảo cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân, Cục Điều tiết điện lực cho rằng, đề xuất này đã được xem xét dựa trên quy định của pháp luật và tình hình thực tế, cũng như ý kiến của các bộ, ngành...

Bộ Công thương lý giải đề xuất cho giá điện mới 'gánh' khoản lỗ cũ của EVN - Ảnh 1.

Cơ sở để đề xuất cho bù lỗ vào giá điện bán lẻ bình quân đã được quy định tại Quyết định 24/2017

ĐỘC LẬP

Cụ thể, tại điều 4 Quyết định 24/2017 về cơ chế bán lẻ điện bình quân hiện hành, quy định các thành phần cấu thành nên giá bán lẻ điện bình quân hàng năm bao gồm chi phí của các khâu trong chuỗi sản xuất - cung ứng điện (phát điện, truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện, điều độ hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện lực, chi phí dịch vụ phụ trợ hệ thống điện, chi phí quản lý chung của EVN) và các khoản chi phí khác chưa được tính vào giá điện.

Cũng theo Quyết định 24, các khoản chi phí khác chưa được tính vào giá điện bao gồm cả chênh lệch tỷ giá đánh giá lại chưa được phân bổ được đưa vào giá thành sản xuất kinh doanh điện năm N (năm tính giá) do Bộ Công thương, Bộ Tài chính xem xét, quyết định hàng năm.

Như vậy, Quyết định 24 đã quy định việc các khoản chi phí đã phát sinh nhưng chưa được tính vào giá điện trong các lần điều chỉnh trước đây, sẽ được xem xét để tính toán phân bổ vào giá điện của kỳ đang tính toán.

Theo Cục Điều tiết điện lực, giai đoạn trước khi ban hành Quyết định 24, chênh lệch tỷ giá là khoản chi phí lớn nhất thường bị treo chưa hạch toán vào giá thành sản xuất kinh doanh điện cũng như giá điện, hoặc chỉ được hạch toán phân bổ một phần tùy tình hình tài chính của mỗi năm.

Bộ Công thương lên tiếng về giá điện mới 'gánh' khoản lỗ cũ của EVN

Nhắc đến khoản lỗ hơn 26.000 tỉ đồng của EVN năm 2022, Cục Điều tiết điện lực cho biết, giá nhiên liệu năm 2023 tuy đã bớt căng thẳng so với năm 2022 nhưng vẫn ở mức cao so với giai đoạn trước năm 2022, ảnh hưởng lớn đến cân bằng tài chính của EVN.

Việc điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện bình quân năm 2023 ở mức 3% từ ngày 4.5 đã giải quyết một phần khó khăn cho tình hình tài chính và dòng tiền của EVN. Tuy nhiên, chi phí năm 2023 tiếp tục bị dồn tích do mức điều chỉnh giá điện chưa đủ thu hồi chi phí đầu vào hình thành giá (chủ yếu là chi phí mua điện, chiếm hơn 80% tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện của EVN).

Cũng theo Bộ Công thương, thực tế năm 2022 và 2023, việc lỗ hoạt động sản xuất kinh doanh điện là do doanh thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh điện không đủ bù đắp các chi phí phát sinh phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh điện (chính là việc giá bán lẻ điện chưa đủ bù đắp chi phí giá thành sản xuất kinh doanh điện).

Thế nên, các khoản chi phí đầu vào của các năm 2022, 2023 theo quy định tại Quyết định 24 được thu hồi thông qua giá điện mà chưa được thu hồi (năm 2022 không điều chỉnh tăng giá điện) hoặc chưa được thu hồi đầy đủ (năm 2023 chỉ điều chỉnh tăng ở mức 3%) để đảm bảo an sinh xã hội và phát triển chung thì cần được xem xét thu hồi trong các lần điều chỉnh giá điện tiếp theo.

Căn cứ quy định hiện hành tại luật Giá, Cục Điều tiết điện lực cho rằng: Giá điện cần đảm bảo bù đắp đủ chi phí thực tế hợp lý và có lợi nhuận phù hợp. Quyết định 24 đã có quy định về việc cho phép phân bổ các khoản chi phí khác chưa được tính vào giá điện trong tính toán giá điện hằng năm để đảm bảo giá điện phản ánh được đúng giá thành (và sau đó là có khoản lợi nhuận phù hợp). Vì thế, dự thảo quyết định thay thế Quyết định 24 cần có cơ chế để đảm bảo các chi phí chưa được thu hồi đủ trong các lần điều chỉnh giá điện thì được xem xét thu hồi trong các lần điều chỉnh tiếp theo.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.