Bộ Công an đề xuất thí điểm cho phạm nhân ra lao động ngoài trại giam

Lê Hiệp
Lê Hiệp
03/06/2022 10:20 GMT+7

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, việc hợp tác với doanh nghiệp để tổ chức cho phạm nhân lao động ngoài trại giam được thực hiện từ 2011 song đến nay gặp nhiều vướng mắc do chưa có cơ sở pháp lý.

Sáng 3.6, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình Quốc hội tờ trình về dự thảo nghị quyết của Quốc hội thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm

gia hân

Theo Bộ trưởng Bộ Công an, việc tổ chức lao động, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam đã được thực hiện tại nhiều địa phương từ năm 2011.

Tuy nhiên, do chưa có cơ sở pháp lý dẫn đến việc này còn gặp nhiều khó khăn trong thực hiện.

Theo ông Lâm, luật Thi hành án hình sự năm 2019 có quy định thành lập các khu lao động, dạy nghề, hợp tác với tổ chức, cá nhân để tổ chức lao động, dạy nghề cho phạm nhân trên đất trại giam quản lý.

Tuy nhiên, việc mời gọi hợp tác này gặp nhiều khó khăn do các trại giam xa trung tâm kinh tế, chính trị của địa phương, khó tiếp cận với các thị trường tiêu thụ sản phẩm như đô thị, thành phố, khu công nghiệp; giao thông đi lại khó khăn làm tăng chi phí vận chuyển, chi phí tiêu hao, giá thành sản phẩm lao động.

Bên cạnh đó, các loại hình ngành nghề lao động, việc làm cho phạm nhân trong các trại giam hiện nay chủ yếu là nông, lâm nghiệp, thủ công, yêu cầu về trình độ, kỹ năng thấp, khó đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động ngoài xã hội nên giảm hiệu quả tái hòa nhập cộng đồng.

Từ đó, Chính phủ nhận thấy việc đề xuất Quốc hội ban hành Nghị quyết thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam là rất cần thiết.

Theo Bộ trưởng Bộ Công an, nghị quyết quy định việc thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam thuộc Bộ Công an.

Trong đó, trại giam hợp tác với tổ chức, cá nhân tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam theo kế hoạch do cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an phê duyệt.

Số lượng trại giam được áp dụng thí điểm theo nghị quyết này không quá một phần ba tổng số trại giam thuộc Bộ Công an.

Việc đưa phạm nhân ra ngoài lao động, học nghề theo nguyên tắc bảo đảm an toàn; trên cơ sở tự nguyện, bình đẳng, được trả một phần công lao động.

Dự thảo luật cũng quy định một số đối tượng không đưa ra lao động ngoài trại giam gồm các phạm nhân phạm tội về xâm phạm an ninh quốc gia, phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh, có 2 tiền án trở lên, tái phạm nguy hiểm, người dưới 18 tuổi….

Những trường hợp không đưa ra khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề ngoài trại giam:

a) Phạm một trong các tội về xâm phạm an ninh quốc gia, phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh;

b) Có từ 2 tiền án trở lên;

c) Tái phạm nguy hiểm;

d) Người tổ chức trong vụ án đồng phạm;

đ) Người nước ngoài;

e) Người mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A theo quy định của luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm;

g) Người dưới 18 tuổi;

h) Người 60 tuổi trở lên;

i) Người bị bệnh hoặc có nhược điểm về thể chất, tâm thần không đủ sức khỏe để lao động được y tế của trại giam xác nhận;

k) Đang xếp loại chấp hành án phạt tù “trung bình” hoặc “kém”;

l) Đã có hành vi trốn khỏi cơ sở giam giữ, trốn khỏi cơ sở giáo dục bắt buộc.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.