TNO

Bình yên bên bờ sông Son

09/04/2015 09:55 GMT+7

(iHay) Một bên sông là làng Phong Nha, đối diện là làng Na, hay còn gọi là làng Sơn Thủy.

(iHay) Hệ thống núi đá vôi lớn, chứa các hang động lớn, kết hợp với những dòng sông ngầm và mở tạo nên một quần thể rừng suối, núi sông, hang động độc đáo cho Quảng Bình. Sông Son, một phần trong quần thể trên, đóng vai trò quan trọng trong đời sống người dân nơi dòng sông chảy qua.

>> Thăm những cảnh đẹp trên quê hương Quảng Bình

Ngôi làng êm đềm ven sông Son, Quảng Bình

Không chỉ là đường giao thông, dòng sông còn cung cấp nước dùng, tưới tiêu, điều tiết mực nước từ núi rừng chảy ra và cũng là “ngư trường” nhỏ của bà con địa phương.

Quần thể đá vôi ẩn hiện ngay trên sông Son

Ngay đầu vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, hai ngôi làng nhỏ ven sông hiện ra bình yên, giản dị, đậm nét phong thủy hữu tình. Một bên sông là làng Phong Nha, đối diện là làng Na, hay còn gọi là làng Sơn Thủy, mới được tái thiết gần đây. Người dân làng Na chủ yếu chạy đò đưa khách tham quan một số động tại Phong Nha.

Dòng sông được tô điểm bởi những ngôi nhà thờ ẩn hiện giữa những căn nhà của người dân lẩn khuất trong sương sớm, cạnh những ngọn núi cao xanh mướt, những con đò neo đậu ven bờ, tạo cảm giác bình yên, thơ mộng không kém những dòng sông Rheine, Aare, hay Vltava nổi tiếng ở châu Âu.

Ngôi nhà thờ ven sông

Dòng sông Son trong vắt, có thể nhìn thấy tận đáy, sâu khoảng 2 m, với từng lớp rong rêu xanh xanh lượn lờ. Loại rong rêu này được bà con hai bên làng vớt về nuôi cá trắm cỏ. Dân làng nói rằng, nước dòng sông Son trong sạch, không bị ô nhiễm vì nằm ngay đầu nguồn, chảy từ trong động Phong Nha qua làng trước khi hòa vào sông Gianh. Vì thế, bà con làm lồng, nuôi tôm cá ngay hai bên bờ sông.

Người dân vớt rong từ đáy sông Son

Bà con ở những ngôi làng ven sông vẫn còn sống trong nhiều ngôi nhà gỗ. Tuy nhiên, dòng sông Son tưởng như bình lặng này lại dâng rất cao vào mùa lũ, thường từ tháng tám đến đầu năm sau. Cũng vì lý do này mà bà con quanh làng phải xây dựng những ngôi nhà gạch mới, ít nhất là có một lầu để khi mùa lũ tới, còn có nơi cao tránh nước dâng.

Bến phà Xuân Sơn ngày nay

Phong Nha có một địa danh lịch sử gắn liền với những trận đánh phá ác liệt của không quân Mỹ thời chiến tranh Việt Nam. Đó là bến phà Xuân Sơn, được ví như túi bom của vùng chảo lửa, nơi trung chuyển, chi viện từ miền Bắc cho chiến trường miền Nam, nối với đường mòn Hồ Chí Minh hướng về phía tây Trường Sơn. Giờ đây, bến phà được dùng như một điểm đón khách du lịch đến thăm vườn quốc gia.

Nhà ông Hồ Khanh, nơi chuẩn bị hành lý cho các chuyến thám hiểm Sơn Đoòng

Nhưng với khách nước ngoài, làng Phong Nha nổi tiếng vì nơi đây còn là quê hương ông Hồ Khanh, người tìm ra hang Sơn Đoòng hiện là hang động núi đá vôi lớn nhất thế giới. Nhiều người đến Đồng Hới, Quảng Bình đều muốn ghé căn nhà ven sông của gia đình ông nghỉ một vài đêm, chỉ để một lần gặp và trò chuyện với người nông dân nổi tiếng này về những chuyến khám phá hang động trong thời gian ông không phải bận bịu công việc đồng áng của gia đình.

Hoàng hôn trên sông Son nhìn từ nhà ông Hồ Khanh

Phượt ký của Kim Dung

>> Flycam và góc nhìn rất mới về Quảng Bình
>> Chinh phục hang động lớn nhất thế giới ở Quảng Bình
>> Quảng Bình, lãng du giữa miền hư thực

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.