Biến động ở biển Đông là “cú hích” giảm nhập siêu Trung Quốc

02/06/2014 17:37 GMT+7

(TNO) Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải khẳng định, sự kiện tháng 5 khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển nước ta có thể là cú hích đẩy mạnh hơn việc thực hiện các giải pháp giảm dần nhập siêu và phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

(TNO) Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải khẳng định, sự kiện tháng 5 khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển nước ta có thể là "cú hích" đẩy mạnh hơn việc thực hiện các giải pháp giảm dần nhập siêu và phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

“Việt Nam đang xuất siêu sang Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản nhưng lại phụ thuộc rất nhiều vào việc nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc như dệt may, da giày, thủy hải sản. Chúng ta nuôi con cá nhưng thức ăn cũng phải mua”, ông Hải nói.


Xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc chịu nhiều rủi ro, thường xuyên bị ùn ứ - Ảnh: Hà An

Cũng theo Thứ trưởng Bộ Công thương, không chỉ đến khi tình hình biển Đông “nóng”, trước đây đã đặt ra vấn đề giảm phụ thuộc vào một thị trường. Chính phủ, Bộ Công thương và các bộ ngành cũng đã có những biện pháp giảm nhập siêu như tăng xuất khẩu, giảm nhập khẩu. Việc tăng xuất khẩu đang làm khá tốt, 4 tháng đầu năm 2014 kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc tăng 28,4%. Nhiều người nói Việt Nam không thể xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc do không cạnh tranh được về giá, nhưng tăng xuất khẩu gần đây là cách tốt để giảm nhập siêu.

Giảm nhập khẩu bằng cách tăng cường sản xuất trong nước, đẩy mạnh người Việt ưu tiên dùng hàng Việt. 90 triệu dân Việt Nam nếu ưu tiên dùng hàng Việt sẽ tạo ra thị trường tiêu thụ rất lớn từ hoa quả, lương thực, quần áo, đây cũng là hành động yêu nước.

“Những việc này đã đặt ra từ trước, nhưng có cảm giác trước kia kể cả các doanh nghiệp, địa phương, các nhà quản lý chưa quyết liệt làm việc này. Sự kiện tháng 5 là cú hích đẩy việc chúng ta đang làm mạnh hơn”, ông Hải khẳng định.

Chưa tăng giá điện

Liên quan đến việc Bộ Công thương đưa ra biểu giá bán lẻ điện áp dụng từ 1.6, nhiều ý kiến cho rằng người nghèo dùng điện dưới 100 kWh đang phải trả thêm tiền điện. Ông Đinh Thế Phúc, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực cho biết, theo biểu giá bán lẻ điện mới, điện sinh hoạt, điện kinh doanh giảm, điện cho sản xuất giảm với giờ bình thường và tăng với giờ thấp điểm.

Ông Phúc cho biết, trong tham mưu lên Chính phủ để có quyết định 28 về biểu giá bán lẻ điện mới, đã có cập nhật lại cơ cấu sản lượng điện năm 2013 và quý 1.2014, tính toán vẫn đảm bảo giá điện bình quân như cũ. Theo ông Phúc, biểu giá cũ quy định mức giá 993 đồng/kWh cho mức dưới 50kWh (mức giá mới là 1.388 đồng/kWh) không phải dành riêng cho người nghèo, mà cho các hộ dùng thường xuyên dưới 50 kWh/tháng. “Trước đây đối tượng người nghèo, thu nhập thấp được hưởng mức hỗ trợ 30 kWh đầu, thì nay cũng được mức hỗ trợ bằng tiền tương đương”, ông Phúc nói.

Tuy nhiên, nếu chiểu theo biểu giá điện mới, rõ ràng các hộ dùng dưới 100kWh điện sẽ phải chi trả thêm tiền điện.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định trong năm 2014 sẽ không thiếu điện, trước mắt sẽ chưa tăng giá điện, nhất là trong dịp nắng nóng, thi cử.

Mai Hà

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.