Bến Tre là quê hương, là quê hương… thế thôi!

03/11/2022 17:00 GMT+7

Ngoài nơi chốn mình sinh ra, lớn lên được gọi là quê hương, hầu như ai cũng có một quê hương khác gọi là quê hương thứ hai.

Đó có thể là cái ngõ sau mà chiều chiều người thiếu phụ vẫn hay ra đứng “ngó về quê mẹ ruột đau chín chiều”; cũng có thể là chốn mưu sinh của phận đời tha hương nhiều năm bươn chải; hay đơn giản chỉ là một miền đất ta tình cờ ghé qua rồi “bỏ quên con tim” bởi sự quyến rũ của đất, của người nơi ấy.

Không thể phủ nhận cầu Rạch Miễu đã góp phần vào những đổi thay kỳ diệu của Bến Tre. Vậy mà lạ thay, thỉnh thoảng tôi vẫn cứ bồi hồi nhớ về những chuyến phà xưa

tgcc

Tôi cũng có một quê hương ngoài Sài Gòn - nơi chôn nhau cắt rún của mình. Nhưng lạ thay, tôi chưa bao giờ có khái niệm thứ hai hay thứ nhất. Với tôi, Bến Tre là quê hương, là quê hương… thế thôi.

Năm 1978, trong hàng ngũ thanh niên tình nguyện, tôi từ Sài Gòn về Bến Tre công tác với hừng hực khí thế tuổi 20. Chỉ đến lúc cầm tờ quyết định bổ nhiệm bước ra khỏi công ty giáo dục vào một buổi chiều khi vạt nắng đã chấp chới ở phía bên kia bờ hồ Chung Thủy, tôi mới bắt đầu thấy sợ.

Phải rơi vào tình cảnh không người thân, không bạn bè, ở giữa nơi hoàn toàn xa lạ, không biết đi đâu, về đâu khi mà ngoài kia, màn đêm dần buông xuống, nỗi sợ trong tôi lúc đó chỉ xếp đằng sau cái chết, bất chấp mục tiêu lý tưởng, bất chấp nhiệt huyết tuổi trẻ, bất chấp khẩu hiệu “Đi bất cứ nơi đâu khi Tổ quốc đang cần”.

Nhưng rồi bằng sức mạnh và niềm tin của tuổi 20, tôi đã bước qua nỗi sợ mà tiến về phía trước. Nhưng 25 tuổi, thì tôi tin con người có số phận. Cũng giống như nỗi sợ, tôi bước qua số phận bằng lời dạy của ông tôi hồi sinh tiền: “Tận nhân lực - tri thiên mệnh”. Tôi đã tận hết nhân lực của mình trong suốt 27 năm gắn bó với mảnh đất cù lao này, đến nỗi khi trở về Sài Gòn, tôi bỗng nhận ra mình không biết làm người thị thành.

Đêm đêm, khi mọi người vừa bắt đầu say giấc thì tôi đã thức dậy, nằm nhớ nôn nao tiếng gà đuổi nhau gáy rộ khắp xóm, nhớ tiếng chim ríu rít chuyền cành, nhớ âm thanh của gió lùa qua liếp tre, nhớ tiếng dừa khô rụng, nhớ tiếng mái dầm khua của mấy bà đi chợ sớm, nhớ mùi khói un mù mịt một góc sân, nhớ xiết bao ngôi nhà nhỏ có khung cửa sổ mở ra một góc vườn…

... Tôi vẫn nhớ xiết bao cái không khí rộn ràng của những ngày vào mùa, nhớ cảnh ngoài sông những chiếc ghe chất đầy bội chôm chôm

tgcc

Những nỗi nhớ như thế cứ mỗi ngày bủa vây, nhiều khi khiến tôi đánh đồng khái niệm nỗi nhớ với quê hương là một.

Kể cả bây giờ, khi một ngôi trường khang trang với hai dãy phòng học kiên cố và một khoảng sân bê tông cao ráo được mọc lên, tôi vẫn đêm đêm mơ thấy mình đứng trên cái bục giảng kê trên nền đất gập ghềnh. Ở đó, thầy trò tôi đã có hơn 10 năm cùng nhau học tập, cùng nhau vui chơi. Nhớ những đêm văn nghệ cây nhà lá vườn, diễn viên quấn xà rông bằng khăn trải bàn, ca sĩ hóa trang bằng lọ nồi, phấn may… vậy mà khán giả chen chúc nhau đông nghẹt sân trường.

Kể cả bây giờ, khi con đường liên ấp đã trải nhựa thênh thang, tôi vẫn ngửi thấy mùi bùn, vẫn cảm nhận được cái đau buốt của mấy đầu ngón chân bấm xuống mặt đường trơn trợt khi đi dạy, mặc dù từ nhà đến trường chỉ cách nhau ba hồi trống. Nhớ hồi mới về, đúng vào những ngày mưa rước cá dầm dề, ngày đầu tiên ra nhận lớp, tôi xỏ xâu đôi dép bỏ vào cái túi ni lông cùng với sách vở, tay túm quần, chân dò dẫm từng bước trên con đường nhão nhoẹt bùn non. Cứ nhấc được chân này lên thì chân kia mắc kẹt lại trong bùn. Chừng tay chạm được vào cánh cổng trường, nước mắt không biết ở đâu tuôn đầm đìa không kiềm lại được.

Kể cả bây giờ, khi điện lưới quốc gia phủ tới tận căn nhà nằm chơi vơi ngoài đầu mõm thì tôi vẫn nhớ cái đèn lon thiếc đốt dầu gazole với cái tim đèn quấn bằng chỉ. Mỗi khi dầu sắp cạn mà chưa có tiền mua lại gặp bữa cái tim đèn đã cũ, đóm lửa lập lòe nhả ra những sợi khói đen sì, soạn xong giáo án, mặt mày y hệt chú hề.

Kể cả bây giờ, khi nước máy kéo tận nhà, chỉ cần mở vòi là có nước trong vắt để xài, tôi vẫn nhớ nôn nao cái màu đỏ đục lờ mỗi mùa nước son đổ về, phải đánh phèn chua để lấy nước trong. Nhớ cả vị ngọt mát của nước sông khi đưa cái gáo dừa lên miệng ừng ừng trong cơn khát.

Kể cả bây giờ, xài mạng internet, cáp truyền hình, tôi vẫn nhớ đứt ruột cây ăng ten rụng chỉ còn mấy cái ngoe vẫn hiên ngang chỉa thẳng lên trời quay loạn xạ rà đài trong ồn ào tiếng chỉ huy lẫn reo hò bên dưới.

Kể cả bây giờ, khi càng ngày càng có nhiều biệt thự mọc lên lấp ló trong vườn cây, tôi vẫn nhớ tái tê cái chái bếp cùng tiếng lửa reo tí tách, nhớ cái nền nhà đất bò lỏm ngỏm vô số vảy rồng, làm đau buốt gang bàn chân đến thấu tim.

Kể cả bây giờ, chôm chôm đã được bà con xử lý nghịch vụ cho ra trái quanh năm, trái chôm chôm được xuất khẩu đóng trong thùng mút sang trọng bon bon trên đường bằng xe vận tải, thì tôi vẫn nhớ xiết bao cái không khí rộn ràng của những ngày vào mùa, nhớ cảnh ngoài sông những chiếc ghe chất đầy bội chôm chôm, phành phạch hối hả đua nhau về vựa cho kịp con nước.

Bây giờ mỗi bận về thăm quê, cho xe chầm chậm qua cầu Rạch Miễu - một cây cầu nối ba dãy cù lao với đất liền mở ra cơ hội cho Bến Tre bay lên, là khát vọng, là giấc mơ bao đời của người dân Đồng Khởi… Nhìn nhịp dây văng sừng sững vươn lên trời, ngắm cồn Thới Sơn xanh miết trải dài giữa bốn bề sóng nước, tôi chợt nghiệm ra rằng, cầu không chỉ để hóa giải nỗi đò giang cách trở. Hơn sáu trăm con người dãi nắng dầm mưa ròng rã ngày đêm là để nối bên này bờ ước mơ với bên kia bờ hiện thực, không chỉ cho người dân hai bờ sông Tiền mà còn cho triệu triệu trái tim biết yêu thương đất nước mình.

Không thể phủ nhận cầu Rạch Miễu đã góp phần vào những đổi thay kỳ diệu của Bến Tre. Vậy mà lạ thay, thỉnh thoảng tôi vẫn cứ bồi hồi nhớ về những chuyến phà xưa. Những chuyến phà chở một thời thanh xuân của tôi xuôi ngược hai đầu Bến Tre - Sài Gòn, những chuyến phà đã đi vào quá vãng nhưng cái mùi gió nôn nao từ mặt sông thổi lên rười rượi vẫn còn nguyên vẹn trong tôi.

Và khi tôi được tin học trò mình thành đạt, làm giàu ngay trên chính quê hương mình, chứng kiến thương hiệu “sầu riêng cô Thinh” của cô học trò cũ Nguyễn Thị Thinh - giám đốc HTX nông nghiệp Tân Phú - ra đời; nghe em Nguyễn Thị Diễm thủ thỉ khoe với cô giáo cũ, con gái mình bắt đầu con đường khởi nghiệp bằng nhãn hiệu chuối sấy mang tên Trường Ân, cùng với nhiều em khác đang đảm nhận trọng trách của cán bộ quản lý trong nhiều lĩnh vực với nhiều thành tựu… thì tôi nhận ra, cả tuổi thanh xuân của tôi bỏ lại trên mảnh đất này là không hề uổng phí.

Cứ như thế, quá khứ và hiện tại đan xen nhau khiến nỗi nhớ quê trong tôi bao giờ cũng đầy đặn, cũng riết róng, cũng rưng rức nỗi hoài niệm nhưng lại rất tự hào với những đổi thay kỳ diệu từng ngày.

Mười sáu năm, trở về làm người thị thành, tôi vẫn giữ lại một khoảnh vườn nho nhỏ cùng với ngôi nhà cũ kỹ ở Bến Tre, mặc dù ở đó không còn ai. Tôi giữ lại như một liệu pháp tâm lý cho mình, để biết mình cũng có quê nhà, để thi thoảng lại “về thăm quê” cho đỡ nhớ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.