'Bên này địa đàng': Những tương đồng và đối nghịch với đời thực của Fitzgerald

16/05/2023 20:05 GMT+7

Nổi tiếng với cuốn tiểu thuyết Đại gia Gatsby, thế nhưng ít người biết rằng ngay từ tác phẩm đầu tay Bên này địa đàng, F.S.Fitzgerald đã là một ngôi sao sáng được cả nước Mỹ hân hoan chào đón.

Mang theo dáng dấp của một tác phẩm bán tự truyện, thông qua Bên này địa đàng, ta sẽ thấy được một thời đại jazz bùng nổ với những nghịch lý và đầy tổn thương.

'Bên này địa đàng': Những tương đồng và đối nghịch đời thực của Fitzgerald - Ảnh 1.

Tiểu thuyết đầu tay Bên này địa đàng của F.S.Fitzgerald

Rainbow Books

Thế hệ hoài nghi

Tác phẩm xoay quanh nhân vật Amory Blaine cũng như hành trình tìm kiếm tình yêu, danh vọng của chàng trai ấy khi bước vào đời ở tuổi trưởng thành. Sinh trưởng trong một gia đình giàu có, ngay từ lúc nhỏ, cậu đã là một thiếu gia nhiều người ngưỡng mộ. Được sự o bế của một người mẹ vô cùng “khác biệt”, cậu sống với một niềm tin rằng mình đặc biệt, để rồi mang nó vào đời sau này, trước khi nhận ra mọi thứ chỉ là phù du.

Là một tác phẩm xoay quanh thế hệ tuyệt vọng thuộc thời hậu chiến, Fitzgerald đã xây dựng nên hình tượng nhân vật vô cùng điển hình. Đó là một người với ngoại hình đẹp, có trí thông minh…  nhưng nhìn chung khá nhợt nhạt. Ở Bên này địa đàng, Fitzgerald cũng đã dựng nên những điểm tham chiếu, để ta thấy rằng ngoài dáng vóc, Amory xét về căn bản trống rỗng bên trong.

Trong khi những chàng thanh niên ở Princeton để lại rất nhiều dấu ấn có phần đặc biệt, thì Amory vẫn luôn lận đận trên con đường tìm đến hào quang. Cậu thấy mình thua sút Humbird - thiếu gia của nhà tài phiệt, tham chiếu về sự giàu có, độ chịu chơi và Burne - người có tài năng và óc xét đoán, luôn luôn biết cách đi trước thời đại… Từ một cá nhân những tưởng bản thân cực kỳ ưu tú, Amory nhanh chóng nhận ra mình cũng chỉ là một con chốt thí, là một đại diện “có xác không hồn” của thời đại mình, nhờ nhờ, nhạt nhạt và không có được những cá tính riêng.

Phân đoạn Fitzgerald miêu tả cậu ở Princeton và những nỗi sầu tuyệt vọng dường như là nguồn cảm hứng cho cuốn tiểu thuyết Thăm lại Brideshead của nhà văn nước Anh, Evelyn Waugh sau này. Ở hai tác phẩm, ta có thể thấy được sự tương đồng giữa hai nhân vật, cũng như những sự chuyển biến chính trong nội tâm của cả hai người, đối với rất nhiều vấn đề, từ gia đình, tình cảm cho đến những cơn biến động trong lòng xã hội.

Nếu Waugh tập trung khai thác cấu trúc của một gia đình gần như mộ đạo lên đến cực đoan, thì ở Bên này địa đàng, Fitzgerald tập trung nhiều hơn vào tình cảm, khi qua những người phụ nữ lướt ngang đời mình, Amory dần dần ngã gục và không khả năng nào có thể hồi phục, cả sự nghiệp, tình yêu cho đến vinh quang… 

Ở tác phẩm này, thiếu gia họ Blaine kinh qua đến 4 mối tình, nhưng rồi tất thảy đều không thành công. Nếu Isabelle là một cô nàng có phần nông nổi, thì Eleanor, Clara và Rosalind đều là những điểm tham chiếu của Amory. Chính những người này sở hữu rất nhiều tính cách mà anh không thể có được. Anh không đạo hạnh như là Clara, cũng không kiên quyết như Eleanor, và rồi cuối cùng là vì gia cảnh mà cũng mất đi nàng Rosalind mình hằng yêu mến.

Tương tự Waugh, trong tác phẩm này, Fitzgerald cũng xây dựng thêm hình tượng nhân vật chính là Đức cha Thayer Darcy, như một ánh xạ để Amory có thể đối thoại với tuổi trung niên của bản thân mình. Tuy không mang tính phản tôn giáo như tác phẩm của nhà văn người Anh,  nhưng trong tác phẩm này, ta có thể thấy đến cuối cùng cũng không còn yếu tố nào có thể giúp Amory. Sau rốt chỉ còn lại một người thấu suốt cuộc đời mình, nhưng không thay đổi hay làm được gì để cải thiện nó.

'Bên này địa đàng': Những tương đồng và đối nghịch đời thực của Fitzgerald - Ảnh 2.

Fitzgerald và vị hôn thê Zelda

Wall Street Journal

Dấu ấn đầu tay

Có thể do là tác phẩm đầu tay, nên cuốn tiểu thuyết có nhiều tương đồng với chính cuộc đời của Fitzgerald. Phần lớn nhân vật đều là phản ảnh những cá nhân có thật ngoài đời. Trong đó Rosalind chính là Zelda Sayre - tình nhân và là người vợ sau này của Fitzgerald. Có chuyện rằng trước khi đồng ý đi đến hôn nhân, Fitzgerald cũng không phải là đối tượng Zelda hướng đến, do không đảm bảo được khoản thu nhập và đủ khả năng lo cho cuộc sống của cả hai người.

Tuy vậy nếu Amory trong cuốn sách này hiện lên với vẻ thất bại, thì Fitzgerald ở ngoài đời thực đã rất thành công để cưới Zelda về với mình, bằng chính… thành công của cuốn sách này. Theo đó, nhờ vào thành tích của Bên này địa đàng mà Fitzgerald nhanh chóng trở thành một nhà văn lớn chỉ sau một đêm, và liền sau đó tiền tài cũng như danh tiếng ập đến với ông. Chính bằng khoản hậu hĩnh này mà cuộc hôn nhân giữa hai người họ đã được xác lập chỉ sau một tháng cuốn sách ra đời.

Nhiều nhà nghiên cứu cũng chỉ ra rằng động cơ phát hành cuốn sách của Fitzgerald phần lớn là nhằm để cưới được Zelda. Theo đó, cuốn sách không có cấu trúc thông thường, mà gồm nhiều hình thức được sắp xếp lại, từ văn xuôi, thơ, kịch sân khấu cho đến thư tịch cũng như phương pháp viết dòng suy tưởng. Trong đó khá nhiều ý tưởng đã từng xuất hiện trong các truyện ngắn, và lần viết này, việc duy nhất Fitzgerald làm là tìm cách liên kết lại chúng, từ những tác phẩm từng sẵn có.

Do đó, có thể thấy trong Bên này địa đàng nhiều hình tượng rất có giá trị bị bỏ qua, không được khai thác cho đến tận cùng. Một trong số đó là các yếu tố kỳ ảo, khi Fitzgerald xây dựng cái chết của chàng Humbrid và những bóng ma vẫn thường ám ảnh lấy Amory xuyên suốt sau đó. Đây là một ý đồ có nhiều gợi mở, nhưng chàng Fitzgerald vào giai đoạn đó chỉ mong nhanh chóng xuất bản sách, đã bỏ qua chúng một cách đáng tiếc.

Dẫu vậy, các chương cuối cùng cũng đánh dấu bút lực của một nhà văn vô cùng cuồng nhiệt, khi dành hết sự quan tâm cho các vấn đề mang tính xã hội, đi từ triết học, chính trị, cho đến thừa nhận được sự thất bại của bản thân mình. Từ một đứa con sinh ra trong lòng tư bản, rồi cũng bị “giết” chính bởi giá trị của đồng tiền, với Amory, hành trình của anh là việc đi vào đêm tối, khi biết dù không mang lại kết quả thì vẫn cố gắng, để rồi cuối cùng chỉ còn lại sự bất lực...

Vị tiểu thuyết gia đã rất thành công khi tái hiện cuộc sống phóng túng của lớp trí thức ở giai đoạn đó. Có thể thấy, với Bên này địa đàng, Fitzgerald đã viết nên một câu chuyện điển hình và đầy suy tư của thế hệ ấy. Tuy chưa hoàn hảo từ đầu đến cuối, nhưng Bên này địa đàng cũng là dấu chỉ cho một sự nghiệp đồ sộ sau này, với những miêu tả về một tầng lớp ủ ê và đầy hoài nghi vô cùng sống động.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.