Bất cập quản lý khai thác cát

08/08/2014 10:54 GMT+7

Đợt kiểm tra gần đây của cơ quan chức năng cho thấy nhiều bất cập trong quản lý hoạt động khai thác cát trên địa bàn Đắk Lắk.

Bất cập quản lý khai thác cát
Một điểm khai thác cát trên sông Krông Ana - Ảnh: Trung Chuyên

Không có giấy phép vẫn khai thác

Trên hai nhánh sông Krông Nô và Krông Ana, đầu nguồn của con sông Sêrêpốk hùng vĩ, là những công trường khai thác cát tấp nập trong nhiều năm qua. Hàng ngày, hàng chục thuyền máy, sà lan xuôi ngược, chọc vòi hút cát, tiếng máy nổ liên tục ầm ĩ trên những quãng sông dài. Chủ các phương tiện này phần lớn ở H.Krông Ana (Đắk Lắk).

Trên một đoạn sông Krông Nô 8,5 km, có 6 đơn vị cùng khai thác cát là Doanh nghiệp tư nhân (DNTN) Trung Thiện, Hợp tác xã (HTX) Đoàn Kết, HTX Quyết Thắng, DNTN Đức Tài, các công ty TNHH Gia Thịnh và Hoàng Giang. Cuối tháng 6, khi đoàn kiểm tra của Sở TN-MT Đắk Lắk đến làm việc, trong 6 đơn vị này chỉ DNTN Trung Thiện và HTX Đoàn Kết có giấy phép hoạt động khai thác cát do UBND tỉnh cấp, 4 đơn vị còn lại khai thác “chui”. Trên khu vực dài gần 9 km của sông Krông Ana được cấp phép khai thác cho DNTN Minh Lợi nhưng qua kiểm tra có thêm hai hộ cá thể khác khai thác không phép.

Theo ông Bùi Thanh Lam, Giám đốc Sở TN-MT Đắk Lắk, khối lượng cát khai thác hàng năm theo báo cáo của các DN nhỏ hơn rất nhiều lần so với thực tế, gây thất thu thuế cho Nhà nước. Chẳng hạn, DNTN Sông Núi báo cáo khối lượng khai thác từ thời điểm cấp phép (cuối năm 2009) đến ngày 1.4.2014 chỉ 7.998 m3, nhưng qua kiểm tra thực tế, đơn vị này có 2 tàu hút cát, mỗi tàu sức chứa 45 m3, công suất mỗi tàu tính ra 1.800 m3/tháng, 2 tàu là 3.600 m3/tháng. Kiểm tra đối với các đơn vị khác như DNTN Trung Thiện, DNTN Đức Tài, HTX Quyết Thắng, kết quả cũng cho thấy khối lượng ghi trong sổ sách thấp hơn nhiều so với khối lượng khai thác thực tế.

Ngoài ra, các đơn vị khai thác cát trên địa bàn H.Krông Ana chưa chấp hành nhiều quy định của Nhà nước trong lĩnh vực này như không đăng ký, đăng kiểm các phương tiện khai thác với cơ quan chức năng. Hiện có 32 tàu, sà lan của 8 đơn vị không đăng ký, đăng kiểm; nhiều đơn vị không thực hiện ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường; sử dụng đất không đúng mục đích…

Xử phạt còn nhẹ?

Trên cơ sở kiểm tra thực tế, cuối tháng 7 vừa qua, Thanh tra Sở TN-MT Đắk Lắk đã ra quyết định xử phạt 7 đơn vị hành nghề khai thác cát, gồm: các DNTN Minh Lợi, Đức Tài, Trung Thiện; các HTX khai thác cát Phúc Lợi, Đoàn Kết, Quyết Thắng (H.Krông Ana) và Công ty CP vật liệu xây dựng Tây Nguyên (TP.Buôn Ma Thuột). Trong số này chỉ có HTX Đoàn Kết bị phạt 6,5 triệu đồng; còn lại có mức phạt từ 15 - 20 triệu đồng, tổng số tiền phạt các đơn vị 116,5 triệu đồng. Vi phạm của các đơn vị trên chủ yếu về thủ tục như: khai thác khoáng sản không có giấy phép, bổ nhiệm giám đốc điều hành mỏ không đúng tiêu chuẩn quy định, hoặc không có giám đốc điều hành mỏ...

Nhiều ý kiến cho rằng mức phạt nói trên còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe, nhưng theo ông Phạm Duy Toản, Chánh thanh tra Sở TN-MT Đắk Lắk, mức phạt phù hợp với hành vi vi phạm đã được Nhà nước quy định. Theo ông Toản, điều đáng nói là nhiều DN khai thác cát cố tình không thực hiện các quy định pháp luật. Thậm chí một số đơn vị bị UBND H.Krông Ana xử phạt vi phạm hành chính vào cuối năm 2013 nhưng vẫn không chấp hành nộp phạt, đến tháng 7.2014 tiếp tục bị Thanh tra Sở TN-MT ra quyết định xử phạt.

“Trên thực tế nạn khai thác cát lậu vẫn diễn ra ở một số địa phương, làm thất thoát tài nguyên, thất thoát nguồn thu ngân sách nhưng chưa được chấn chỉnh. Cần có sự phối hợp của ngành giao thông vận tải để thực hiện đăng ký, đăng kiểm tàu thuyền khai thác cát; chính quyền địa phương phải thường xuyên giám sát các đơn vị hành nghề thực hiện quy định của pháp luật về đất đai, môi trường, thủ tục khai thác khoáng sản, xử lý nghiêm ngay từ đầu các hành vi vi phạm, không để kéo dài”, ông Toản nhìn nhận.

Trung Chuyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.