Bảo tồn chèo cổ hay chèo mới?

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
24/11/2023 06:46 GMT+7

Chúng ta sẽ bảo tồn chèo cổ hay chèo cải tiến, chèo mới khi muốn tôn vinh nghệ thuật chèo của đồng bằng sông Hồng? Vấn đề này được trao đổi trong hội thảo quốc tế về chèo ngày 23.11.

Chèo cổ, chèo mới, chèo kinh điển, chèo ứng tác

TS Barley Norton (ĐH London, Anh) đã đưa ra hành trình nhiều chặng đường của chèo trong hội thảo khoa học quốc tế "Bảo vệ và phát huy giá trị di sản trình diễn dân gian và nghệ thuật chèo trong xã hội đương đại", tổ chức ngày 23.11 tại Thái Bình. Theo đó, đã có những thời kỳ chèo được thay đổi, được "canh tân" có chủ đích. Đó là thời kỳ của những năm 1970 khi có cả ban nghiên cứu chèo, và những cải cách chèo của nghệ sĩ Trần Bảng mà sau này còn được gọi là "chèo cải tiến".

Bảo tồn chèo cổ hay chèo mới? - Ảnh 1.

Hình ảnh nhân vật Súy Vân được TS Barley Norton đưa vào tham luận

CHỤP MÀN HÌNH

TS Barley Norton cho biết năm 1976 đã có ấn phẩm in lại nội dung những vở chèo như Kim Nham, Chu Mãi Thần, Từ Thức, Súy Vân. Đó cũng là các nội dung đã được kinh điển hóa cho các tác phẩm chèo thế kỷ 20. "Ví dụ Súy Vân có những lời nói dễ thông cảm hơn, cũng có tiếng nói phản kháng hơn với chế độ đa thê, để phù hợp với luật Hôn nhân gia đình 1959", TS Barley Norton nói.

Theo TS Barley Norton, những thay đổi, ghi chép, in ấn như vậy dẫn đến việc "chèo được đưa vào kinh điển hóa, thay vì việc biểu diễn dựa trên nội dung ứng khẩu". Ông nêu câu hỏi: Liệu một tập hợp những bài bản chèo được kinh điển hóa như thế sẽ là di sản phi vật thể, hay là sự ứng khẩu mới là di sản phi vật thể cần được tôn vinh?

"Những thay đổi này sẽ liên quan đến kỹ năng biểu diễn khác nhau. Nó cũng liên quan đến việc ta có nên kinh điển hóa các kịch bản chèo như vậy không. Rồi điều gây tranh cãi trong thế kỷ 20, cái được gọi là chèo mới, có được coi là di sản phi vật thể hay không? Như vậy, Súy Vân, Kim Nham, hay cả những nội dung không phải cổ điển như thế có phải di sản không?", TS Barley Norton đặt câu hỏi.

GS Peter Larsen, ĐH Geneva (Thụy Sĩ), lại đặt vấn đề về việc thực hành chèo trong không gian khác với không gian truyền thống. Ông liên hệ với việc trình diễn trang phục của Đạo Mẫu ở TP.Huế từng gây tranh cãi trong giới nghiên cứu. Một bên cho rằng không được đưa Đạo Mẫu ra khỏi không gian thiêng, một bên cho rằng vẫn có thể chấp nhận được.

Quan điểm này cũng có điều tương đồng với TS Barley Norton. Theo đó, TS Norton băn khoăn về việc liệu có nên bảo tồn chèo với tư cách một di sản phi vật thể. Vấn đề này được đặt ra vì chúng ta muốn coi trọng tính đa dạng của các loại hình cũng như khả năng tự do trong sáng tạo.

TS Barley nói: "Có người nói đổi mới như thế thì có khác gì phá chèo. Đã từng có quan điểm nên đổi mới chèo theo cách "xôi đỗ", tức là cân bằng giữa các cách thể hiện. Chúng ta vẫn cần những bài bản được thể hiện theo cách truyền cảm hứng cho ứng khẩu nhiều hơn, so với bài bản cũ đã cố định về lời văn".

Nuối tiếc tính dân gian

PGS-TS Hà Thị Hoa, Trường ĐH Sư phạm nghệ thuật T.Ư, rất lưu ý về giá trị dân gian của chèo. Theo bà Hoa, các nghệ nhân cũng như các làng chèo khác nhau có những cách nhấn nhá khác nhau khi hát một làn điệu. Đặc biệt, nếu so sánh cách hát này với cách hát bài bản ở các đoàn chèo chuyên nghiệp sẽ rất khác nhau. PGS-TS Hoa, vốn là người con của làng chèo Khuốc (Thái Bình), đã biểu diễn một vài câu chèo với cách khác nhau, cách của làng chèo và cách của nghệ sĩ các đoàn chèo chuyên nghiệp. Bà nói sau khi hát: "Cách của các nghệ nhân hát, tôi đố ai ký âm được. Chèo phải giữ được tính dân gian của nó, không thì sẽ mất chèo. Chèo cần được đào tạo theo cách dân gian hóa".

Bảo tồn chèo cổ hay chèo mới? - Ảnh 2.

Làng chèo Khuốc (Thái Bình) vẫn giữ được nhiều bài bản chèo cổ

TRINH NGUYỄN

NSND Trần Quốc Chiêm, nguyên Phó giám đốc Sở VH-TT Hà Nội, lưu ý về việc các nghệ nhân biểu diễn chèo. Theo ông, rất cần chú ý các chi tiết. Ví dụ, khi các nghệ nhân làng chèo biểu diễn Xã trưởng mẹ Đốp thì nhân vật mẹ Đốp đó không nên sơn đỏ móng chân, móng tay, hay đeo hoa tai vàng, vì đó là nhân vật nghèo đang mặc quần áo vá…

TS Nguyễn Thu Trang, Cục Di sản văn hóa (Bộ VH-TT-DL), nêu quan điểm: "Việc xây dựng hồ sơ trình UNESCO đồng nghĩa với việc thực hiện đúng tinh thần Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể. Tinh thần đó là cộng đồng đóng vai trò chủ chốt trong việc quyết định những yếu tố cần bảo vệ của di sản, quyết định các biện pháp, mức độ bảo vệ và phát huy di sản của họ. Các nhà quản lý, nghiên cứu hay các nghệ sĩ, cộng đồng ngoài chủ thể không thể áp đặt, ép buộc cộng đồng phải đưa di sản của họ ra trình diễn hay diễn giải theo cách của người bên ngoài".

Về việc bảo tồn chèo nào, giá trị chèo nào, GS-TS Nguyễn Thị Hiền, Khoa Các khoa học liên ngành (ĐH Quốc gia Hà Nội), cho rằng ngày nay ngoài lễ hội ở đình làng, chùa làng, sân khấu chính, các câu lạc bộ (CLB) chèo còn tổ chức phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương. Các CLB chèo hoạt động mạnh mẽ cũng nói lên tâm hồn người Việt. Đó là những người hầu như chưa qua một trường lớp nghệ thuật nào nhưng họ luôn hết mình hoạt động để phục vụ đời sống tinh thần cho chính họ và cho nhân dân địa phương…

GS-TS Hiền đánh giá: "Chèo là một loại hình trình diễn dân gian, sân khấu dân gian luôn thích ứng với bối cảnh để tồn tại và phát triển, vì chèo là một phần không thể thiếu của đời sống văn hóa người Việt ở Bắc bộ". 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.