Bảo tàng từ vẻ đẹp những vật dụng hằng ngày

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
10/04/2024 07:00 GMT+7

Chuyên gia nghề thủ công Vũ Huy Thiều cho biết, từ những năm 1990 ông đã đề nghị mở Bảo tàng Thủ công mỹ nghệ mà không được.

Ông Vũ Huy Thiều tần ngần khi cầm trên tay cuốn sách Vẻ đẹp của những vật dụng hàng ngày (NXB Lao động). Cuốn tiểu luận của triết gia Nhật Soetsu Yanagi nói về những triết lý trong các đồ thủ công mỹ nghệ Nhật Bản, về Bảo tàng Thủ công mỹ nghệ Nhật Bản. Ông Thiều nói: "Tôi và anh Văn (nhà thiết kế Lê Huy Văn - nguyên Phó hiệu trưởng Trường ĐH Mỹ thuật công nghiệp) theo đuổi từ 1985, kiến nghị thành lập một Bảo tàng Thủ công mỹ nghệ mà không ai nghe cả, ai cũng chê là thủ công có cái gì mà thành lập bảo tàng".

Chuyên gia nghề thủ công Vũ Huy Thiều trăn trở: "Đến bây giờ đồ thủ công mỹ nghệ của chúng ta mất đi quá nhiều. Nếu có vào bảo tàng, không bao giờ chúng ta tìm được những hiện vật đó nữa. Nếu nhà nước không quan tâm đến thủ công mỹ nghệ thì các làng nghề rồi cũng mai một hết. Nhà nước không quan tâm thì các làng thủ công mỹ nghệ cứ sản xuất theo mẫu nước ngoài".

Bìa cuốn sách Vẻ đẹp của những vật dụng hàng ngày in tại VN chọn hình chiếc cốc uống bia được thiết kế bởi ông Lê Huy Văn

Bìa cuốn sách Vẻ đẹp của những vật dụng hàng ngày in tại VN chọn hình chiếc cốc uống bia được thiết kế bởi ông Lê Huy Văn

LAITA DESIGN CUNG CẤP

Một chi tiết thú vị, cuốn sách Vẻ đẹp của những vật dụng hàng ngày in tại VN chọn hình bìa là chiếc cốc uống bia "huyền thoại" vốn được thiết kế bởi ông Lê Huy Văn từ gần 50 năm trước (ảnh). Chiếc cốc quá quen thuộc ở các quán bia hơi Hà Nội này là một thiết kế đẹp giản dị, tiện dụng và có thể sản xuất thủ công với giá phải chăng. Những người làm ra loại cốc này là thợ thủ công thổi thủy tinh. Vì thế, việc chiếc cốc uống bia xuất hiện trên bìa chính là tôn vinh cùng lúc làng nghề và công lao của những nhà thiết kế.

Chuyên gia nghề thủ công Vũ Huy Thiều cho biết, thủ công mỹ nghệ không chỉ là vấn đề kinh tế, vấn đề giải quyết việc làm mà còn là vấn đề xã hội, là truyền thống dân tộc. Vì thế, người Nhật vẫn giữ nghề thủ công mỹ nghệ, từ rèn kiếm đến lợp mái ngói, dù đã sản xuất được những xe ô tô hiện đại. "Có lẽ nhà nước phải quan tâm chứ cứ để làng nghề bắt chước hàng nước ngoài thì chả đi đến đâu. Nghề thủ công không chỉ là kinh tế mà còn là truyền thống", ông Thiều nhìn nhận.

Điều mà ông Thiều nói cũng đã được viết trong cuốn sách Vẻ đẹp của những vật dụng hàng ngày. Theo đó, sách ca ngợi các kỹ thuật dệt, kỹ thuật gốm… cổ xưa; chia sẻ về việc Bảo tàng Thủ công mỹ nghệ Nhật Bản đã tôn vinh thẩm mỹ Nhật Bản như thế nào… "Không có sự sao chép phương tây mù quáng, cũng không bị quan điểm hiện đại làm cho sai lệch. Nhờ đó, bảo tàng luôn thu hút lượng lớn khách nước ngoài", sách có đoạn đề cập.

Thậm chí, tác giả cuốn sách còn đánh giá: "Chính tại bảo tàng này, chúng ta có thể thực sự nhìn thấy cuộc sống của những người Nhật Bản bình thường".

Có lẽ từ cuốn sách Vẻ đẹp của những vật dụng hàng ngày cũng như từ những trải nghiệm về nghề thủ công của nhiều chuyên gia thiết kế, cần nghĩ đến việc làm sao để nghề thủ công mỹ nghệ VN được chú ý hơn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.