'Bãi lụi' thu bộn tiền đậu xe

11/02/2023 06:56 GMT+7

Trong thời gian chờ đợi TP.HCM ì ạch giải bài toán bãi đậu xe công cộng và quản lý vỉa hè, lòng đường thì rất nhiều bãi đậu xe lụi, người giữ xe tự phát đang hằng ngày thu về khoản lợi bất chính không hề nhỏ.

Đậu xe 15 phút, trả 100.000 đồng

Sáng 9.2, tại đường Nguyễn Văn Chiêm (Q.1), dọc dài ô tô xếp hàng ngay ngắn chiếm trọn quá nửa mỗi làn xe ở cả hai chiều. Highlands Coffee, Trung Nguyên Coffee, Cà phê Ông Bầu, Phở 24… hàng chục quán ăn, quán cà phê nổi tiếng vây quanh khu vực đẹp nhất TP nên Nguyễn Văn Chiêm trở thành "điểm ngắm" tuyệt vời cho các chủ phương tiện. Đường Nguyễn Văn Chiêm nằm sát bên hông khu Trung tâm thương mại Diamond, cách bãi giữ xe rất lớn trên đường Lê Duẩn chỉ vài trăm mét nhưng các tài xế vẫn "chuộng" đậu xe trên lòng đường dù nơi đây cấm dừng, đỗ. 

Theo lý giải của anh T.Toàn (một vị khách quen của Highlands Coffee dưới tòa nhà Diamond) thì "đậu đây vừa tiện, vừa không tốn tiền". Một tuần khoảng 3 - 4 lần có công việc loanh quanh khu vực này, anh Toàn đều để xe ở đường Nguyễn Văn Chiêm nếu còn chỗ trống. Anh bảo: "Đậu đoạn trên này (đoạn giao Phạm Ngọc Thạch) thì không mất phí nhưng dưới kia (đoạn giao Hai Bà Trưng) chỗ gần quán phở thì bảo vệ có thu tiền - 50.000 đồng. Họ có đưa phiếu đấy, nhưng trông giống phiếu tự thu, cũng chẳng biết đóng tiền cho quán hay cho ai".

“Bãi lụi” thu bộn tiền đậu xe - Ảnh 1.

Xe đậu "lụi" trên vỉa hè Q.1

H.MAI

“Bãi lụi” thu bộn tiền đậu xe - Ảnh 2.

Ô tô đậu trái phép, lấn chiếm lòng đường khu vực trung tâm TP.HCM

H.MAI

Ngồi trong xe và bật đèn hiệu tạm đỗ, ông Tuần, tài xế chiếc Innova 7 chỗ đang đậu trên đường Alexandre de Rhodes, cho biết: Nếu đi công việc nhanh thì ông sẽ canh chỗ trống trên đường để đậu tạm, còn nếu đi chơi cùng gia đình thì sẽ tìm các trung tâm thương mại, gửi xe rồi đi lang thang cả ngày. "Có lần sang bên Thủ Đức gặp đối tác tại văn phòng của họ, vừa vào được 15 phút, ra lấy xe thì có người đến "xin" 50.000 đồng tiền gửi xe. Đấy là bảo vệ của quán nhậu bên cạnh, ai đến để xe gần khu vực đó cũng mặc định được trông xe "ké" và phải trả tiền dù không ai nhờ trông giữ. Mấy đường khu vực trung tâm này đỡ hơn, lúc có lúc không, nói chung là hên xui", ông Tuần kể.

Chị Quỳnh Loan (ngụ Q.3) là một trong số những trường hợp xui mà ông Tuần vừa nhắc tới. Hẹn bạn tại một quán ăn trên đường Bùi Viện (Q.1), dừng ô tô chỗ giao lộ Cống Quỳnh - Bùi Viện chưa tới 1 giờ đồng hồ nhưng chị Loan phải "cắn răng" trả 100.000 đồng. Một người chạy đến hướng dẫn lái xe đến chỗ đậu rồi ra giá: "Giờ này 100.000 đồng/lượt", trong khi tuyến đường không có biển báo bãi giữ xe của đơn vị nào, cũng không niêm yết giá. Chỉ vài ngày sau, khi đến uống cà phê buổi tối trên đường Hàn Thuyên (Q.1), gần Nhà thờ Đức Bà, chị Loan đậu xe trên đường Nguyễn Du cũng có bảo vệ mấy nhà hàng gần đó đến thu 50.000 đồng/lượt. Khi chị tỏ ý bất bình vì giá vé "trên trời", không gửi cũng phải trả tiền thì người này bỏ đi. Song, khi về tới nhà, chị phát hiện toàn bộ khung xe bị tạt đất cùng một vài vết xước nhỏ.

Bãi xe ngầm "chết yểu"

Thực tế, câu chuyện "loạn" giá giữ xe ở TP.HCM không phải mới. Từ những năm 2017, khi TP khống chế mức phí giữ ô tô là 1,5 triệu đồng/tháng, 10.000 đồng/lượt thì các chủ phương tiện đã phải trả từ 30.000 - 100.000 đồng giá gửi xe ở nhiều tuyến đường khu vực trung tâm. Cũng một phần do giá giữ xe theo quy định quá rẻ nên các nhà đầu tư không mặn mà gì với các đề án bãi đậu xe ngầm, dẫn đến vòng luẩn quẩn người dân không có chỗ đậu lại phải trả giá cao đậu lề đường. Vì thế năm 2018, Quyết định số 35 của UBND TP về giá tối đa dịch vụ trông giữ xe đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách đã nâng mức giá niêm yết lên 5 triệu đồng với ô tô gửi theo tháng; 35.000 đồng/xe/lượt với 2 giờ đầu và 20.000 đồng/xe/lượt với các giờ tiếp theo. Mức giá xe tăng nhằm 2 mục đích: tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tư nhân đầu tư bãi giữ xe và hạn chế người dân sử dụng phương tiện cá nhân vào trung tâm TP. Thế nhưng đến nay, các bãi đậu xe ngầm theo quy hoạch vẫn "chết yểu", vỉa hè, lòng đường vẫn ngang nhiên bị lấn chiếm và người dân thì hằng ngày vẫn phải trả mức giá "vô tội vạ" cho những người, đơn vị trông xe lụi.

Từ đầu năm 2017 đến nay, hàng loạt "cuộc ra quân" của từng quận, huyện nhằm "giành lại vỉa hè cho người đi bộ" đã phần nào mang lại hiệu quả tích cực. Nhiều tuyến đường thông thoáng hơn, việc mua bán lấn chiếm một số nơi cũng đã được sắp xếp tương đối ổn định. Tuy nhiên, mặc dù nhận được nhiều sự đồng thuận, ủng hộ của người dân nhưng sau mỗi "cuộc ra quân", lòng đường, vỉa hè lại bị tái chiếm.

Mở rộng thu phí sử dụng lòng đường, vỉa hè

Ông Võ Khánh Hưng, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM, đánh giá : Về khách quan, nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế. Họ còn bị ảnh hưởng tập quán, tư duy "kinh tế mặt tiền", chưa thật sự tôn trọng pháp luật, chưa vì lợi ích chung của cộng đồng. Tâm lý muốn được thuận tiện nên dừng, đỗ xe sai quy định hoặc gửi xe ở các điểm lấn chiếm lòng đường, vỉa hè sai quy định phổ biến. Trong khi các bãi đỗ xe của các địa điểm công trình thường được bố trí ở tầng hầm hoặc cần sự hướng dẫn để có thể đến được nơi gửi xe.

Về nguyên nhân chủ quan, nhiều công trình được xây dựng tập trung đông người chưa đảm bảo về diện tích đỗ xe hoặc sử dụng diện tích đỗ xe vào mục đích thương mại khác. Nhiều quận, huyện không có đề án, phương án về quản lý, sử dụng lòng lề đường, vỉa hè. Công tác lập lại trật tự lòng đường, vỉa hè thường khoán cho lực lượng chức năng. Trong khi tính phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị chức năng trong cùng địa phương, giữa các địa phương, giữa địa phương với các đơn vị TP chưa cao, đặc biệt tại các khu vực giáp ranh của nhiều phường, nhiều quận. Ngoài ra, công tác xử lý các hành vi vi phạm chưa kiên quyết, "dễ làm, khó bỏ", nhất là ở cấp phường, xã, gây tâm lý so sánh ở người dân...

Theo ông Nguyễn Minh Hòa, Trưởng khoa Đô thị học, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM: Thu phí bao nhiêu cần phải có sự điều chỉnh linh hoạt với từng đối tượng, thuộc từng vị trí khác nhau, tránh trường hợp hộ kinh doanh nhỏ, ở khu ít người cũng phải chịu chung phí như hộ kinh doanh ở khu vực rộng, thu hút nhiều khách. Đồng thời, đảm bảo tôn chỉ ưu tiên đầu tiên phải dành cho giao thông.

Để giải quyết triệt để tình trạng này, mới đây, Sở GTVT đã trình UBND TP về việc rà soát hiện trạng hạ tầng giao thông đường bộ để xây dựng đề án thu phí sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố.

PGS-TS Nguyễn Minh Hòa, Trưởng khoa Đô thị học, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho biết việc cho phép sử dụng vỉa hè, lòng đường vào các mục đích khác nhau những khu vực phù hợp, có thu phí là cách làm đã và đang được áp dụng tại nhiều quốc gia trên thế giới. Mỹ cũng cho sử dụng vỉa hè để phục vụ các mục đích khác ngoài giao thông. Chính quyền sẽ ký bản cam kết với chủ nhà, tùy từng vị trí mà trả tiền sử dụng tương ứng. Chủ nhà cam kết phải bảo vệ, giữ gìn khu vực sử dụng sạch sẽ, bảo vệ cả cây xanh, nếu vi phạm sẽ phải đền, chịu xử phạt rất nặng. Thông thường, người sử dụng vỉa hè chỉ được dùng từ 1,2 - 1,5 m bề rộng để phục vụ mục đích khác, không được lấn chiếm thêm. 

Đối với hàng rong, phải tập trung vào các hẻm, quy định phải xe đẩy, vẽ các ô vuông vừa đủ với xe và quy định cho phép bán tại những khu vực, tuyến đường nào, được bán trong thời gian bao lâu. Chính quyền TP, địa phương phải thành lập bộ phận thường xuyên theo dõi, giám sát bằng hệ thống camera hoặc các phần mềm quản lý thông minh, xử phạt các trường hợp trái phép. Có thể gọi hình thức này là khoán vỉa hè lại cho người dân tự quản. Như vậy, vừa nâng cao ý thức người dân, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị chức năng quản lý.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.