Bài học từ khách Nga

15/12/2014 04:31 GMT+7

Chuyện rủi ro vì quá lệ thuộc vào một thị trường tăng trưởng nóng đã quá cũ, cũng đã được cảnh báo rất nhiều lần, nhưng lại đang xảy ra với Mũi Né và chắc chắn sẽ lan sang một số điểm du lịch chỉ tập trung vào khai thác du khách Nga mấy năm nay.

Chuyện rủi ro vì quá lệ thuộc vào một thị trường tăng trưởng nóng đã quá cũ, cũng đã được cảnh báo rất nhiều lần, nhưng lại đang xảy ra với Mũi Né và chắc chắn sẽ lan sang một số điểm du lịch chỉ tập trung vào khai thác du khách Nga mấy năm nay.

Du khách Nga giảm, hủy hợp đồng, cắt giảm chi tiêu... kết quả này thực tế không bất ngờ nhưng nó lại khiến nhiều điểm du lịch nổi tiếng trong nước trở tay không kịp. Có 2 lý do. Thứ nhất, mấy năm qua, họ chỉ tập trung để khai thác du khách Nga. Ở những nơi này, khách sạn, nhà hàng, resort... toàn tiếng Nga; những món ăn, đồ lưu niệm cũng được thực hiện phù hợp với văn hóa, sở thích, lối sống của người Nga. Đến mức bỏ quên nhiều thị trường khách truyền thống, thậm chí cả khách nội. Quan trọng nhất là bỏ quên cảnh báo của các nhà quản lý, các chuyên gia về việc phải đa dạng hóa thị trường khách để tránh rủi ro.
Thứ hai, đến khi Nga bị châu Âu cấm vận, thay vì phải nhanh chóng lên phương án tìm thị trường khách thay thế thì chúng ta lại cho rằng đó là cơ hội lớn để "hút" khách Nga từ châu Âu. Tâm lý lạc quan khiến các nhà làm du lịch nội địa "quên" rằng, đằng sau lệnh cấm vận luôn là khó khăn. Khi đó, người Nga sẽ thắt chặt chi tiêu, cắt giảm nhu cầu chứ không đơn giản là chuyển đi du lịch từ châu Âu sang... VN như chúng ta nghĩ và muốn. Vừa "bỏ hết trứng vào một giỏ" lại đánh giá sai tình hình, cái giá mà nhiều điểm du lịch phải trả chắc chắn sẽ không hề rẻ.
Câu chuyện của ngành du lịch một lần nữa thể hiện rõ tư duy thiếu chuyên nghiệp của rất nhiều ngành, nhiều doanh nghiệp nội địa tồn tại trong suốt cả chục năm qua. Còn nhớ khi bất động sản đang nóng, một phong trào đầu tư đã nổ ra. Ở đâu cũng thấy dự án, công trình, môi giới nhà đất... Khi chứng khoán lên ngôi thì nhà nhà chơi chứng khoán, người người chơi chứng khoán. Hậu quả là hàng loạt doanh nghiệp lao vào nghề tay trái đã chết; nhiều người thua lỗ, phá sản vì cổ phiếu mất giá còn thị trường bất động sản thì rơi vào tình trạng đóng băng.
Trong nước đã vậy, ra ngoài cũng không chuyên nghiệp hơn. Khi thị trường Mỹ mới mở cửa, hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu đều dồn vào đây mà không một cảnh báo nào có thể cản nổi. Những thị trường trong khu vực và người tiêu dùng nội địa bị gạt sang một bên. Nên mới dẫn đến nghịch lý, đồ gỗ trong nước "chạy" qua Mỹ còn người dân trong nước thì dùng toàn nội thất có xuất xứ từ Đài Loan, Hàn Quốc, Trung Quốc. Thế rồi cá basa mở màn cho hàng loạt hàng hóa VN bị kiện bán phá giá tại thị trường này, đeo đẳng đến tận bây giờ. Đặc biệt, đến khi khủng hoảng kinh tế xảy ra, rất nhiều công ty lao đao vì không dễ chuyển sang khai thác một thị trường mới để thay thế. Chẳng nói đâu xa, mới cách đây vài tháng những người trồng thanh long trong nước sống dở chết dở vì thị trường chính là Trung Quốc không "ăn hàng".
Nói vậy để thấy, những câu chuyện kiểu này rất nhiều, xảy ra ở khắp nơi, với nhiều doanh nghiệp, nhiều ngành nghề... nhưng có vẻ như không có bài học kinh nghiệm nào được rút ra.
VN hội nhập ngày càng sâu vào kinh tế thế giới. Đối thủ của chúng ta ngày càng nhiều các tên tuổi lớn, vừa mạnh về tài chính, giàu về kinh nghiệm và chuyên nghiệp trong phương thức. Nếu chúng ta vẫn kinh doanh theo phong trào, thiếu chiến lược bài bản và tầm nhìn dài hạn thì không chỉ khó cạnh tranh khi ra ngoài mà thị trường nội địa cũng khó giữ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.