Bài chính tả điểm 5

09/12/2013 02:50 GMT+7

Do không học chữ trước nhiều như các bạn trong lớp nên mẹ lo lắng khi cô giáo lưu ý: “Bé My đọc vo vo nhưng không biết đánh vần”. Thực tế là nhìn hình đoán chữ, tức “đọc mò”, còn chữ viết thì lên đèo xuống suối. Ngày thi gần kề, mẹ quyết định cả hai mẹ con cùng “chiến đấu" để con đi thi.

Do không học chữ trước nhiều như các bạn trong lớp nên mẹ lo lắng khi cô giáo lưu ý: “Bé My đọc vo vo nhưng không biết đánh vần”. Thực tế là nhìn hình đoán chữ, tức “đọc mò”, còn chữ viết thì lên đèo xuống suối. Ngày thi gần kề, mẹ quyết định cả hai mẹ con cùng “chiến đấu" để con đi thi.

 Chính tả
Minh họa: DAD

Đầu tiên, mẹ vào vai “học trò mẹ” để viết bài mẫu cho con, vừa đánh vần vừa nắn nót viết từng chữ một. Nhờ con vai cô giáo, để con tập đọc là chính. Con đọc một cách hào hứng.

Đọc chính tả cho “học trò mẹ” viết, cô giáo con cứ thấp thỏm sợ học trò mẹ viết sai, thỉnh thoảng đánh vần “mồi” sẵn giùm mẹ. Thỉnh thoảng, gật gù: đúng rồi! chính xác!

Kết quả, bài chính tả mẹ viết 24 chữ, cô giáo con chấm đến 22 lỗi sai nét. Cô giáo con giải thích: mẹ viết sai nhiều, đáng lẽ chỉ có 5 điểm thôi, nhưng mẹ ngồi lưng thẳng, vở không lem luốc, tập không quăn gáy, nên con cho 9 điểm.

Mình không ngờ khi vào vai "học trò mẹ" lại bất ngờ đến vậy. Bài viết mẫu, mẹ còng lưng nắn nót chỉ đáng 5 điểm thôi sao?!

Tại sao bạn không thử vào vai “học trò ba - mẹ”? Thử cầm bút chì lên, ngồi vào cái ghế nhỏ xíu của con: tập viết chính tả, bạn sẽ trải nghiệm con chúng ta vào vai bố mẹ tuyệt vời hơn chúng ta như thế nào!

Bởi vì:

- Cô giáo con luôn dịu dàng và kiên nhẫn suốt buổi học. Cô giáo con luôn quan tâm đến cảm xúc của học trò: “Mẹ học vậy mẹ thấy sao? Có chỗ nào mẹ không hiểu không?”…

- Đánh giá đúng trình độ học trò, khích lệ kịp thời đối với “học sinh yếu”: “Viết sai thì viết lại, mẹ đừng buồn!”, “Buổi sau, mẹ nên viết tập chép trước, tập chép dễ hơn!”…

- Giải thích cặn kẽ: phân tích từng chữ sai (nào là móc chữ I không được nhọn, chữ h phải ở đường kẻ đậm, nét dừng bút không có…), viết mẫu lại chữ đúng, so sánh rồi đặt câu hỏi: “Mẹ thấy chữ nào đẹp hơn?”…

- Luôn bình tĩnh trước các câu hỏi bắt bí của học trò: “Bài nhiều lỗi vậy mà cô giáo chấm 9 điểm? Có thiên vị mẹ không đó?”, trả lời: “Có chứ! Vì lần đầu tiên mẹ tập viết mà!”. “Chữ đầu tiên mà không viết hoa là sai rồi?”, trả lời: “Con chưa dạy mẹ viết chữ hoa thì làm sao mẹ biết viết, mẹ cứ viết chữ thường cho đẹp trước đã!”…

Ở vai trò cô giáo - bé sẽ thể hiện lại hình ảnh của cô giáo hoặc của ba mẹ, giúp chính người lớn mình nhận diện được nhiều vấn đề.

Và quan trọng là suốt buổi học "cô giáo con" không có một tiếng hét hay lời quát nạt nào như người lớn chúng ta đôi khi vẫn thể hiện mỗi lần thôi kiên nhẫn. 

Hoàng Thắng

>> Bi hài… chính tả
>> Nỗi lo chính tả
>> Báo động đỏ chính tả

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.