Bác sĩ chỉ ra những bệnh thường gặp khi trời nắng nóng gay gắt

Lê Cầm
Lê Cầm
28/02/2024 16:05 GMT+7

Nắng nóng gay gắt làm tăng nguy cơ bị sốc nhiệt, say nắng, cảm nắng, các bệnh về hô hấp, tiêu hóa, da.

Tại TP.HCM ngày 27.2 cường độ nắng nóng giảm nhẹ do có cơn mưa vào chiều tối. Tuy nhiên, theo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ nắng nóng vẫn tiếp tục gay gắt trong những ngày tới. Dự báo trong 24 giờ đến 48 giờ tới, nắng nóng xảy ra trên diện rộng.

>>> Những cách 'làm mát' cấp tốc nguy hiểm ngày nắng nóng

Nhiệt độ cao nhất ở miền Đông từ 35-37 độ C, có nơi trên 37 độ C; miền Tây có nơi trên 35 độ C. Thời gian nắng nóng trong ngày cao điểm khoảng từ 12 giờ đến 16 giờ. Trong 72 giờ đến 120 giờ tới, nắng nóng vẫn duy trì.

Cơ quan này cảnh báo, do ảnh hưởng của nắng nóng, độ ẩm trong không khí giảm thấp nên nguy cơ xảy ra cháy nổ, hỏa hoạn ở khu vực dân cư và cháy rừng. Ngoài ra, nắng nóng còn có thể gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột quỵ do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nhiệt độ cao.

Dưới đây là các bệnh thường gặp khi thời tiết nắng nóng, người dân cần lưu ý để phòng bệnh và giữ gìn sức khỏe.

Áo chống nắng crop-top, váy quây kháng tia UV... cháy hàng ngày nắng nóng

Cảm nắng, say nắng, các bệnh truyền nhiễm

Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Huỳnh Tấn Vũ, Đơn vị Điều trị Ban ngày, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - cơ sở 3, những ngày qua nắng nóng tăng cao tại TP.HCM và các tỉnh Nam bộ gây ảnh hưởng sức khỏe người dân. Khi đi lại, làm việc nhiều giờ trong điều kiện nắng nóng nhưng không uống đủ nước dễ dẫn đến các vấn đề sức khỏe như say nắng, say nóng thậm chí đột quỵ. Ngoài ra trong điều kiện thời tiết nắng nóng, độ ẩm cao khiến vi khuẩn sinh sôi dễ gây các bệnh truyền nhiễm do siêu vi như sốt xuất huyết, tay chân miệng... các bệnh về hô hấp.

"Thời tiết thay đổi thất thường, chênh lệch nhiệt độ ngày và đêm cao là nguyên nhân dễ dẫn đến hiện tượng sốc nhiệt gây nhiều biến chứng đột quỵ, nhất là vào những ngày nhiệt độ tăng cao", bác sĩ Vũ chia sẻ.

Bác sĩ chỉ ra những bệnh thường gặp khi trời nắng nóng gay gắt- Ảnh 1.

Nguy cơ say nắng, sốc nhiệt do nắng nóng

SHUTTERSTOCK

Các bệnh đường ruột, tiêu hóa

Bác sĩ chuyên khoa 1 Nguyễn Trần Như Thủy, Khoa Nội y học cổ truyền, chia sẻ miền Nam đang vào những ngày nắng nóng, không khí oi bức cũng như sự thay đổi đột ngột với những cơn mưa làm cơ thể chúng ta bị suy giảm sức đề kháng và đó cũng là nguyên nhân khiến cho nhiều loại vi khuẩn gây bệnh bùng phát, ảnh hưởng tới sức khỏe.

"Nhiệt độ duy trì ở mức cao dễ khiến đồ ăn nhanh hỏng do vi khuẩn phát triển nhanh. Điều này dễ khiến người có hệ miễn dịch kém mắc các bệnh như rối loạn tiêu hóa, táo bón, tiêu chảy, mất nước…, với các biểu hiện chán ăn, ăn không ngon miệng, đầy bụng, người bứt rứt, toàn thân nóng bứt, tiểu đậm màu...", bác sĩ Thủy chia sẻ.

Do đó, cần chú ý thực hiện ăn chín, uống sôi không nên ăn thức ăn lạnh vì sẽ không tốt cho hệ tiêu hóa. Đồ ăn phải được bảo quản kỹ và kiểm tra trước khi ăn để tránh tình trạng ăn phải thực phẩm ôi thiu, nấm mốc hoặc hư hỏng.

Các bệnh về da

Thạc sĩ - bác sĩ chuyên khoa 1, bác sĩ nội trú Trần Nguyễn Anh Thư, chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ da, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP.HCM, cho biết khi thời tiết thay đổi đột ngột, nắng nóng, độ ẩm cao gây nhiều ảnh hưởng trên da, làm tăng nhiệt độ da, thay đổi độ pH, tăng tiết mồ hôi và bã nhờn. Từ đó dẫn đến tắc nghẽn lỗ chân lông, dễ viêm da, rối loạn hệ vi sinh vật trên da (nấm, vi khuẩn) khiến da nhạy cảm hơn.

"Ngoài ra, các yếu tố môi trường khác như bụi, phấn hoa, ô nhiễm, hóa chất… dễ gây kích ứng da, tạo các phản ứng không có lợi, từ đó làm bùng phát các bệnh da liễu. Thời tiết nóng còn khiến lỗ chân lông giãn nở khiến cho bụi bẩn dễ dàng xâm nhập và tích tụ lại bít tắc lỗ chân lông tạo thành mụn", bác sĩ Thư phân tích.

Bác sĩ chỉ ra những bệnh thường gặp khi trời nắng nóng gay gắt- Ảnh 2.

Trẻ bị viêm da trong điều kiện thời tiết nắng nóng

BSCC

Trẻ em, người lớn tuổi, người có bệnh nền có tình trạng miễn dịch kém nên đề kháng kém trước sự thay đổi của môi trường bên ngoài. Đặc biệt, những người mang bệnh da sẵn có, mạn tính như viêm da cơ địa càng dễ tái phát.

Trẻ nhỏ đổ mồ hôi nhiều khiến các vùng như bẹn, mông, nách; các nếp gấp ở cổ, khuỷu tay, khoeo chân kém thông thoáng, ẩm ướt, thiếu vệ sinh càng dễ bị nhiễm nấm, rôm sảy, mụn, chốc, viêm da. Khi ngứa ngáy, trẻ gãi nhiều hơn là yếu tố nguy cơ làm nặng thêm tình trạng bệnh, như bội nhiễm (nhiễm thêm vi khuẩn, virus khác) hoặc khiến bệnh lan ra các vùng khác của cơ thể.

>>> Bài tiếp theo: Cách phòng ngừa các bệnh thường gặp mùa nắng nóng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.