Bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy thông tin về bệnh Marburg nguy cơ tử vong đến 88%

23/03/2023 10:19 GMT+7

Bệnh nhân mới nhiễm vi rút Marburg bắt đầu với các triệu chứng sốt, đau khớp, mệt mỏi, nhức đầu… Ngày thứ 5 trở đi, người bệnh Marburg rơi vào tình trạng nặng, nôn ói, tiêu chảy, có thể dẫn đến xuất huyết và suy đa tạng. Nguy cơ tử vong rất cao, lên đến 88%.

Bộ Y tế vừa phát đi thông báo giám sát người nhập cảnh (lưu ý những người nhập cảnh từ các quốc gia có dịch khu vực châu Phi trong vòng 21 ngày) để phát hiện sớm bệnh Marburg.

Theo TS-BS Phùng Mạnh Thắng, Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn - Bệnh viện Chợ Rẫy, Marburg không phải là loại vi rút mới, thường ký chủ trên loài dơi ăn quả, sau đó có thể lây truyền qua người và có mức độ nguy hiểm rất cao.

Bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy thông tin về bệnh Marburg - Ảnh 1.

TS-BS Phùng Mạnh Thắng

PHAN THU HOÀI

Nguồn lây vi rút Marburg

Theo bác sĩ Thắng, vi rút Marburg có thể lây nhiễm từ động vật sang người do tiếp xúc trực tiếp với chất dịch cơ thể của động vật nhiễm bệnh; hoặc lây truyền từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với máu và dịch tiết của người bệnh, các bề mặt nhiễm mầm bệnh.

Thời gian ủ bệnh dao động từ 2 - 21 ngày, bắt đầu với sốt cao, ớn lạnh, đau đầu dữ dội, đau cơ.

Khoảng ngày thứ 5 sau khi khởi bệnh, bệnh nhân có thể xuất hiện ban dát sẩn, nổi rõ nhất trên thân (ngực, lưng, bụng). 

Bên cạnh đó, các triệu chứng như buồn nôn, nôn, đau ngực, đau họng, đau bụng và tiêu chảy có thể xuất hiện. Các triệu chứng ngày càng trở nên nghiêm trọng và có thể bao gồm vàng da, viêm tụy, sụt cân nghiêm trọng, mê sảng, sốc, suy gan, xuất huyết ồ ạt và rối loạn chức năng đa cơ quan.

Bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy thông tin về bệnh Marburg - Ảnh 2.

Bệnh viện Chợ Rẫy cảnh giác cao độ bệnh Marburg

PHAN THU HOÀI

Tỷ lệ tử vong do bệnh Marburg từng ghi nhận từ 24% - 88%

Hiện nay, việc chẩn đoán lâm sàng gặp khó khăn do bệnh này có triệu chứng tương tự như các bệnh truyền nhiễm khác (sốt rét, thương hàn, sốt xuất huyết do Ebola…). Các ca bệnh Marburg có tỷ lệ tử vong cao (con số ghi nhận được trong các đợt bùng phát trước đây là 24% - 88%).

"Vi rút Marburg có mức độ nguy hiểm rất cao vì có thể gây tổn thương và tình trạng bệnh nặng. Bệnh nhân mới nhiễm có thể bị sốt, đau khớp, mệt mỏi, nhức đầu… Ngày thứ 5 trở đi, người bệnh có thể rơi vào tình trạng nặng, nôn ói, tiêu chảy, có thể dẫn đến xuất huyết và suy đa tạng. Nguy cơ tử vong rất cao, lên đến 80%", bác sĩ Thắng nhấn mạnh.

Xem nhanh 12h ngày 23.3: Diễn biến vụ ‘4 tiếp viên hàng không’ | Căng thẳng An Đông Plaza

Chưa có vắc xin dự phòng và thuốc đặc trị

Bác sĩ Thắng cho hay, loại vi rút này trên thế giới hiện vẫn chưa có vắc xin dự phòng. Nếu phát hiện ca bệnh nhiễm Marburg, các bác sĩ có thể điều trị bằng cách hỗ trợ nâng đỡ, bù máu khi bệnh nhân có tình trạng xuất huyết, chưa có phương pháp đặc trị.

Tuy đây là loại vi rút có mức độ nguy hiểm cao nhưng khả năng lây truyền thấp hơn một số loại vi rút khác như SARS-CoV-2 (không lây qua đường không khí).

Bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy thông tin về bệnh Marburg - Ảnh 3.

Khoa Cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy

DUY TÍNH

"Căn cứ tình hình diễn tiến của bệnh do vi rút Marburg, khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Chợ Rẫy khuyến cáo người dân cần nhận biết sớm loại vi rút này, tránh tiếp xúc với các loại động vật hoang dã có nguy cơ mang mầm bệnh, đặc biệt là loài dơi ăn quả. 

Bên cạnh đó, người dân tránh ăn những đồ ăn sống từ động vật hoang dã. Chủ động đến các cơ sở y tế thăm khám khi nghi ngờ nhiễm vi rút hoặc tiếp xúc với nguồn lây từ những người về Việt Nam từ khu vực Tây Phi", bác sĩ Thắng khuyến cáo.

Cảnh giác cao từ cấp cứu, phòng khám

Bác sĩ Thắng cũng cho biết thêm, đặc thù Bệnh viện Chợ Rẫy là tuyến cuối nên khả năng tiếp xúc với nguy cơ bệnh cao. Theo bác sĩ Thắng, trước thời điểm bùng phát dịch Covid-19, Bệnh viện Chợ Rẫy luôn chủ động xây dựng các quy trình hướng dẫn tiếp nhận bệnh từ 2 cửa quan trọng nhất là khu vực cấp cứu và phòng khám.

Các trường hợp nghi nhiễm được đưa đi cách ly ngay lập tức, sau đó tiến hành hội chẩn với các bác sĩ chuyên khoa về bệnh truyền nhiễm và kiểm soát nhiễm khuẩn, có các phương án chẩn đoán và điều trị bệnh nhân phù hợp.

Bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy thông tin về bệnh Marburg - Ảnh 4.

Bệnh nhân đi khám bệnh tại Bệnh viện Chợ Rẫy

PHAN THU HOÀI

Tại các khoa, phòng có khả năng tiếp nhận bệnh nhân nhiễm vi rút, bệnh viện tiến hành cảnh báo cho nhân viên về khả năng lây nhiễm của bệnh. Đồng thời tăng cường cảnh giác, phát hiện sớm các ca bệnh xâm nhập vào Việt Nam thông qua khai thác tiền sử dịch tễ và triệu chứng lâm sàng.

Bên cạnh đó, bệnh viện sẽ tăng cường vệ sinh các bề mặt hay tiếp xúc, các khoa có khả năng tiếp nhận bệnh nhân Marburg cần dự trù phương tiện phòng hộ cá nhân: áo choàng hoặc tạp dề dài tay, găng tay, khẩu trang, tấm chắn… Sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân khi tiếp xúc với ca nghi ngờ.

Vir rút Marburg là một loại RNA vi rút thuộc họ Filo vi rút, gây bệnh sốt xuất huyết tương tự như Ebola. 

Bệnh Marburg lần đầu tiên được ghi nhận vào năm 1967, khi dịch sốt xuất huyết bùng phát đồng thời tại các phòng thí nghiệm ở Marburg và Frankfurt (Đức), Belgrade (Nam Tư, nay là Serbia). 

Từ 7.1.2023 - 21.2.2023, đã ghi nhận 9 trường hợp nghi ngờ nhiễm vi rút Marburg tại Guinea Xích Đạo (Tây Phi), trong đó có 1 ca đã xác nhận bằng xét nghiệm, tất cả các ca đều đã tử vong.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.