Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn không đầu thú, vụ án tại Quảng Ninh giải quyết thế nào?

10/10/2023 18:18 GMT+7

Kể từ vụ án đầu tiên tại Đồng Nai, Bộ Công an, Viện KSND tối cao, tòa án nhiều lần kêu gọi nhưng đến nay cựu Chủ tịch Công ty AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn vẫn chưa ra đầu thú.

TAND tỉnh Quảng Ninh vừa phát thông báo kêu gọi bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn, cựu Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tiến bộ Quốc tế (gọi tắt là Công ty AIC), cùng 3 người khác đang bỏ trốn trong vụ án xảy ra tại Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh ra đầu thú.

Cơ quan tố tụng cho hay, nếu chấp hành, các bị cáo sẽ được hưởng chính sách khoan hồng; ngược lại, nếu vẫn vắng mặt, TAND tỉnh Quảng Ninh sẽ đưa ra xét xử theo quy định của pháp luật.

Nguyễn Thị Thanh Nhàn không ra đầu thú, vụ án tại Quảng Ninh giải quyết thế nào? - Ảnh 1.

Bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn, cựu Chủ tịch Công ty AIC

T.N

Đang bỏ trốn thì xét xử thế nào?

Một số ý kiến băn khoăn, cựu Chủ tịch Công ty AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn đang bỏ trốn, hiện chưa biết đang ở đâu, vậy tòa án sẽ xét xử với bị cáo này như thế nào?. Bị cáo không có mặt thì lấy lời khai ra sao, căn cứ gì để buộc tội…?

Luật sư Hoàng Công Tâm, Đoàn luật sư TP.Hà Nội, dẫn quy định tại điều 290 bộ luật Tố tụng hình sự, rằng tòa án có thể xét xử vắng mặt bị cáo trong trường hợp "bị cáo trốn và việc truy nã không có kết quả".

Bộ Công an tiếp tục yêu cầu Chủ tịch AIC và đồng phạm ra đầu thú

Theo dự kiến, ngày 23.10, TAND tỉnh Quảng Ninh sẽ mở phiên tòa. Nếu đến thời điểm này mà bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn và 3 người khác vẫn bỏ trốn và chưa truy bắt được, các bị cáo sẽ bị tòa xét xử vắng mặt.

Đây không phải là lần đầu vấn đề trên được đặt ra. Trước đó, trong vụ án xảy ra tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, TAND TP.Hà Nội cũng từng xét xử vắng mặt đối với chính bị cáo Nhàn và 7 người khác, do nhóm này bỏ trốn.

Luật sư Tâm cho hay, nếu bị xét xử vắng mặt, các bị cáo sẽ mất các quyền lẽ ra được có như quyền được xét xử công khai tại toà, quyền tự bào chữa, khiếu nại, kiến nghị, bảo vệ tài sản, đối chất khi có mâu thuẫn lời khai…

Còn theo ông Trương Việt Toàn, nguyên Phó chánh tòa hình sự TAND TP.Hà Nội, bị cáo bỏ trốn sẽ khiến cơ quan tố tụng không thu thập được lời khai, nhưng không vì thế mà không thể kết luận hành vi sai phạm.

Việc đánh giá tội phạm sẽ dựa vào lời khai của những bị cáo khác, người liên quan, cùng toàn bộ hệ thống chứng cứ và tài liệu thu thập được có trong hồ sơ vụ án.

Thực tế cho thấy, trong vụ án tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, dù bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn vắng mặt nhưng dựa vào lời khai của các cựu lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, nhân viên Công ty AIC cùng các chứng cứ khác, TAND TP.Hà Nội vẫn có đủ cơ sở tuyên phạt bị cáo 30 năm tù về tội đưa hối lộ và vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.

Nguyễn Thị Thanh Nhàn không ra đầu thú, vụ án tại Quảng Ninh giải quyết thế nào? - Ảnh 2.

Các bị cáo hầu tòa trong vụ án tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai

PHÚC BÌNH

Tiền đề cho việc truy bắt

Hồi tháng 8, tại buổi họp báo, ông Nguyễn Văn Yên, Phó trưởng Ban Nội chính T.Ư, cho biết cơ quan chức năng đang quyết tâm truy bắt cựu Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn.

Đề cập tới việc xét xử vắng mặt đối với bà Nhàn và những người khác đang bỏ trốn (trong vụ án tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai), ông Yên nhận định đây là tiền đề phục vụ cho việc truy bắt.

Theo giải thích của Phó trưởng Ban Nội chính T.Ư, khi chưa có bản án, công tác truy bắt đối với người phạm tội bỏ trốn sẽ gặp khó khăn; nhưng khi có bản án, đã xác định là tội phạm tham nhũng, sẽ không quốc gia nào dung thứ. Cũng vì thế, điều kiện truy bắt sẽ thuận lợi hơn.

Thông tin thêm, ông Đặng Văn Dũng, Phó trưởng Ban Nội chính T.Ư, đánh giá việc xét xử vắng mặt một số trường hợp trong thời gian vừa qua sẽ mở đường để xử lý nhiều đối tượng bỏ trốn ở các vụ án khác, là cơ sở dẫn độ tội phạm.

Đây còn là cơ sở để nghiên cứu, ban hành án lệ áp dụng trên cả nước về việc xét xử đối tượng phạm tội bỏ trốn; là điểm mới, nổi bật trong công tác phòng, chống tham nhũng; thực hiện tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư về việc "có bỏ trốn cũng không được".

Về công tác truy bắt đối với bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, ông Nguyễn Văn Yên cho biết sẽ dựa trên quy định pháp luật về tương trợ tư pháp. Các trường hợp mà Việt Nam chưa ký hiệp định tương trợ tư pháp, việc này được thực hiện theo nguyên tắc có đi có lại. "Với quyết tâm như vậy, tôi tin rằng thời gian tới sẽ có kết quả", ông Yên nhận định.

Bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn, cựu Chủ tịch HĐQT Công ty AIC, hiện đã bị truy cứu hình sự trong 3 vụ án khác nhau.

Tháng 1.2023, bà Nhàn bị tuyên phạt 30 năm tù trong vụ án xảy ra tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Đồng Nai. Đến tháng 4, bà Nhàn bị khởi tố ở vụ án xảy ra tại Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM.

Theo dự kiến, ngày 23.10 tới, TAND tỉnh Quảng Ninh sẽ xét xử cựu Chủ tịch AIC cùng các đồng phạm trong vụ án vi phạm đấu thầu gây thiệt hại hơn 50 tỉ đồng.

Xem nhanh 20h: Thời sự toàn cảnh ngày 10.10


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.