Bà mẹ “đẻ thuê”

24/06/2013 03:25 GMT+7

Mấy bà dì tôi cứ có dịp nào gặp nhau là lại xúm vào kể tội đứa cháu dâu - là con dâu của dì út. Gọi là kể “tội” cũng chẳng oan chút nào!

Bảo là còn trẻ dại, chưa biết nghĩ đã đành, đằng này nó đã 30 tuổi đầu mà bất cứ ai được nghe kể những chuyện “thật như bịa” về nó đều ngao ngán kết luận: “Thế thì nó là đứa đẻ thuê cho ông bà nội rồi”.

Mà nói nó đẻ thuê chẳng sai! Bởi nếu đẻ con cho bản thân thì nó phải nuôi nấng, dạy dỗ trước hết là xuất phát từ tình mẫu tử, sau nữa là trách nhiệm của người sinh ra một đứa trẻ. Đằng này một năm có 365 ngày thì đến 364 ngày nó coi con đẻ như “người dưng nước lã”. Đến người dưng cũng còn có tình người trước một đứa trẻ con hơn là nó đối với con nó.

Giao khoán cho ông bà

Ai đời đẻ con ra nó “giao khoán” luôn cho ông bà nội, coi như đẻ được một đứa con trai đích tôn là tròn nghĩa vụ làm vợ, làm dâu. Đẻ xong là xong việc của nó, còn việc nuôi dưỡng, dạy dỗ là việc của chồng, của ông bà nội. Con nó bây giờ sắp vào lớp 1 - nghĩa là 6 tuổi, tính ra là hơn 2.000 ngày - mà chưa ngày nào nó tự động “góp tiền” để nuôi con. Chỉ khi nào dì tôi, chú dượng tôi quá bức xúc, quát vào mặt nó là người mẹ vô trách nhiệm thì nó mới miễn cưỡng “đóng góp” vài trăm để nuôi con, nhưng sau đó nó “gõ” lại tiền của chồng, rồi tiếp sau đó, chồng nó - tức con trai dì - “gõ” lại tiền của bố mẹ đẻ! Úm ba la một vòng, cuối cùng vẫn là tiền của ông bà nội nuôi cháu!

Bà mẹ “đẻ thuê” 
Mnh họa: DAD

Khi con nó còn bé, dì tôi tay năm tay mười chăm bẵm thằng bé đủ đường. Bảo đi mua sữa cho con, nó nói chiều đi bán hàng về mới mua. Lúc về nó xách lúc lắc một “lốc” sữa 4 hộp loại 200 ml/hộp mà giờ con nó 6 tuổi hay được bà nội mua cho để lót dạ khi đón từ lớp mẫu giáo về. Khi dì tôi “nhắc” con dâu mua bỉm cho con, hôm sau nó mới mua về một túi bỉm đóng gói thô - loại rẻ tiền nhất.

Tết Trung thu, Tết Thiếu nhi, thằng bé thấy các bạn có đồ chơi, được bố mẹ cho đi công viên, sở thú, nó quay sang đòi bà. Chắc thằng bé cũng biết thân biết phận có bà mẹ “quý hóa”. Dì tôi tức quá, bảo thằng bé hỏi mẹ nó. “Bà mẹ độc nhất vô nhị” hỏi lại con: “Ơ, thế tết của thiếu nhi mà ông bà không mua quà gì cho con à?”.

Năm mới tết đến, cho đến nay là 7 năm nó về làm dâu, 6 năm “khoán” con cho ông bà nội, nhưng chưa có năm nào nó biếu được bố mẹ chồng được chút quà tết, chứ chưa nói đến việc nó biết ơn công lao ông bà nội nuôi con nó lớn bằng ngần này.

Con dại cái mang

Nuôi nấng còn thế, nói gì đến dạy con học. Chẳng bao giờ thấy nó hỏi thằng bé cần đồ dùng học tập gì, vào lớp 1 sẽ học trường nào…? Mọi việc đã có chồng lo, nếu chồng không lo thì có ông bà nội lo, chưa đến cái lượt nó phải lo. Cứ ỳ ra đấy, chẳng nhẽ ông bà nội nỡ lòng nào nhìn cháu đích tôn thất học.

Các dì tôi nổi giận với cháu dâu, khuyên răn điều hay lẽ phải mãi chẳng ăn thua, cũng chẳng thể mắng mỏ được cháu dâu, lại quay sang em gái, vừa thương vừa giận. Cũng tại dì, tại chú chiều con, thương cháu quá và nhu nhược quá. Cứ mặc xác vợ chồng, con cái nhà nó cho chúng nó tự vun vén gia đình, tự xoay xở với cuộc sống. Đã lo cho vợ chồng nó có công ăn việc làm, thu nhập đủ để chúng nó nuôi tới hai, ba đứa con chứ không phải một, vậy mà cứ ôm đồm rồi lại than “giặm bụng”. Để mặc con nó đấy chẳng lẽ nó vô cảm, trơ lỳ ra để con nó đói khát, vô học hay sao?

Ấy vậy mà dì tôi thở dài: “Vợ chồng em cũng đã từng thử để kệ cho nó tự nuôi con rồi đấy, vậy mà nó cho con cả ngày chỉ uống sữa “lốc” chứ không chịu mó tay vào cơm cháo gì. Tai quái hơn nữa, nó còn trách móc chồng nó cốt để bố mẹ chồng nó nghe thấy: “Ông bà nội gì mà còn tính toán thiệt hơn với cả cháu đích tôn!”.

Đúng là “Con dại cái mang”. Con mình dại nên mới rước về cho bố mẹ một cô con dâu “quý hóa” đến thế là cùng!

Bùi Thúy Hạnh

>> Đời già nuôi cháu
>> Mẹ chồng, nàng dâu thời hiện đại
>> Để mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu tốt hơn
>> Khoảng cách mẹ chồng nàng dâu
>> Mẹ chồng, nàng dâu 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.