Apple ‘tung đòn’, công ty Trung Quốc lại xài chiêu lách luật

22/03/2021 19:54 GMT+7

Apple cảnh báo các công ty công nghệ Trung Quốc phải chuẩn bị tuân thủ quy định quyền riêng tư trên iOS 14.5 sắp ra mắt, nhưng một ứng dụng đang nổi lên gần đây có thể giúp các công ty lách luật của Apple.

Cảnh báo của Apple

Trong một tuyên bố mới đây, Apple thông báo: “Các điều khoản và hướng dẫn trên App Store áp dụng bình đẳng đối với toàn bộ các công ty trên toàn cầu. Chúng tôi tin rằng người dùng cần phải được hỏi rằng họ có cho phép bị theo dõi hay không. Những ứng dụng bị phát hiện là không cho người dùng lựa chọn sẽ bị từ chối cho lên Store”.

Apple sẽ ra mắt bản cập nhật iOS 14.5 trong vài tuần tới với tính năng đáng chú ý nhất là cho phép người dùng quyết định có cho phép bị theo dõi hay không. Apple gọi đây là Tính minh bạch khi dùng ứng dụng theo dõi (App Tracking Transparency - ATT). Từ đó, người dùng quyết định ứng dụng nào được truy cập vào Mã nhận dạng quảng cáo (IDFA) - một công cụ có từ trước của Apple để các nhà phát triển ứng dụng lấy thông tin và định hướng quảng cáo.

Đây sẽ là một đòn giáng vào những ứng dụng như Facebook hay Google, vốn có doanh thu phụ thuộc chủ yếu vào việc bán những thông tin này cho các công ty quảng cáo để chạy quảng cáo tới chính xác nhu cầu của người dùng.

Chiêu trò lách luật

Tuy nhiên, theo Bloomberg, trên phạm vi toàn cầu thì không chỉ Facebook hay Google mà quy định nói trên của Apple đang khiến cho những tập đoàn công nghệ lớn của Trung Quốc như ByteDance hay Tencent phải tìm cách đối phó.

Một công cụ được nhóm này đưa ra là ID ẩn danh Trung Quốc (China Anonymization ID hay CAID) hiện đang được phát triển và thử nghiệm bởi HIệp hội quảng cáo Trung Quốc (CAA) như một cách đối phó. Công cụ này cho phép hơn 2.000 công ty quảng cáo tại Trung Quốc có thể tiếp tục theo dõi được thông tin của người dùng iPhone nhằm xác định nhu cầu và chạy quảng cáo sản phẩm mà không cần người dùng đồng ý.

CAA cho rằng công cụ này không trực tiếp chống lại quy định của Apple. Trong khi đó, nhiều công ty quảng cáo khác ngoài Trung Quốc cũng bắt đầu thể hiện sự quan tâm lớn đến công cụ này, thậm chí một số bên đã mua lại thông qua các công ty con của Trung Quốc.

Nếu công cụ CAID của Trung Quốc được sử dụng phổ biến bên ngoài Trung Quốc, thì chính quyền Bắc Kinh có thể dùng lượng lớn dữ liệu hành vi người dùng chạy qua máy chủ của nước này cho các mục đích thiếu minh bạch.

Ilya Baklanov, trưởng bộ phận sản phẩm tại công ty quảng cáo kỹ thuật số Trade Desk (Mỹ), nhận định: “Điều quan trọng là phải biết rằng CAID được xây dựng không chỉ để thay thế IDFA mà còn hơn thế nữa. Việc tìm cách luồn lách luật của Apple sẽ mang lại lợi ích cho các công ty quảng cáo của Trung Quốc và cả chính phủ”.

Apple sẽ khắc chế?

Hiện bản cập nhật iOS 14.5 đã được phát hành bản beta thứ 4 cho các lập trình viên, cho thấy không còn lâu nữa sẽ được chính thức phát hành cho đại đa số người dùng.

Trong đó, vấn đề siết chặt quy định về quyền riêng tư sẽ là tâm điểm của sự chú ý, đặc biệt là quyết định của Apple sẽ triển khai nó trên phạm vi toàn cầu hay theo khu vực địa lý. Apple chắc chắn nhận thức được sự tồn tại của CAID và họ sẽ ứng xử như thế nào, chấp nhận sự tồn tại của nó và đồng nghĩa với việc vô hiệu hóa chính tiêu chuẩn của họ đặt ra hay sẽ siết mạnh tay hơn công cụ này để đánh đổi tác động không nhỏ đến từ thị trường màu mỡ Trung Quốc?

Có thể, các quyết định đó sẽ có sau khi Tim Cook, Chủ tịch Apple, tham dự Hội nghị các nhà phát triển ứng dụng Trung Quốc  diễn ra từ ngày 20 - 22.3.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.