Áp dụng mạng xã hội vào quản lý báo chí phù hợp với thực tiễn

Hoàng Sơn
Hoàng Sơn
04/11/2023 08:00 GMT+7

Đó là bài học được Thành ủy Đà Nẵng rút ra sau 5 năm triển khai quy định về việc phối hợp trong công tác chỉ đạo, quản lý báo chí trên địa bàn TP.

Ảnh 1: Thành ủy Đà Nẵng đánh giá, báo chí góp phần quan trọng vào sự phát triển KT-XH của TP  ẢNH: HOÀNG SƠN

Thành ủy Đà Nẵng đánh giá, báo chí góp phần quan trọng vào sự phát triển KT-XH của TP

ẢNH: HOÀNG SƠN

Hạn chế tối đa nguy cơ khủng hoảng truyền thông

Hiện nay, trên địa bàn TP.Đà Nẵng có 4 cơ quan báo chí (CQBC) địa phương hoạt động; 108 CQBC T.Ư và địa phương khác đặt văn phòng đại diện (VPĐD), cử phóng viên thường trú (PVTT) hoạt động tại TP. Tổng số nhân sự của các cơ quan báo chí đóng trên địa bàn khoảng trên 800 người. Trong năm 2022, có 12 CQBC đăng ký mới, đăng ký hoạt động lại trên địa bàn, trong đó có 7 VPĐD và 5 PVTT; có 2 CQBC xin ngừng hoạt động.

Theo đánh giá của Thành ủy Đà Nẵng, công tác chỉ đạo, định hướng báo chí ngày càng thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, đổi mới về nội dung và hình thức. Các cơ quan quản lý nhà nước có sự phối hợp nhịp nhàng trong công tác quản lý báo chí. Việc cung cấp thông tin phản hồi vấn đề báo phản ánh được thực hiện hiệu quả. Công tác phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí được TP quan tâm thực hiện thông qua việc tổ chức họp báo thường kỳ của UBND TP. Các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện thực hiện tốt công tác thông tin cho báo chí khi có vấn đề nóng xảy ra.

Đáng chú ý, trong 5 năm qua, công tác triển khai thực hiện quy chế phối hợp quản lý báo chí trên địa bàn theo Quyết định 10111 (Quy định về việc phối hợp trong công tác chỉ đạo, quản lý báo chí trên địa bàn TP) đã đạt được những kết quả góp phần vào sự phát triển KT-XH TP. Công tác quản lý nhà nước về báo chí đã được chú trọng đi vào chiều sâu, đáp ứng được yêu cầu mới phát sinh trong công tác quản lý nhà nước về báo chí. Các cơ quan báo chí trên địa bàn có sự gắn kết và hợp tác tốt hơn với TP, thể hiện qua các sản phẩm truyền thông, hỗ trợ rất lớn trong công tác quản lý, điều hành chung của TP và quảng bá hình ảnh, vị thế TP trong giai đoạn phát triển mới.

Cũng theo Thành ủy Đà Nẵng, sự phối hợp giữa các ban, ngành, địa phương, đơn vị trong công tác báo chí ngày càng chặt chẽ, đi vào chiều sâu. Công tác phát ngôn và cung cấp thông tin báo chí ngày càng đi vào nền nếp. Việc phản hồi thông tin báo nêu của các cơ quan, đơn vị được thực hiện nhanh hơn và đi vào nề nếp, góp phần ổn định dư luận xã hội, hạn chế tối đa nguy cơ xảy ra khủng hoảng truyền thông.

Phó chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Lê Quang Nam chủ trì và trả lời nhiều vấn đề "nóng" tại buổi họp báo quý 3/2023 vào cuối tháng 10.2023

Phó chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Lê Quang Nam chủ trì và trả lời nhiều vấn đề "nóng" tại buổi họp báo quý 3/2023 vào cuối tháng 10.2023

ẢNH: HOÀNG SƠN

"Đặt hàng" chương trình truyền thông lớn

Thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, từ đó Thành ủy Đà Nẵng cũng nêu ra một số bài học kinh nghiệm, trong đó, nhấn mạnh sự phối hợp hiệu quả, nhịp nhàng trong triển khai thực hiện công tác chỉ đạo, định hướng và quản lý nhà nước về báo chí… Thành ủy Đà Nẵng cho rằng, cần xây dựng mối quan hệ chặt chẽ, tính kết nối, hỗ trợ, tương tác giữa cơ quan định hướng, quản lý nhà nước về báo chí, các sở, ban ngành liên quan với các cơ quan chủ quản của các cơ quan báo chí trên địa bàn; áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ, mạng xã hội vào trong công tác chỉ đạo, quản lý báo chí, phù hợp với tình hình thực tiễn và đáp ứng yêu cầu mới của nhiệm vụ.

Trong thời gian tới, Thành ủy Đà Nẵng yêu cầu UBND TP chỉ đạo các cơ quan liên quan cần nâng cao kỹ năng phát ngôn và cung cấp thông tin báo chí của các cơ quan. Ban Tuyên giáo Thành ủy chủ động phối hợp các đơn vị, cơ quan tham mưu các phương án, kế hoạch cung cấp thông tin, định hướng dư luận, đề xuất hướng xử lý đối với các vấn đề nhạy cảm, phức tạp theo phương châm: Nhanh, kịp thời, có trọng điểm, trọng tâm, giải quyết hài hòa các mối quan hệ; phối hợp các cơ quan đề xuất các chủ đề, chương trình truyền thông lớn của TP để triển khai đặt hàng với các cơ quan báo chí hợp tác thực hiện.

Mới đây, tại hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Quyết định 10111, ông Lương Nguyễn Minh Triết, Phó bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng yêu cầu các cơ quan liên quan lập kế hoạch truyền thông và cung cấp thông tin cho báo chí thường xuyên hơn bằng nhiều hình thức phù hợp, như: họp báo, cung cấp thông cáo báo chí ngắn gọn, đăng tải thông tin… về những vấn đề xã hội quan tâm để thông qua báo chí các chủ trương, chính sách của T.Ư, TP đến nhanh nhất, sớm nhất với các tầng lớp nhân dân; tăng cường hơn nữa trong việc thực hiện thẩm quyền của mình đối với việc chấn chỉnh, xử lý vi phạm của các cơ quan báo chí.

Lãnh đạo Thành ủy Đà Nẵng yêu cầu thường xuyên cung cấp thông tin cho báo chí qua các buổi họp báo

Lãnh đạo Thành ủy Đà Nẵng yêu cầu thường xuyên cung cấp thông tin cho báo chí qua các buổi họp báo

ẢNH: HOÀNG SƠN

Kiến nghị xử lý tình trạng "báo hóa"

Thành ủy Đà Nẵng đề xuất Ban Tuyên giáo T.Ư, Bộ TT-TT tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ báo chí có hành vi vi phạm các quy định về báo chí, vi phạm tôn chỉ, mục đích; có các tin, bài viết thiếu chính xác, thiếu kiểm chứng; giật tít, câu view, gây dư luận xấu; xử lý tình trạng "báo hóa" tạp chí điện tử, trang thông tin điện tử.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.