Về thương bún rạm, bún tôm

14/07/2011 16:55 GMT+7

Quán bún ấy nằm trong một ngõ nhỏ bên hông chợ Phù Mỹ (Bình Định), cách TP Quy Nhơn chừng 60 km. Không bảng hiệu hay một chỉ dẫn nào nhưng “hữu xạ tự nhiên hương”. Khách xa thường phải đi thật sớm, không sợ đường dài mà lo lỡ bún hết thì uổng công, uổng tình với bún. Bởi ít có tô bún nào để lại sự nhung nhớ với thực khách đến thế. Nó buộc người ta phải trở đi trở lại nhiều lần để thỏa lòng rồi lại vấn vương như cũ.

Sự giản đơn mà tinh tế ngay từ khâu chuẩn bị. Bún được làm ngay tại quán chứ không mua ở chợ. Gạo được xay thành bột, ngâm chừng 2 giờ rồi ủ. Thêm một loạt công đoạn đăng, đánh, quay bột, nguyên liệu bún được cho vào máy ép. Từng sợi bún thon dài, trắng đục lần lượt thả mình xuống nồi nước sôi tăm. Khách ăn đến đâu, bún ép ra đến đó.

 
Ảnh: Đình Phú 

Phần hồn còn lại là hai biểu trưng cho đặc sản Phù Mỹ: con rạm, con tôm đầm Châu Trúc. Hai loại sinh vật này gặp ở nhiều nơi, nhưng khó vùng nào có vị thịt ngọt thanh tao như ở đây. Rạm giã nhuyễn, vắt lấy nước. Phần gạch rạm đem thắng dầu lấy màu và mùi thơm đặc trưng. Phần còn lại, người chế biến khéo léo liu riu ngọn lửa để chúng quyện sệt lấy nhau, vừa ngon miệng vừa đẹp mắt.

Những con tôm thì lại ở một trường đoạn khác trong cách thức chế biến. Chúng cũng được giã nhuyễn rồi cho thêm ít hành, bột nêm. Cứ thế, chờ đến khi có khách thì bún, rạm, tôm, nước luộc bột kết hợp với nhau rồi để thương để nhớ. Thương là bởi giản đơn, dân dã quá mà tinh tế, hồn sắc cũng quá chừng. Nếu tô bún rạm tạo cảm giác ngon miệng ngay từ đũa gắp đầu tiên thì tô bún tôm mới dần dà, nhởn nhơ lan tỏa vị thanh ngọt, nồng ấm của mình khi thực khách đã ra xe từ biệt quán...

Trần Thị Duyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.