Sắc màu trong mâm cỗ tết

23/01/2012 12:30 GMT+7

(TNTS Xuân Nhâm Thìn) Cứ mỗi dịp xuân về, người ta lại khẽ ngâm nga câu thơ: Thịt mỡ dưa hành, câu đối đỏ Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh

(TNTS Xuân Nhâm Thìn) Cứ mỗi dịp xuân về, người ta lại khẽ ngâm nga câu thơ:

Thịt mỡ dưa hành, câu đối đỏ
Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh

Bánh chưng phải xanh, cái lẽ dĩ nhiên mà bao đời nay ông cha ta truyền lại như thế. Chiếc bánh chưng vuông vức là biểu trưng của mặt đất trong suy nghĩ của người xưa, và sắc xanh mươn mướt chính là màu của sự sống, màu của hoa lá cỏ cây đâm chồi nảy lộc mỗi độ xuân về.

Năm nào cũng vậy, cứ mỗi lần nhà chuẩn bị gói bánh chưng là tôi lại được giao nhiệm vụ hái một ôm thật to lá giềng. Mớ lá này chính là thứ thuốc nhuộm màu thần kỳ cho từng chiếc bánh chưng xanh mướt. Rửa sạch, giã thật dập lá rồi hòa với chút nước, vắt lấy thứ nước cốt xanh ngắt để trộn vào thúng nếp gói bánh đã đãi ráo. Từng hạt nếp mây mẩy trắng ngần được nhuộm xanh như ngọc. Khi bánh chín, sắc xanh ấy tan ra, quyện thêm cái xanh của mặt lá dong mà trở nên biêng biếc một sắc ngọc ngà. Bóc lớp lá dong, đã thấy bát ngát bay lên một mùa xuân căng tràn lộc biếc. Màu của lá, mùi của lá làm nên cái thi vị, cái hồn vía của chiếc bánh chưng xanh muôn đời.

 
Ảnh: Shutterstock

Đi đôi với bánh chưng xanh là xôi gấc đỏ. Người Việt vẫn quan niệm màu đỏ là màu của may mắn, của sắc thắm ngày xuân, của hạnh phúc, tốt lành.

Cuối tháng chạp, lúc đón xuân về cũng là lúc những trái gấc trên giàn thắm đượm một sắc đỏ tươi. Quả gấc vừa bổ ra đã bừng lên sắc thắm say lòng. Sắc thắm ấy ôm trọn lấy từng hạt nếp mẩy tròn, ủ trong hơi nóng trên bếp lửa để rồi càng đỏ, càng thắm, càng say lòng người. Từng hạt xôi quyện vào nhau thành một đóa hoa đỏ rực, lấp lánh cái bóng bẩy của vài giọt mỡ nước và lương vương mấy sợi dừa nạo trắng tinh, chỉ nhìn thôi đã thấy tràn ngập sự đủ đầy, viên mãn. Nhón một nắm xôi, mấy đầu ngón tay nhuộm đỏ, đôi môi cũng thắm hơn và nụ cười của mỗi người cũng bừng lên như sắc xuân thắm hồng rạng rỡ.

Đã có màu xanh của bánh chưng, sắc đỏ của xôi gấc, không thể thiếu màu vàng ươm của đĩa gà luộc truyền thống. Sắc vàng tượng trưng cho hành Thổ, thể hiện mong ước an lành, nhưng cũng là màu sắc của sự phú quý. Trong mâm cỗ cúng, đĩa gà luộc bao giờ cũng được chăm chút nhất. Luộc sao cho lớp da gà vẫn căng mọng đã khó, để có được sắc vàng ươm ngon mắt lại càng khó hơn. Khi làm gà, người ta thường giữ lại phần mỡ gà. Đến khi gần bày cỗ thì thắng phần mỡ ấy lên rồi phết vào da, sẽ có được chú gà luộc vàng ươm như ý. Trên mâm cỗ, nhìn chú gà luộc vàng ươm kiêu hãnh nằm trên đĩa, mỏ ngậm đóa hồng đỏ thắm, cả gia đình đều vui mừng, an tâm đón một năm mới yên vui, tốt đẹp.

Mâm cỗ tết của người Việt có màu xanh lộc biếc của bánh chưng, sắc đỏ may mắn của xôi gấc, màu vàng ươm an lành, phú quý của món gà luộc, còn có đầy đủ những màu sắc hài hòa và bắt mắt: xanh tươi của rau quả, hồng tươi của nem, giò chả, nâu sẫm của măng, đen óng của nấm mèo, trắng ngần của dưa hành, sâm sẫm cánh gián của thịt kho tàu… Mỗi món ăn một màu sắc làm nên sự hòa hợp của âm dương ngũ hành, cũng là mong ước cháy bỏng về hạnh phúc và thành công trong năm mới.

Tịnh Tâm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.