Khổ qua "nhà nghèo"

27/11/2009 10:14 GMT+7

(TNTT>) “Thiệt tréo cẳng ngỗng! Nhà nghèo ăn thịt ba rọi còn nhà giàu ăn rau. Họ khoái đọt, lá và trái khổ qua non...”

Một đồng nghiệp thường trú ở Cần Thơ “hớt hải” gọi điện báo cho tôi như vậy. Khi cơ thể người ta bị thiếu hụt một chất gì, tự dưng họ sẽ thèm chất đó. Nhưng khi họ biết thèm đọt, lá và trái khổ qua non là thèm... khôn!

Trước đắng sau ngọt

Hương  khổ qua (còn gọi là mướp đắng) mnghe ngai ngái, trội vị đắng thanh và có hậu ngọt, mát. Có người còn triết lý: trong cái ngon của khổ qua ẩn chứa một bài học nhân sinh sâu sắc, con đường dẫn đến thành công vững chắc là bạn phải dày công khổ luyện.

Trong những sản phẩm từ “cây” khổ qua thì lá non, đọt và trái đèo quý hơn trái to. Khi trời trở lạnh, những thức có vị đắng, cay, ngọt rất tốt cho cơ thể, bởi chúng giúp tuần hoàn máu, ấm phổi, trợ tiêu. Đặc biệt khổ qua là “tri kỷ” của ớt hiểm. Bạn muốn cho hai thứ này sánh đôi, phải biết cách lấy tinh dầu tự nhiên của ớt hiểm. Bằng cách, bạn nấu nước sạch thật sôi, trụng ớt hiểm vào khoảng 5 phút rồi dằm trái ớt ra. Đây là loại tinh dầu cực kỳ tốt cho cơ thể. Sau đó, bạn nêm nước này vào nước nấu món khổ qua, sẽ thơm hơn, không còn cay hỗn nữa và ngọt thanh hơn.

Canh đọt khổ qua nấu cá rô đồng, một biến tấu "ngoạn mục"

Các tài liệu khoa học còn cho rằng khổ qua có nhiều công dụng tốt như sau: thanh nhiệt, do chứa chất kiềm sinh vật; giúp tăng sức đề kháng vì chứa đạm và nhiều vitamin C; giảm béo hiệu quả nhờ chất đắng tự nhiên. Khổ qua tươi giúp hạ đường huyết nên rất tốt cho người bị tiểu đường. Ngoài ra, chúng còn giúp dưỡng nhan sắc bởi chứa nhiều vitamin B1, C và nhiều khoáng chất...

Tuy nhiên, Đông y khuyên rằng những người có đường huyết thấp hay hệ tiêu hóa yếu không nên ăn khổ qua, vì nó quá mát.

Ngon “bất nhơn”

Vốn thích ăn khổ qua, anh Nguyễn Văn Thân, ở Q.Phú Nhuận, trồng hơn hai mươi dây khổ qua trên sân thượng theo mô hình trồng rau sạch. Buồn thay, giàn khổ qua anh trồng cứ lo trổ hoa vàng rực mà “quên” đậu quả. Thế là anh Thân bị người nhà, bạn bè trêu chọc rằng anh chỉ có tay... mua khổ qua. Bị quê, anh Thân nảy ra sáng kiến cắt đọt khổ qua non đem xào với tép bạc, dầu hào. Không ngờ, món ngon không đủ gắp. Còn anh Quốc Việt, ở  Tiền Giang, phát hiện ra cái ngon “tiềm ẩn” của đọt và lá khổ qua non trong một lần vào chơi nhà bạn miệt rẫy, thuộc huyện Châu Thành cùng tỉnh. Cả nhóm “binh” mồi nhậu, dư thịt cá mà thiếu rau xanh vì cà, cải, dưa, hành... ngoài “gò” chưa tới lứa. Bí đường, anh Việt thử đi cắt mớ đọt khổ qua đem  nấu canh với cá rô đồng. Không ngờ, món ngon nhiều cấp độ này giúp cả nhóm lâu say, thèm ăn, không khô cổ như những lần nhậu trước. Mẹo của những món khổ qua nước ngon là bỏ khổ qua nguyên liệu vào sau cùng rồi nhấc xuống, sau khi đã nêm nếm gia vị vừa ăn. Cũng lạ, thịt cá đồng khi “uống” nước khổ qua thêm thơm, ngọt, béo thanh. Gần đây, “trào lưu” ăn trái khổ qua đèo ở TP.HCM đang thịnh. Thật ra, đây là những trái khổ qua non được nhà vườn tỉa bớt để những trái còn lại mau lớn hơn.

Một bữa cơm trưa văn phòng với đĩa rau non thập cẩm luộc gồm nhiều trái khổ qua non với ít rau lang, bầu non, nụ bông bí, bông mướp... bên chiếc nồi đất ám khói đựng mắm kho quẹt thơm lừng và phập phồng sôi trông hấp dẫn không kém sơn hào hải vị. Mẹo để chế nồi mắm kho quẹt ngon xứng tầm với đĩa rau tinh nguyên kia là đầu bếp gia vào ít nước cơm chắt hoặc nước cháo gạo thơm. Tinh tế hơn, dăm miếng thịt heo ba rọi sẽ được vớt ra khi mỡ tan đi khoảng 2/3. Lúc nhấc nồi xuống, đầu bếp sẽ cho lượng thịt ba rọi này vào lại, làm vậy tóp mỡ sẽ giòn giòn, beo béo.

Bạn cặp ít tóp mỡ này với chút mặn của nước mắm kho sánh màu hổ phách, trái khổ qua non tươi xanh trước đắng, sau ngọt thanh, cắn tí ớt hiểm vừa chín... Ngon tận đỉnh! Kinh nghiệm để giữ màu xanh non và tăng độ giòn của trái khổ qua non là khi nồi nước luộc sôi già, bạn cho vào ít muối. Lúc vớt trái khổ qua ra, bạn cho vào chậu ngâm nước đá khoảng 7 - 10 phút.

Nhìn đĩa rau xanh tươi, cắn vào nghe giòn mát, không ít thực khách “thổn thức” về những mảnh vườn, thửa ruộng chốn làng quê. Có người còn “nghe” cả tiếng mẹ, tiếng chị hát ru những âm điệu thân thương: “Ầu ơ... khổ qua xanh, khổ qua trắng, khổ qua mắc nắng khổ qua đèo. Anh có thương em thì mần giấy giao kèo. Dù sanh, dù tử dù nghèo em cũng theo”.

Và phải chăng, khổ qua đèo ngon hơn khổ qua thường là giỏi chịu đựng nghịch cảnh, biết dùng tằn tiện dưỡng chất từ đất mẹ, cha trời.

Tạ Tri

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.