Cá niên

29/09/2011 19:57 GMT+7

Hao hao như cá diếc nhưng chỉ ở ngoại hình, còn “nội dung” thì cá niên khác hoàn toàn. Nó có những đặc điểm mà không một loài cá nước ngọt nào có được.

Chọn sông, suối làm nơi cư trú nhưng chỗ ưa thích nhất của cá niên là dưới chân các ngọn thác. Chúng luôn bơi ngược dòng nước xiết nhưng không bao giờ vượt thác. Do phải thường xuyên “gồng mình” lên trước sức nước nơi chân thác mới có thể trụ lại được nên xương cá niên rất cứng. Sở dĩ chúng chọn dưới chân các ngọn thác để cư trú vì nơi đây có nguồn thực phẩm khá phong phú.

Phấn hương và rong tảo từ thượng nguồn đổ về, rồi loài hàu bám vào các gộp đá là những món khoái khẩu của cá niên. Chính vì ăn rong tảo và phấn hương nên ruột cá niên rất đắng - điều làm nên sự khác biệt giữa chúng với các loài cá nước ngọt khác. Theo đồng bào Hre, Ca Dong ở hai huyện vùng cao Ba Tơ và Sơn Tây (Quảng Ngãi) thì chất đắng của ruột cá niên cũng là một vị thuốc. Tuy chưa có kết luận nào từ ngành y tế để xác nhận điều nói trên, song có một thực tế là, nếu ăn cá niên mà không nhấm nháp vị đắng từ ruột của nó thì coi như giảm mất 50% giá trị của cá.

Cá niên thường sống bầy đàn, nhưng do chúng ở trong các gộp đá dưới chân thác nên rất khó bắt. Đồng bào thường dùng lưới vây kín mặt suối mới mong bắt được vài con cho một lần quăng lưới. Giá mỗi ký cá niên ngay tại miền núi đã 350.000 đồng/kg.

Lên các huyện vùng cao của Quảng Ngãi, trong thực đơn đãi khách không bao giờ vắng món cá niên nướng hoặc luộc chấm với muối ớt. Nếu là luộc, chủ quán thường kèm theo một bát nước có màu xanh rêu lấy từ ruột cá niên. Thực khách nào quên húp bát nước này, coi như mới thưởng thức một nửa hương vị của loài cá ngon hiếm thấy.

Trà Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.