7.000 hồ sơ trang thiết bị y tế tồn đọng, chỉ có 7 chuyên viên thẩm định

Liên Châu
Liên Châu
24/03/2023 12:04 GMT+7

Khoảng 7.000 hồ sơ xin cấp phép trang thiết bị y tế tồn đọng chờ thẩm định, nhiều hồ sơ đã chờ trong thời gian dài, tuy nhiên chỉ có 7 chuyên viên đọc, thẩm định.

Sáng nay 24.3, Bộ Y tế tổ chức gặp mặt cơ quan báo chí thông tin về công tác y tế. Một trong các vấn đề được Bộ Y tế chú trọng giải quyết tại thời điểm này là tháo gỡ vướng mắc, cung cấp trang thiết bị y tế, vật tư, thuốc, hóa chất thiếu hụt trong thời gian qua.

Khoảng 7.000 hồ sơ trang thiết bị y tế tồn đọng chờ thẩm định - Ảnh 1.

Bộ Y tế cam kết thực hiện giải pháp, sớm khắc phục tồn đọng khoảng 7.000 hồ sơ xin cấp phép trang thiết bị y tế

NGỌC THẮNG

Theo Bộ Y tế, hiện có khoảng 7.000 hồ sơ xin cấp phép trang thiết bị y tế đang tồn, nhiều hồ sơ đã nộp từ rất lâu chưa được xét, trong đó có các hồ sơ đã nộp 1 - 3 năm. Vừa qua, có tình trạng thiếu hụt vật tư, trang thiết bị y tế do hết hạn được lưu hành, hồ sơ cấp mới tồn đọng.

Về nguyên nhân của việc tồn đọng hồ sơ nêu trên, ông Nguyễn Tử Hiếu, Phó vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và công trình y tế (Bộ Y tế), cho hay theo quy định của Nghị định số 98/2021/NĐ-CP, Bộ Y tế đã tổ chức thẩm định hồ sơ và cấp số lưu hành.

Tuy nhiên, do số lượng hồ sơ nhiều, trong thời gian qua đã xảy ra một số vụ việc dẫn đến có tâm lý e ngại trong việc đọc và thẩm định hồ sơ của các chuyên gia độc lập. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực trực tiếp làm công tác quản lý, xử lý hồ sơ tại Vụ Trang thiết bị và công trình y tế rất thiếu và còn kiêm nhiệm các công việc khác.

Ngoài ra, các đơn vị đề nghị cấp giấy chứng nhận đăng ký lưu hành được 5 lần sửa đổi, bổ sung hồ sơ kể từ ngày Bộ Y tế có yêu cầu sửa đổi, bổ sung. Qua thống kê, có hơn 90% hồ sơ đề nghị cấp số lưu hành phải đề nghị sửa đổi, bổ sung.

Sau mỗi lần bổ sung, thủ tục này được thực hiện trên cổng thông tin điện tử theo dịch vụ công cấp độ 4 nên doanh nghiệp có thể thay đổi toàn bộ nội dung, tài liệu đăng ký lưu hành, dẫn đến việc thẩm định phải đọc lại từ đầu.

Trên thực tế, mỗi hồ sơ đều phải đọc nhiều lần làm tăng khối lượng công việc cho các chuyên gia và chuyên viên, trong khi nhân lực số lượng chuyên gia và chuyên viên còn thiếu nhiều.

Hiện, khoảng 7.000 hồ sơ tồn đọng nhưng chỉ có 7 chuyên viên đọc, thẩm định.

Về giải pháp giải tỏa hồ sơ tồn đọng, ông Hiếu cho hay, thời gian qua, Bộ Y tế đã triển khai các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thẩm định hồ sơ; trong đó đã sửa đổi, bổ sung quy trình tiếp nhận, thẩm định, cấp, hậu kiểm và thu hồi số lưu hành trang thiết bị y tế theo hướng chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm để đẩy nhanh tiến độ cấp số lưu hành trang thiết bị y tế.

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 07/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 98/2021/NĐ-CP để tháo gỡ khó khăn cho các tổ chức, cá nhân xuất, nhập khẩu, kinh doanh trang thiết bị y tế, cho phép gia hạn hiệu lực của các giấy phép đã cấp đến hết ngày 31.12.2024; sửa đổi, bổ sung Thông tư số 19/2021/TT-BYT ngày 16.11.2021 của Bộ Y tế để hướng dẫn cụ thể trong việc chuẩn bị hồ sơ, đẩy nhanh tiến độ cấp số lưu hành.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.