7 dấu ấn thời trang nổi bật của thập niên

31/07/2020 18:37 GMT+7

Năm 2020 bắt đầu cho một thập niên mới, hãy cùng điểm lại 7 trào lưu thời trang ấn tượng của thập niên qua.

10 năm qua, thời trang đã đem lại cho người ta đủ mọi cung bậc, khởi đầu từ chiếc váy làm bằng thịt bò sống mà Lady Gaga mặc do Franc Fernandez thiết kế và tạo mẫu bởi Nicola Formichetti - bị nhiều nhóm bảo vệ quyền động vật lên án nhưng lại được tạp chí Time vinh danh là thời trang hàng đầu năm 2010 - và khép lại với bộ đồ lướt tuyết thương hiệu Moncler do Kerwin Frost trình làng.

1. Phong cách tối đa

Như để đối lập với phong cách thời trang tối giản (minimalism), phong cách tối đa hóa (maximalism) là bức tranh đa sắc màu đầy phá cách. Người mặc không gò bó bản thân vào bất cứ nguyên tắc nào, qua sự am hiểu nhất định về thời trang của mình, họ tự do sáng tạo những bản phối mang đậm dấu ấn cá nhân, vượt qua những vùng an toàn truyền thống để thỏa khao khát khám phá. Khi Alessandro Michele tiếp quản Gucci năm 2015 - thông qua Fendi, Tom Ford và Richard Ginori, một thương hiệu đồ sứ thuộc sở hữu của Gucci - ông đã tung ra xu hướng Milanese đầy quyến rũ, một bản hòa tấu phong cách lạc quan. Nhờ cách tiếp cận tối đa, lập dị, xu hướng tỏa ra càng nhiều năng lượng hơn. Ngay lập tức, cả cánh đàn ông lẫn phụ nữ đều thi nhau diện những chiếc sơ mi thắt nơ với họa tiết in tương phản, giày đế mềm lót lông hoặc đeo kính của dân mọt sách.

3. Xu hướng phi giới tính Androgyny

Khác với phong cách gender bender thể hiện sự đối lập giới tính trong cách ăn mặc, phong cách androgyny thể hiện sự phi giới tính. Khi giới tính càng được nhận thức và tranh luận, nhiều thương hiệu đã nhanh nhạy phát triển thiết kế các bộ sưu tập riêng của mình theo trào lưu này. Nhóm tiên phong bao gồm Jonathan Anderson, Rick Owens, Eckhaus Latta và Rad Hourani tập trung vào các mẫu mã phi giới tính, trong khi các nhãn hiệu đường phố cao cấp như H&M và Zara lại cung cấp các sản phẩm dòng unisex. Thời của các ngôi sao chuyển giới nhân cơ hội này cũng đã tới. Caitlyn Jenner lên bìa Vanity Fair, còn Andreja Pejić, Hanne Gaby Odiele và Hari Nef sải bước trên sàn catwalk. Tương tự, nhưng các ngôi sao nam còn táo bạo hơn. Jared Leto, Jaden Smith, Kanye West và Billy Porter thi nhau mặc... váy trên thảm đỏ.

Billy Porter trong bộ váy tuxedo tại lễ trao giải Oscar 

Ảnh: Getty Image

3. Giày thể thao gồ ghề

Mặc ai nói ngược nói xuôi, những đôi giày thể thao dạng khủng, gồ ghề, to bản phục phịch cũng cứ chinh phục các fan thời trang. Nhà thiết kế người Pháp Isabel Marant bắt đầu gây ra cơn sốt này với đôi Willow Wedge của mình vào năm 2012, mở đầu cho cuộc chạy đua, từ Triple S của Balenciaga, Ozweego của Raf Simons bắt tay với Adidas, Yeezy Boost 350 đến InstaPump Fury gần đây của Reebok. Năm 2018, công của nhóm nhạc nữ Spice Girls tái hợp chìa tay ra với nhãn hàng Comme des Garçons cũng đóng góp không nhỏ cho cuộc chinh phục của loại giày thời thượng này.

4. Áo thun in thông điệp chính trị

Từ lâu thời trang đã sử dụng những chiếc áo phông khiêm tốn làm nền cho các thông điệp và thập niên những năm 2010, với nhiều biến động xã hội, trào lưu này càng như cá gặp nước với các dòng chữ như “Cancel Brexit”, “Save our Seas” xuất hiện nhan nhản trên đường phố. Nhà hoạt động môi trường Katharine Hamnett chính là người tiên phong của xu hướng này từ những năm 1980 khi cô tung ra thiết kế mẫu áo in dòng chữ “Choose Life” mà nhóm nhạc Wham! mặc trình diễn. Phong trào Me Too cũng sản sinh ra những T-Shirt cổ động nóng bỏng, mà đại diện là “The Future Is Female” của Prabal Gurung, “Abuse of Power Comes As No Surprise” do Jenny Holzer thiết kế hay “We Should All Be Feminists” của nhà Dior.

5. Khuynh hướng giao thoa văn hóa

Trong thập niên này, thời trang cũng làm dấy lên những tranh luận trái chiều khi chính nó có những giao thoa với các nền văn hóa khác nhau. Karlie Kloss đội khăn trùm đầu của First Nations trong show diễn Victoria’s Secret năm 2012 là đúng mực hay báng bổ? Tấm “Indi Full Turban” gợi nhớ đến khăn đội đầu của người theo đạo Sikh xuất hiện trong bộ sưu tập Thu-Đông 2018 của Gucci là tôn vinh hay xúc phạm? Câu trả lời là đâu cần “đao to búa lớn” quá mức làm gì, các nhà thiết kế chỉ đi tìm nét mới lạ mà thôi. Thậm chí đôi khi cũng chỉ là dạng “câu khách”, chẳng hạn vào những năm 2010, Diet Prada, một tài khoản trên Instagram đã trở nên “khét tiếng” nhờ post những tấm hình các thiết kế thời trang có phần rởm và thiếu tinh tế.

Kerwin Frost trình làng Moncler Anh 

Ảnh: Getty Image

6. Những món đồ có tính biểu tượng

Mạng xã hội và những nhân vật có tầm ảnh hưởng thời trang đến giới trẻ đã có công giúp thập niên vừa qua xuất hiện một số mặt hàng biểu tượng (IT item), thúc đẩy khao khát sở hữu cho bằng được chúng ở các tín đồ thời trang. Chẳng hạn giày cao gót có đinh (Rockstud) của Valentino, túi siêu mini Le Chiquito của Jacquemus, áo nỉ họa tiết đầu cọp của Kenzo, áo phông in logo của Supreme, AirPods của Apple hay kính râm “lá lúa” của Adam Selman x Le Specs.

Túi siêu mini Le Chiquito 

Ảnh: Getty Image

7. Phong cách những năm 1990

10 năm vừa qua là một thập niên ấn tượng với thế hệ X khi phong cách thời trang những năm 1990 tái hiển hiện đa dạng. Prada, Raf Simons như lục tìm lại những chiếc túi màu neon, mũ bucket ngày nào. Versace, Moschino gợi nhớ ngày xưa bằng những sản phẩm in logo. Hedi Slimane, Marc Jacobs hoài niệm qua áo phông theo phong cách nhạc grunge. Còn những sáng tạo áo váy của Calvin Klein khiến người ta lục lại trong trí nhớ hình ảnh những siêu mẫu đời đầu như Naomi Campbell, Cindy Crawford, Linda Evangelista hay Christy Turlington. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.