50 năm lãnh tụ Cuba Fidel Castro thăm Quảng Trị (1973 - 2023):

50 năm ký ức vẹn nguyên: Fidel đã 'sinh ra tôi lần nữa'

Nguyễn Phúc
Nguyễn Phúc
26/09/2023 09:00 GMT+7

Trong chuyến thăm Việt Nam năm 1973, lãnh tụ Cuba Fidel Castro đã để lại nhiều kỷ niệm thiêng liêng hay thậm chí làm thay đổi cả số mệnh, cuộc đời của những người từng gặp ông.

"Nếu ngày đó không có Fidel..."

Giữa tháng 9, khi PV Thanh Niên tìm về nhà bà Nguyễn Thị Hương (67 tuổi) trên đường Đặng Tất (P.1, TP.Đông Hà, Quảng Trị) thì mới hay chồng bà vừa bị tai nạn giao thông, đang nằm viện. Dù thế, bà vẫn không nỡ từ chối khi biết chúng tôi tìm hỏi về những kỷ niệm với lãnh tụ Fidel Castro. "Nếu ngày đó không có Fidel Castro, Thủ tướng Phạm Văn Đồng có lẽ giờ này tôi không còn ngồi ở đây để tiếp chuyện với nhà báo đâu…", bà Hương vào đề một cách ngắn gọn như vậy.

50 năm ký ức vẹn nguyên: Fidel đã 'sinh ra tôi lần nữa' - Ảnh 1.

Trong suốt chuyến thăm, Fidel luôn tạo được sự gần gũi

TTXVN

Không mất quá lâu để lục lại trí nhớ, bà kể khi ấy bà mới 17 tuổi, là đoàn viên của xã Vĩnh Thành (H.Vĩnh Linh, Quảng Trị), cùng mọi người lao động lấp hố bom tại khu vực Hiền Lương. "Mọi thứ diễn ra bình thường cho đến khi nhát cuốc bổ xuống đất trúng một quả bom bi, phát nổ. Tôi ôm bụng chạy lảo đảo rồi tai ù đi, nằm vật xuống đất. Trong giây phút mê man đó, tôi vẫn biết có ai đó tiến đến gần bên nhưng ông ta cao lớn lắm, không giống người làng mình. Có người sau này còn kể lại với tôi là ông đã bật khóc", bà Hương kể.

Người đàn ông cao lớn đó chính là Fidel Castro. Lúc này, ông đang cùng Thủ tướng Phạm Văn Đồng và đoàn lãnh đạo cấp cao Việt Nam - Cuba trở ra Quảng Bình, sau khi vào thăm vùng giải phóng Quảng Trị thì thấy vụ nổ nên đoàn xe dừng lại.

Bà Hương khi đó bị đứt 8 khúc ruột, đứt động mạch, máu tuôn ồ ạt. Xúc động mạnh trước tình huống bất ngờ, Fidel Castro muốn cứu thiếu nữ này bằng mọi cách. Ông ra lệnh cho các bác sĩ tháp tùng đoàn công tác lập tức sơ cứu cho bà Hương. Thậm chí sau khi bà được xe trong đoàn đưa về bệnh viện ở đặc khu Vĩnh Linh, ông đề xuất đưa bà ra Quảng Bình rồi dùng máy bay chở về Hà Nội cấp cứu. Lúc đó, Bệnh viện đặc khu Vĩnh Linh hứa với Fidel quyết tâm cứu sống bệnh nhân cho bằng được. Ngặt nỗi, do bà Hương chảy máu ồ ạt trong khi bệnh viện không đủ lượng máu để phẫu thuật nên lập tức, một chiếc xe khác đã được điều động chạy ra TP.Đồng Hới (Quảng Bình) lấy thêm máu đưa vào kịp thời.

50 năm ký ức vẹn nguyên: Fidel đã 'sinh ra tôi lần nữa' - Ảnh 3.

Bà Nguyễn Thị Hương và những bức ảnh kỷ niệm liên quan đến Fidel Castro

BẢO KHÁNH

Theo bà Hương, có một chi tiết mà bà chỉ mới biết cách đây chừng 5 năm khi nhận được thư của một bác sĩ Cuba, người được Chủ tịch Fidel Castro giao nhiệm vụ ở lại điều trị cho bà Hương. "Theo những gì ông ấy thuật lại thì Fidel đã nói khi ấy với ông rằng "Anh hãy ở lại để xử lý giúp họ, tôi sẽ cho người đến đón anh sau"... Tôi thực sự xúc động, bởi dọc đường vẫn còn lắm hiểm nguy, nhưng vì một người dân bình thường như tôi mà ông sẵn sàng mạo hiểm, để lại xe cứu thương cùng bác sĩ. Chủ tịch Fidel thực sự đã sinh tôi ra lần thứ hai", bà Hương xúc động kể.

Nhưng mối ân tình giữa bà Hương với vị lãnh tụ Cuba vẫn chưa hết. Một tháng sau khi ra viện, có người ở ủy ban xã nhắn bà lên nhận quà của… Fidel. "Cũng khá nhiều thứ, nào là thuốc chữa bệnh, thuốc bổ, cao... và có thêm một cái card đề tên Fidel - Chủ tịch nước Cuba", bà Hương nói. Từ đó về sau, mỗi khi có phái đoàn sang thăm Việt Nam, Fidel đều gửi quà tặng bà. Không thể sang Cuba thăm ân nhân, bà viết thư nhờ cán bộ gửi sang để cảm ơn ông. Năm 1985, Fidel lại mời bà qua Cuba để kiểm tra sức khỏe và an dưỡng, dù rất muốn nhưng bà đành từ chối vì vừa mới sinh con nhỏ.

Tháng 11.2016, Chủ tịch Fidel Castro từ trần, vợ chồng bà Hương đến tận Đại sứ quán Cuba tại Hà Nội để đặt vòng hoa và tưởng niệm ông trong niềm tiếc thương vô hạn. "Chuyến thăm của Fidel đến vùng giải phóng Quảng Trị có một ý nghĩa cực kỳ to lớn, nhưng với tôi, nó càng đặc biệt bội phần. Tôi cũng đã sống cuộc đời ngay thẳng và hạnh phúc vì muốn mình xứng đáng với những gì ông dành cho tôi", bà Hương chia sẻ.

"Được gặp Fidel như là điều tốt đẹp nhất đời tôi"

Sau một năm phát động và nhận 2.000 tác phẩm gửi từ 40 nước, tháng 9.1996, Ban tổ chức cuộc thi văn học quốc tế viết về tấm gương cách mạng mẫu mực của Fidel Castro nhân dịp ông tròn 70 tuổi đã công bố 3 giải nhất. Một trong số đó là tác phẩm Ông Tây phe ta của tác giả Phạm Tùng Thiện, cán bộ Hội Cựu chiến binh tỉnh Quảng Trị. Bài viết kể lại cuộc gặp gỡ hết sức cảm động giữa Chủ tịch Fidel Castro và một em học sinh bị tàn tật do bom Mỹ gây ra lúc ông thăm Đông Hà, Quảng Trị năm 1973.

Ông Thiện nay đã qua đời nhưng nhân vật của ông, cậu bé tàn tật năm xưa vẫn còn sống. Ông tên đầy đủ là Lê Hồng Đăng (63 tuổi, ở TP.Đông Hà). Lúc mới 10 tuổi, cậu bé Đăng bị mảnh bom B52 cướp đi đôi tay và một phần chân phải. Khi đó, các đoàn khách và báo chí nước ngoài thường được giới thiệu gặp Đăng khi họ đến thăm vùng giải phóng Quảng Trị. Trong rất nhiều cuộc gặp, ấn tượng không phai với ông Đăng là lần gặp gỡ Fidel năm 1973.

50 năm ký ức vẹn nguyên: Fidel đã 'sinh ra tôi lần nữa' - Ảnh 3.

Ông Lê Hồng Đăng (63 tuổi) nhân vật trong tác phẩm Ông Tây phe ta

THANH LỘC

Ông Đăng được gặp vị lãnh tụ Cuba gần lô cốt ở trung tâm TX.Đông Hà (nay là đoạn giao nhau giữa đường Hùng Vương - Trần Hưng Đạo - Lê Quý Đôn thuộc TP.Đông Hà). Để hiểu hơn về cuộc gặp gỡ này, Thanh Niên xin trích một đoạn văn trong tác phẩm Ông Tây phe ta do ông Thiện chép lại từ lời kể của ông Đăng: "Khi xe chở tôi dừng lại cạnh Bác, Bác xốc nách đưa tôi vào nhà, hai tay rắn chắc của Bác một tay ôm tôi vào lòng, một tay xoa đầu, xoa tai tôi như chính tôi là con đẻ của Bác, là cháu thiếu niên, nhi đồng của quê hương Bác lâu ngày gặp lại. Vừa xoa, Bác vừa nói những gì tỏ vẻ âu yếm, thương cảm nhưng tôi không hiểu, khi sờ đến hai cánh tay cụt của khuỷu tay tôi, hai tay Bác ghì chặt tôi hơn nữa. Đôi môi Bác ấn mạnh vào mặt, mắt, miệng của tôi làm tôi không còn nhận ra bộ râu rậm và cứng của Bác cọ vào mặt tôi ươn ướt, thì ra Bác khóc. Bàng hoàng, xúc động, tôi rúc đầu vào cổ vào vai Bác và khóc. Mặc dù tôi chưa biết Bác là ai, chỉ mới biết Bác là "Ông Tây phe ta". Với tôi đây là lần đầu khóc sau ngày gặp mẹ, khi trạm giải phẫu bộ đội giải phóng thật sự cứu sống tôi từ đêm bom B52 Mỹ rải thảm, tôi bị trọng thương. Lần này tôi khóc vì Bác Fidel đã khóc, Bác thương tôi què, cụt…" .

Ông Đăng bảo mãi lâu sau cuộc gặp, ông mới biết "ông Tây phe ta" đó là lãnh tụ Fidel. Dù vậy, ký ức đầy xúc động đã neo lại trong đầu cậu bé tật nguyền chỉ hơn 10 tuổi và theo ông đến tận bây giờ. "Chưa bao giờ trong tôi phai đi ký ức về cuộc gặp gỡ với Fidel. Đó như là điều tốt đẹp nhất đến với tôi mà tạo hóa đã sắp đặt để bù lại những thiệt thòi tôi phải gánh chịu. Mỗi khi tuyệt vọng, tôi lại nhớ về cuộc gặp đó và tự động viên đâu phải ai cũng được như mình", ông Đăng tự hào nói.

Theo dự kiến, hôm nay (26.9), UBND tỉnh Quảng Trị chủ trì phối hợp Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch, Đại sứ quán Cuba tại Việt Nam, tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm (1973 - 2023) chuyến thăm của lãnh tụ Cuba Fidel Castro đến vùng giải phóng miền nam Việt Nam, theo nghi thức cấp Nhà nước với nhiều hoạt động phong phú. Sự kiện sẽ có sự tham dự của nhiều lãnh đạo cấp cao của 2 nước Việt Nam - Cuba.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.